Tọa đàm về cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt”

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 15:29, 19/02/2022

Chào mừng Ngày quốc tế Tiếng mẹ đẻ (21-2-2022), sáng 18-2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Phân hội Từ điển học (thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) tổ chức tọa đàm về cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt” của tác giả Bùi Việt Bắc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022).
Tọa đàm về cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt”
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tác giả Bùi Việt Bắc là một dịch giả, một biên tập viên kỳ cựu của Nhà xuất bản Kim Đồng. Hơn 30 năm miệt mài với công việc này, ông đã tích lũy cho mình một hành trang, vốn liếng về ngôn ngữ tiếng Việt.

Nền tảng chủ yếu của tập sách là những phát hiện và đi sâu vào mổ xẻ của tác giả về những từ sai mới xuất hiện trong tiếng Việt cũng như những từ có sẵn từ trước nhưng nay bị hiểu sai, được dùng trong một số bài báo đăng tải trong khoảng thời gian từ năm 2005-2021. Tổng cộng có 57 từ, cụm từ như vậy được dẫn ra và phân tích.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Viêt Nam, tác giả Bùi Việt Bắc đã phát hiện ra sự nhầm lẫn của những từ tưởng như đã rất quen trong sách báo tiếng Việt (bà đầm thép, khoa học viễn tưởng, nàng tiên cá, ngài, ốc đảo, vườn quốc gia, xúc tu...). Ông lên tiếng nhắc nhở về những từ ngữ cũ tiếng Việt “bị thất truyền” nay nên dùng lại thế nào cho đúng khi dịch (công chúa, công nương, hoàng tử...). Ông lưu ý những người sử dụng tiếng Việt đừng quá dễ dãi khi chấp nhận những từ, những tổ hợp từ “tưởng dễ mà lại khó”. Ông nhắc nhở dịch giả phải luôn luôn cẩn trọng để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Mỗi từ, mỗi ngữ, mỗi trường hợp liên quan tới dịch thuật đều có thể thành một câu chuyện ngôn từ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa đánh giá cao công sức ghi chép, những trăn trở và tinh thần khoa học của tác giả. Như tiêu đề cuốn sách, “vui” vì viết đúng, viết hay; “buồn” vì viết chưa đúng, chưa chuẩn. Cuốn sách rất bổ ích và lý thú, có giá trị sử liệu về tiếng Việt, góp phần giúp mỗi người quan tâm, uốn nắn trong giao tiếp hằng ngày, để cùng nhau nói tiếng Việt đúng hơn và hay hơn.

Theo nhà văn Lê Phương Liên, cuốn sách đã đưa ra một vấn đề trong xã hội, làm cho người ta quan tâm đến ngôn ngữ, buộc phải tìm hiểu cách nói như thế nào là sai, như thế nào là đúng, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay khi người dùng ngôn ngữ sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Cuốn sách cũng nhắc nhở người trưởng thành khi nói trước trẻ em phải thận trọng vì ngôn ngữ có ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.

HNM