Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát: Mong chờ bản lĩnh sáng tạo
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:36, 23/10/2018
“Để một nhà hát tồn tại và có nhiều vở diễn hay thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. Khi người chỉ đạo nghệ thuật là người giỏi về nghệ thuật sẽ có chủ trương, định hướng, phong cách của một nhà hát và phải có nghề, hiểu nghề, có mối quan hệ sâu sắc với tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Và có lẽ đây là hội thảo đầu tiên bàn về vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát trong khi vai trò chỉ đạo nghệ thuật này đã luôn tồn tại song hành cùng sự phát triển của sân khấu Việt Nam trong suốt hơn 60
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhà lý luận phê bình sân khấu, các tác giả cũng như những nghệ sĩ gạo cội của Thủ đô như NSND Mạnh Tưởng, NSƯT Lê Mai, NSND Thanh Trầm, đạo diễn Hoàng Quân Tạo, NSND Trần Quốc Chiêm, NSƯT Mai Hương…
Cùng với đó, NSND Thanh Trầm còn chỉ ra những bất cập: “Tuy nhiên, có một thực tế là, đến nay nước ta chưa có trường đào tạo chỉ đạo nghệ thuật. Hiện nay bộ máy nhân sự của các nhà hát vẫn diễn ra tình trạng, cứ là giám đốc hay đoàn trưởng là chỉ đạo nghệ thuật. Chúng ta quên rằng, giám đốc hay trưởng đoàn chỉ làm vai trò quản lý đã nhiều việc lắm rồi, hơn nữa lại kiêm luôn vai trò chỉ đạo nghệ thuật thì quá nhiều việc.”
Những dấu ấn đáng ghi nhận
Gọi “chỉ đạo nghệ thuật” là thành tố thứ 5 của nghệ thuật sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, chỉ đạo nghệ thuật, nói cho cùng chính là chủ thể quản lý – người cầm quyền thuộc Nhà nước trong đơn vị nghệ thuật sân khấu Việt Nam và có vị trí tối cao đặt ra đường lối phát triển, định hướng sáng tạo, chi phối bao cấp, điều hành mọi tổ chức, nhân sự, hoạt động của các nghệ sĩ trong đơn vị sân khấu… Chỉ đạo nghệ thuật trong sân khấu trước đây có thể là nghệ sĩ hay anh bộ đội cụ Hồ hoặc một nhà chính trị nào đó đến làm “chính ủy” lãnh đạo đơn vị nhà hát… Một tác phẩm sân khấu được ra đời hay không cũng đều do chỉ đạo nghệ thuật và có nhà hát được vinh quang hay bị khủng hoảng cũng bởi tài năng chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát.
Nhiều tác giả, nhà phê bình sân khấu nhắc đến bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm của đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi, của Nhà hát Kịch Việt Nam để sân khấu Việt Nam có được tác phẩm để đời là Hồn Trương Ba, da hàng thịt (tác giả: Lưu Quang Vũ).
Qua đây, PGS.TS Trần Trí Trắc cũng ghi nhận, sân khấu Hà Nội kể từ khi có chỉ đạo nghệ thuật đã được phát triển không ngừng từ một sân khấu nhỏ bé, đơn điệu, bầu gánh, đậm tính thương mại và có nguy cơ tan rã trở thành gương mặt mới tươi trẻ, chuyên nghiệp, thanh lịch, hoành tráng, hoàn thiện, hiện đại, hàn lâm và tiên phong trong sự nghiệp “phò chính trừ tà” luôn mang hơi thở nhân dân, gắn liền với bước đi của dân tộc, là vũ khí sắc bén chống kẻ thù xâm lược… Nền sân khấu ấy bao giờ cũng đứng về phía Đảng, nói tiếng nói của nhân dân, xứng đáng là chiến sĩ tiên phong bảo vệ, xây dựng cái đẹp, cái thiện, cái tiên tiến của Hà Nội, vươn lên chủ nghĩa xã hội trong cuộc sống con người Thủ đô hiện đại.
