Sấm thi và tên làng Ðình Bảng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:01, 20/02/2022

Làng Đình Bảng (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) hơn một nghìn năm trước có tên Diên Uẩn. Nơi đây khi đó là rừng báng nên có tên Nôm Kẻ Báng, áp sang tên chữ là Dịch Bảng.
Dịch Bảng có chùa Thiện Chúng do thiền sư Định Không trụ trì. Nhà sư là người am hiểu sâu sắc vận số thế cuộc, khi xảy ra việc gì, người trong hương đều đến nhờ thầy tham vấn, ai nấy đều tôn kính và gọi là Trưởng lão.
Sấm thi và tên làng Ðình Bảng
Đình làng Đình Bảng khởi công từ năm 1700 đến năm 1736 mới được hoàn thành. Ảnh: Tuấn Minh

Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785 - 805), khi dựng chùa Quỳnh Lâm ở Dịch Bảng, lúc đào móng, thấy một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Nhà sư sai người đem ra sông rửa, một chiếc rơi xuống sông, trôi liệng mãi đến khi chạm đất (thổ) mới nằm im. Sư giải thích rằng: Thập khẩu là chữ Cổ; “Thủy khứ” (xuống sông) là chữ Pháp. Còn “thổ” đất chỉ vào hương ta. Nhân đó đổi tên là hương Cổ Pháp. Nhà sư có làm bài tụng: “Đất dâng pháp khí/ Hạng nhất đồng ròng/ Gặp thời Phật pháp thịnh hưng/ Đặt tên làng Cổ Pháp”. Lại một bài thơ khác: “Pháp khí hiện ra/ Khánh đồng mười tấm/ Họ Lý làm vua/ Công đầu Tam phẩm”. Một bài khác: “Mười cái xuống nước đất/ Cổ Pháp tên làng ta/ Gà ngồi lưng loan phượng/ Tam bảo đến lúc hưng”.

Sách “Thiền uyển tập anh” (NXB Văn học, 1990) chú thích, Tam phẩm chỉ Lý Công Uẩn giữ chức Thân vệ, chữ Gà (kê) chỉ năm Kỷ Dậu, là năm Lý Công Uẩn lên ngôi.

Lại nói, sư Định Không trước khi viên tịch có nói với đệ tử Thông Thiện: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, người khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”. Quả nhiên, ít lâu sau, Thông Thiện gặp Trưởng lão La Quý An, họ Đinh, trụ trì chùa Long Lâm, hương Phù Ninh gần đó, truyền lại lời dặn của thầy. Sư Định Không là người đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng. Sư đem chôn tượng ở chùa và dặn đệ tử: “Gặp minh chúa thì đào lên, gặp hôn quân thì cất giấu”.

Trước khi viên tịch, sư gọi đệ tử là Thiền Ông đến bảo rằng: “Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt đứt long mạch, tất cả 19 nơi, ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp của ta. Sau khi ta mất, người nên cho đắp đất, dựng nhiều bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết”.

Lại nói năm Bính Thân (936), thời thuộc Đường, khi trồng cây gạo, sư có đọc bài kệ như sau: “Đại sơn đầu rồng ngước/ Đuôi dài náu Chu Minh/ Thập bát tử dấy nghiệp/ Gốc gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Ắt thấy mặt trời lên”. Nhà văn Nguyễn Khôi giải thích, bài kệ này của La Quý có nội dung thống nhất với 3 bài tụng của sư Định Không, trong đó có một câu như hoàn toàn đồng nhất với câu ba của bài tụng, đó là “thổ kê thử nguyệt nội”. “Thử nguyệt” là tháng con chuột (tháng Một âm lịch), còn kê là gà, ứng với năm Kỷ Dậu - năm Lý Công Uẩn lên ngôi.

Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất. Lúc 3 tuổi mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn nuôi làm con. Từ bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”.

