Không chủ quan với thành tích
Tin tức - Ngày đăng : 09:34, 24/10/2018
Với dự kiến 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ đạt và vượt kế hoạch, phiên thảo luận tại đoàn chiều 23-10 đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập và khẳng định, không thể lơ là, chủ quan với thành tích bởi nhiều chỉ tiêu đạt được chưa thực sự bền vững.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
Cho ý kiến về những vấn đề lớn, liên quan mật thiết đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gồm: Kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội chiều 23-10 đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá đa chiều.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao việc Chính phủ, các ngành và các địa phương đẩy mạnh thực thi các chính sách tiền tệ, cân đối ngoại hối, tài khóa, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng năm 2018 dự kiến đạt trên 6,7%, vượt kế hoạch đề ra. Yếu tố tổng cầu, trong đó có tiêu dùng thông qua các chỉ số hàng hóa dịch vụ, đầu tư xã hội, xuất nhập khẩu đã để lại ấn tượng tốt...
Đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện đã đạt được, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã quan tâm đúng mức hơn về văn hóa, du lịch, vốn là hai lĩnh vực được “xem nhẹ” trong bản báo cáo trước đó.
Trong phát biểu của mình, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, năm qua, Chính phủ đã có những tiến bộ vượt bậc trong kiềm chế lạm phát. Nếu tiếp tục giữ được nhịp độ này thì nợ công của nước ta sẽ dần được đẩy lùi và lạm phát chỉ xung quanh ở mức 4%, sẽ rút dần xuống như mục tiêu đã đặt ra.
Còn đó những bất ổn
Bên cạnh những thành tựu, các đại biểu Quốc hội cũng nêu lên những tồn tại, bất cập cần được nhận diện và đề xuất giải pháp. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, trong 5 yếu tố cấu thành tăng trưởng, hiện nay, các quốc gia đều chú trọng đến yếu tố con người và công nghệ chứ không coi nguồn vốn là quan trọng nhất. Đã đến lúc phải phân loại, phân tầng để chọn lọc cho được một đội ngũ cán bộ thực sự là đại diện cho trí tuệ, tinh hoa và tâm huyết của dân tộc. Từ đó, có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lại góp ý về việc cần coi trọng bảo đảm an ninh lương thực. Đó là phải có chính sách đột phá trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đồng thời phải giải quyết được vấn đề giao thông, cụ thể như xây dựng các tuyến đường cao tốc...
Bày tỏ sự lo lắng về tình trạng đầu tư công dàn trải, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện 63 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương đều có ít nhất một dự án sử dụng vốn Chính phủ. Thực tế này cho thấy, đầu tư công vẫn trong tình trạng cào bằng, dàn trải. Do vậy, nên ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách, cần thiết phục vụ đời sống của nhân dân.
Nêu tình trạng chất lượng nhiều công trình xây dựng cơ bản quá yếu kém, thậm chí có dự án vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng: “Ngân sách là tiền đóng thuế của nhân dân, nên khi sử dụng cần hết sức trân trọng nhằm bảo đảm không lãng phí nguồn lực của quốc gia”.