Vì vậy, nhiều năm qua các nghệ sĩ Hà Nội đã đem hết tâm huyết, trách nhiệm để cố gắng phản ánh bước đi của Hà Nội, đã lý giải được phần nào những quá trình diễn biến trong tính cách người Hà Nội và truyền tới khán giả Thủ đô bao cảm xúc tự hào… Khán giả Thủ đô và cả nước quên sao được những tác phẩm: Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Lam Sơn tụ nghĩa, Dấu chân người trước, Thanh gươm đô đốc, Chiếc áo thần kỳ, Hai phương trời thương nhớ, Ngọc sáng đất kiếm thần, Luận anh hùng, Kẻ sĩ Thăng Long… (cải lương); Ngôi sao ban ngày, Thung lũng tình yêu, Tôi và chúng ta, Ăn mày dĩ vãng, Những người con Hà Nội, Khoảnh khắc vô tận… (kịch); Những cô thợ dệt, Cô Son, Đêm hội Long Trì, Ngọc Hân công chúa, Nàng Si ta, Mối tình Điện Biên, Đồng tiền vạn lịch, Hoa khôi dạy chồng… (chèo)… Gắn liền với đó là tên tuổi của các nghệ sĩ: Ngọc Dư, Lê Thanh, Tuấn Nghĩa, Tuấn Sửu, Sĩ Tiến, Kim Sinh, Bích Được, Khánh Hợi, Thu Hoài, Hoàng Quân Tạo, Thanh Tú, Trần Hạnh, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Tiến Đạt, Tiến Hợi, Thanh Trầm, Hoa Tâm, Quốc Chiêm, Thúy Mùi, Trung Hiếu, Thu Hà, Hoàng Tuấn, Chu Lượng, Thu Huyền, Mạnh Thường, Xuân Hinh, Xuân Hanh, Quốc Anh, Công Lý…
NSND Mạnh Tưởng cũng đánh giá cao sân khấu Hà Nội có nhiều khởi sắc với những Dâu bể một kiếp tằm, Điện thoại di động, Những mặt người thấp thoáng,… Có được những thành công đó cũng là vì có sự đóng góp quan trọng của người chỉ đạo nghệ thuật. Với tác giả Giang Phong, nếu không có bản lĩnh, nếu không dám chịu trách nhiệm của đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi và chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, thì chắc chắn rằng sân khấu Việt Nam sẽ không có một tác phẩm đỉnh cao như Hồn Trương Ba – da hàng thịt. Hay NSƯT Nguyễn Đăng Tiến dẫn chứng, trước năm 1980, Đoàn Múa rối Thăng Long rơi vào trì trệ, bế tắc vì sự bất đồng quan điểm giữa trưởng đoàn và phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Thế nhưng, từ năm 1990, giám đốc nhà hát kiêm chỉ đạo nghệ thuật có những đường hướng rõ ràng. Cụ thể, giai đoạn 1992 – 2002, bộ môn rối nước được tập trung xây dựng phát triển và đưa nhà hát từ một đoàn rối địa phương thành một nhà hát múa rối hàng đầu trong cả nước, liên tục xuất ngoại hơn 60 lần, với 40 quốc gia trên thế giới chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Giai đoạn sau 2002, song song với rối nước, nhà hát còn củng cố đầu tư nghệ thuật rối cạn. Hàng loạt các vở rối cạn ra đời, giành nhiều giải Vàng, Bạc trong các kỳ liên hoan múa rối quốc tế tại Việt Nam. “Rõ ràng, công tác chỉ đạo nghệ thuật có một giá trị đặc biệt trong hoạt động của nhà hát nghệ thuật khi người chỉ đạo nghệ thuật giỏi chuyên môn, có nhãn quan nhanh nhạy trong việc hoạch định xây dựng phương hướng nghệ thuật, có tâm, có lý luận vững, trình độ lôi cuốn, thuyết phục cao, biết tập hợp các nhân tố nghệ thuật.” – NSƯT Đăng Tiến nhấn mạnh.