Thiền sư Đa Bảo, trụ trì chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, sống cùng thời với Vạn Hạnh, có cùng nhận xét: Khi Lý Công Uẩn còn nhỏ tuổi, nhà sư thấy dáng mạo tinh anh khác thường, bèn nói: “Cậu bé này cốt tướng chẳng phải tầm thường, ngày sau làm vua ắt là người này”. Lý Công Uẩn cả sợ nói: “Ngày nay thánh đế đang trị vì, trong nước yên bình, sư nói thế không khéo gây họa tru di cho cả họ nhà tôi”. Sư nói: “Mệnh trời định như thế, dù muốn tránh cũng không được. Nếu quả đúng như lời, sau này mong đừng quên nhau!”.

Qua tư liệu, chúng ta biết rằng, lúc thiếu thời, Lý Công Uẩn đã được nuôi dạy chu đáo, học hành bài bản, do thiền sư Vạn Hạnh (em ruột Lý Khánh Văn) và có thể là cả thiền sư Đa Bảo dạy dỗ. Vì theo các cao tăng, muốn có một triều đại nối nghiệp dài lâu, thì người đứng đầu phải có học vấn sâu rộng, biết được mệnh trời.

Đến khi Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa triều, 1006 - 1009) lên ngôi, tàn ngược độc ác, trời người đều oán giận. Bấy giờ điềm lạ xuất hiện ở nhiều nơi như xoáy lông trên lưng con chó trắng ở Viện Hàm toại, chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có hình chữ Thiên tử. Cây gạo bị sét đánh để lại vết chữ Viết, cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ Quốc... sư đều biện giải được, tất cả đều hợp với điềm Lê suy Lý dấy. Sử ghi, sau khi Đại Hành băng, Trung Tôn bị giết, Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc, Ngọa triều khen là người trung, cho làm Tứ sướng quân Phó chỉ huy sứ, thăng lên chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều băng, quần thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ mà biết trước sự việc. Sư nói với chú và bác của Lý Công Uẩn rằng: “Thiên tử đã băng hà, Lý thân vệ đang ở nhà. Người nhà thân vệ túc trực trong thành nội có hàng nghìn. Nội trong ngày, thân vệ ắt sẽ được thiên hạ”. Sư bèn yết bảng ở các ngả đường: “Tật lê chìm biển Bắc/ Cây Lý mọc trời Nam/ Bốn phương binh đao lặng/ Tám hướng chúc bình an”. Chú bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm sợ, sai người ruổi gấp về Hoa Lư nghe ngóng, thì quả đúng như lời sư nói. Dân chúng đọc lời sấm, suy luận: Tật lê là tên một loài cây, ở đây mượn tiếng đồng âm để ám chỉ triều Tiền Lê; cũng như Lý (cây mận) để chỉ triều Lý.

Những sử liệu trên đây rút ra từ “Thiền uyển tập anh” (“Anh tú vườn thiền”) biên soạn vào đời Trần, “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên soạn vào đời Lê và tài liệu điền dã do nhà văn Nguyễn Khôi cung cấp. Những sấm ký, những huyền thoại và truyền thuyết dân gian lưu truyền hơn một nghìn năm ở vùng đất Cổ Pháp xưa và Đình Bảng nay, là đất phát tích của vương triều Lý, dù đã được người đời sau thêm thắt cho linh thiêng, nhưng cuối cùng bản chất của sự việc là có thật. Qua sấm ký, chúng ta hiểu thêm cách chép sử uyển chuyển của người xưa, vì chỉ có “tích” mới cuốn hút và thuyết phục người đọc. Nếu Lý Khánh Văn là người cha có công nuôi dưỡng ông vua đầu của triều Lý thành người tài, thì Lý Vạn Hạnh là người cha tinh thần của vương triều này. Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018). Vua Lý Nhân Tông có làm bài kệ truy tán thiền sư như sau: “Vạn Hạnh thông ba cõi/ Lời sư nghiệm sấm thi/ Từ làng quê Cổ Pháp/ Chống gậy trấn kinh kỳ”.

HNM