Qua thử thách cam go, đội ngũ y tế ngày càng trưởng thành
Tin tức - Ngày đăng : 09:02, 20/02/2022
- Thưa ông, tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội vẫn tăng cao, chắc hẳn điều này đã gây một áp lực không nhỏ cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng của Thủ đô?
- Sự vất vả của các cán bộ y tế dự phòng Thủ đô là triền miên, liên tục trong hơn hai năm qua chứ không chỉ hiện tại. Có những thời điểm các cán bộ xét nghiệm của CDC Hà Nội phải làm việc thâu đêm, suốt sáng nhằm lấy mẫu, xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng ổ dịch. Mỗi mẫu bệnh phẩm âm tính, mỗi bệnh nhân được ra viện, mỗi khu phố được công bố gỡ phong tỏa chính là niềm vui, nguồn động viên quý báu giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hiện nay, tại Thủ đô, số ca mắc mới đều xấp xỉ 3.000 ca/ngày nhưng phần lớn F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đặc biệt là tỷ lệ tử vong rất thấp, chỉ chiếm 0,4%, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ 1,8% của cả nước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong tại Hà Nội cũng thấp hơn so với các địa phương khác. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 rất cao. Toàn thành phố cũng đang tiếp tục tiêm mũi bổ sung tại 30 quận, huyện, thị xã. Do vậy, tôi tin rằng, dù cán bộ y tế dự phòng có vất vả, khó khăn nhưng những tín hiệu khả quan trong công tác chống dịch là liều thuốc tinh thần động viên chúng tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa vì sự bình yên của nhân dân.
- Từ kinh nghiệm chống dịch suốt thời gian qua, theo ông, đâu là điểm mấu chốt để chúng ta có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới?
- Suốt thời gian chống dịch vừa qua, chúng ta đã đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch, đó là: 5K, vắc xin, thuốc điều trị, ý thức của nhân dân và các biện pháp khác. Các trụ cột phòng chống dịch là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm số ca chuyển nặng, giảm tử vong. Những kinh nghiệm này không phải ngày một ngày hai mà qua cuộc chiến cam go, gian khổ, kể cả mất mát, hy sinh, chúng ta mới có được.
Đặc biệt, trong hành trình chống dịch, chúng tôi tự hào vì những nghĩa cử cao cả, đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng... của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trên cả nước khi gác lại niềm riêng để cống hiến hết mình vì công cuộc phòng chống dịch.
Hơn 20.000 người thuộc ngành Y tham gia chống dịch là hơn 20.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Riêng với CDC Hà Nội, tôi luôn tự hào bởi qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ y tế của chúng ta càng trưởng thành cả về bản lĩnh, ý chí, lòng quả cảm, kiến thức chuyên môn. Tuy vậy, khó khăn, thử thách cũng làm bộc lộ những hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại, có giải pháp khắc phục, như về năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, chế độ cho cán bộ y tế còn chưa phù hợp...
- Về phía CDC Hà Nội, theo ông, ngoài những việc đã làm được thì có điều gì cần đột phá trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả chống dịch?
- Trong thời gian qua, Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã luôn quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; chủ động xây dựng các kế hoạch nhằm đáp ứng các cấp độ của dịch; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là thần tốc truy vết các trường hợp F0 để phát hiện sớm, ngăn chặn sự lây lan của dịch. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng đã xây dựng tổ phân tích dữ liệu, qua đó có cơ sở để đánh giá tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ, đề ra các giải pháp thích hợp để kịp thời xử lý. Thậm chí, khi các tỉnh, thành phố bạn trở thành tâm dịch, CDC Hà Nội đã cử các cán bộ y tế lập tức lên đường hỗ trợ. Trong thời gian tới, cùng với công tác phòng, chống dịch, CDC Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, đưa kiến thức phòng, chống dịch đến với mọi người để giúp họ nêu cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
- Hiện nay, người dân đang có tâm lý chủ quan với dịch, cho rằng Thành phố đã bao phủ vắc xin nên lơ là "5K", tụ tập đông người, liệu đây có phải là mối nguy trong tương lai không, thưa ông?
- Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh và nghiêm trọng, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19 thì không chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng, yếu tố quan trọng, cần thiết và quyết định nhất vẫn là ý thức, hành động từ phía người dân.
Sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sẽ khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế và chính quyền cơ sở, gây ra tình trạng quá tải, nhiều ca bệnh nặng sẽ không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Vắc xin phòng Covid-19 dù có được tiêm phủ khắp cộng đồng, nhưng nếu người dân không phát huy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thì dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn và đẩy lùi. Do đó, điều quan trọng nhất trong lúc này là mỗi cá nhân cần tăng cường “vắc xin ý thức”. Sẽ không có giải pháp hay liều thuốc nào hiệu quả bằng sự chủ động phòng dịch của chính mỗi người dân, bắt đầu từ biện pháp "5K". Nếu người dân chủ quan, vẫn tụ tập đông người khi không có việc thực sự cần thiết thì rất có thể phải trả giá đắt.
- Trân trọng cảm ơn ông!