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, từ năm 1986 đến nay, vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát Hà Nội trở nên lúng túng nhiều mặt. “Đặc biệt khi hiện nay các nhà hát dần chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ thì cần đặt ra câu hỏi: vai trò chỉ đạo nghệ thuật còn tồn tại hay không và tồn tại theo mô hình nào để vừa phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế lại thực hiện được nhiệm vụ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nghệ thuật sân khấu Hà Nội?” – PGS.TS Trần Trí Trắc nêu vấn đề.
Dẫn giải về lịch sử của “vai trò chỉ đạo nghệ thuật”, tác giả Lê Quý Hiền nhắc đến cụ trùm ở các gánh hát ngày xưa bên cạnh việc lo cho gánh hát về vật chất còn kiêm luôn thầy dạy cho diễn viên rồi chọn tích trò, yêu cầu diễn xướng. Còn hiện nay, vai trò chỉ đạo nghệ thuật có nhiều điều cần bàn khi cụm từ “chỉ đạo nghệ thuật” luôn xuất hiện ở các vở dành cho các giám đốc nhà hát trong khi thực chất chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn là chính các đạo diễn. Bên cạnh đó, nhiều khi chỉ đạo nghệ thuật bị biến thành chỉ đạo quan hệ. Tác giả Lê Quý Hiền dẫn chứng: “Nhìn vào các liên hoan sân khấu là rõ nhất. Nhiều đơn vị chọn kịch bản theo tác giả là ai để mong có giải thưởng…”
Góp ý thêm về câu chuyện này, tác giả Giang Phong nhắc đến chuyện chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát hiện nay thường chọn phương án an toàn: “Chọn vở chung chung, miễn là hàng năm được cấp kinh phí dựng vở, xong kế hoạch, cán bộ, diễn viên cứ tháng tháng lĩnh lương, an toàn tuyệt đối. Sự khôn ngoan ấy đã buông bỏ trách nhiệm bản lĩnh của chỉ đạo nghệ thuật là xây dựng một nền sân khấu cách mạng Việt Nam hiện đại, tiên tiến để cùng hòa nhập với sân khấu thế giới.”
Không hài lòng khi hội thảo được tổ chức mà đối tượng bàn đến thuộc về nhà hát nhưng đại diện các nhà hát gần như vắng mặt, tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng giữa giám đốc (hoặc phó giám đốc nghệ thuật) và đạo diễn có vai trò khác nhau tuy cùng chung mục đích là làm cho nghệ thuật của nhà hát ngày càng hấp dẫn, có bản sắc riêng, hút khán giả, chinh phục đồng nghiệp… Tuy vậy, một số nhà hát thì tình trạng hai trong một lại xuất hiện. Ấy là khi giám đốc là một đạo diễn thì công việc, chức năng người chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn khoanh tròn trong một người – đó chính là giám đốc nhà hát. Cùng với đó, tác giả Nguyễn Hiếu còn chỉ ra thực trạng: “Người chỉ đạo nghệ thuật thiếu bản lĩnh, chuyên môn trong chọn kịch bản nên luôn đẩy nhà hát vào sự bị động trong hoạt động nghệ thuật. Diễn cầm chừng trong sự cầm cự cho một sự tồn tại của đơn vị mình bằng dựng vở với những kịch bản bất kỳ cảm thấy ăn ý và an toàn theo ngân sách được phân bổ hoặc nguồn tài trợ nào đó. Mặt khác vì người chỉ đạo nghệ thuật còn bỏ qua chức năng tạo dựng cho nhà hát một phong cách riêng, cũng như bỏ qua sự thăm dò thị hiếu, nhu cầu của khán giả nên hầu hết các vở diễn đều rơi vào tình trạng dựng rồi biểu diễn lấy lệ qua dăm ba buổi rồi cất kho.”