Hà Nội: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tiếp theo tinh thần tự nguyện

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:54, 18/02/2022

Nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả trong công tác tổ chức dạy học trực tiếp, ngày 18-2, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Một trong những nội dung quan trọng được thông tin là việc Sở đã trình UBND thành phố cho phép các trường tổ chức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày; tổ chức ăn bán trú... Chủ trương cho sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh cũng đã giải tỏa nhiều lo lắng... 
Hà Nội: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tiếp theo tinh thần tự nguyện
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị. 

Học sinh đi học theo tinh thần tự nguyện 

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong thời gian qua, việc tổ chức cho học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố đi học trở lại theo lộ trình nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh học sinh. Tỷ lệ đi học trực tiếp đạt gần 92%. Các nhà trường đã tích cực duy trì công tác phòng, chống dịch, có nhiều sáng kiến trong tổ chức dạy học để bảo đảm tiến độ, chất lượng chương trình giáo dục. Trên cơ sở kết quả triển khai, Sở đã đề xuất và được thành phố phê duyệt về việc cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận đi học trực tiếp từ ngày 21-2. 

Giải tỏa mối băn khoăn, lo lắng, đồng thời đáp ứng nguyện vọng về việc tổ chức bán trú của nhiều phụ huynh học sinh khi cho con trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường, tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương thông tin: Sở đã có văn bản trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt về việc cho phép các nhà trường tổ chức học trực tiếp 2 buổi/ngày, tổ chức ăn bán trú và dịch vụ xe đưa - đón học sinh; thời gian triển khai từ ngày 21-2.

Sau khi được UBND thành phố phê duyệt, Sở sẽ có văn bản thông báo, hướng dẫn để các nhà trường kịp thời chuẩn bị. Sở đề nghị các nhà trường căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể của từng đơn vị, xây dựng phương án thực hiện để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh học sinh; đồng thời báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của UBND cấp quận. 

Liên quan đến việc đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin về chủ trương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp theo nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh học sinh. Nội dung này đã được trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Sở lưu ý các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp nếu ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; nhà trường phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch theo quy định. 

Thống nhất quy trình xử trí F0 tại trường 

Từ thực tế triển khai dạy học trực tiếp thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý với các đơn vị, nhà trường tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch nghiêm túc, thống nhất quy trình xử trí F0 tại trường để vừa bảo đảm an toàn, vừa tránh hoang mang, gây xáo trộn việc dạy - học. 

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trường học (sửa đổi, bổ sung) được phê duyệt kèm theo Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT ngày 27-1-2022, trong đó có nêu rõ quy trình xử trí F0 tại trường với 4 bước cụ thể, để các đơn vị thực hiện thống nhất. 

Quy trình 4 bước xử trí F0 tại trường học gồm:

Bước 1, thông báo kết quả dương tính cho Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid-19 của trường và cha mẹ học sinh; cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương.

Bước 2, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa con về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3, tạm ngưng tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người); các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 647/MP-VP ngày 16-11-2021 về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1. 

Nhấn mạnh quan điểm của ngành Giáo dục về thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, ông Hoàng Hữu Trung lưu ý các nhà trường trong quá trình xử trí F0 nên khoanh vùng ở mức hẹp nhất, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn trong dạy học, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh. Nhà trường cần lưu ý, những học sinh có kết quả test nhanh âm tính, không thuộc diện F1 ở cùng lớp vẫn học tập bình thường, thực hiện nghiêm túc “5K” và tự theo dõi sức khỏe. 

Tại hội nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng thông tin về việc đã trình UBND thành phố cho phép trẻ mầm non trên địa bàn thành phố trở lại trường từ ngày 1-3-2022. Việc tổ chức cho trẻ mầm non trở lại trường được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ. Trên cơ sở định hướng này, Sở đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón trẻ khi có thông báo. 

Ý kiến của các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường đều bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm, cách thức triển khai các nội dung liên quan đến công tác đón học sinh, trẻ mầm non trở lại trường học; đồng thời, báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em khi học trực tiếp. 

HNM