Những người tiên phong xây dựng nông thôn mới

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:03, 20/02/2022

Là “lá cờ đầu” của thành phố trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã có rất nhiều mô hình hay. Trong đó, nổi bật là đóng góp tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của những bí thư chi bộ thôn, cụm dân cư... Những người vinh dự được “Dân tin, Đảng cử” đang từng ngày phát huy vai trò, trách nhiệm cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Những người tiên phong xây dựng nông thôn mới

Bí thư Chi bộ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Bùi Văn Trường vớt rác, làm sạch ao. Ảnh: Khắc Hiền

Kiến tạo những vùng quê đáng sống

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, từ năm 2015, Đan Phượng đã là huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới. Đến năm 2020, Đan Phượng tiếp tục dẫn đầu thành phố với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, huyện tiếp tục là địa phương duy nhất của thành phố có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các xã của huyện Đan Phượng đã có những đổi thay rõ nét về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “điểm sáng” của thành phố trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đến xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, khắp các nẻo đường đều được trang trí cờ hoa rực rỡ mừng Đảng, mừng Xuân. Đường làng trục chính được trải nhựa rộng rãi, ô tô vào ra thuận tiện; các tuyến đường ngõ xóm đều được “bê tông hóa” và vệ sinh sạch sẽ. Ở làng quê ven đô đất chật, người đông nhưng xã vẫn giữ được nguyên vẹn các ao làng, giếng làng. Các địa điểm này được cải tạo, kè cứng, xây lan can bảo vệ, trở thành những khuôn viên đẹp của làng quê. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, năm 2021, xã đã được thành phố đánh giá đạt nông thôn mới kiểu mẫu trên 5 lĩnh vực. Để hoàn thành mục tiêu này, xã đã khởi công một loạt các dự án xây dựng cơ bản như đường giao thông, nhà văn hóa... với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng.

Xã Liên Hà được thành phố đánh giá đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 trên 3 lĩnh vực. Đây là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với làng nghề mộc dân dụng. Hiện nghề truyền thống của xã đang giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 94% lao động địa phương và gần 4.000 lao động ngoài xã với thu nhập ổn định. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục thông tin, năm 2021, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 75,5 triệu đồng/người, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2019 và không còn hộ nghèo...

Còn tại xã Thọ Xuân, Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Hưng cho biết, địa phương chú trọng phát triển y tế cơ sở, bởi đây là những nội dung cốt lõi để nâng cao đời sống người dân. Nếu thực hiện tốt công tác y tế, người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngay từ tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho các tuyến trên. Đến nay, tỷ lệ người dân xã Thọ Xuân được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 92%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,1%...

Tương tự, xã Song Phượng đã đầu tư xây dựng trạm y tế khang trang trên diện tích hơn 1.500m2 với 15 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia, được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, điện tim, phòng xét nghiệm... Cùng với đó là đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao (gồm 1 bác sĩ, 3 y sĩ và 1 điều dưỡng), bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.

Tâm huyết và trách nhiệm vì cộng đồng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, từ huyện còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cán bộ cơ sở như bí thư chi bộ gần dân, hiểu dân, tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng quê hương.

Suốt 18 năm làm Trưởng thôn, 7 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Bùi Văn Trường - Bí thư Chi bộ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng rất nhiệt huyết với công việc, đóng góp vào thành công của thôn, xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo ông Trường, xây dựng môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp đã khó, duy trì phong trào trong cộng đồng còn khó hơn. Để làm tốt việc này, thôn Tháp Thượng giao cho các hộ dân chăm sóc đoạn đường hoa trước cửa nhà mình. Với khu vực trung tâm, xa nhà dân thì các hội, đoàn thể đứng ra đảm nhiệm. Cách làm này vừa giải quyết được “bài toán” kinh phí, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Với ông Trường, “để làm tốt nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ thôn phải cố gắng học hỏi, hiểu đúng các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ví như việc giải phóng mặt bằng, để mở rộng đường giao thông trên địa bàn thôn, một số hộ chưa đồng thuận về mức đền bù, hỗ trợ, chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản của Nhà nước, rồi giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, không lầm tin vào những thông tin chưa đúng trên mạng xã hội...”.

Từ một cụm dân cư các phong trào đều ở mức trung bình, cụm dân cư số 1 đã vươn lên trở thành đơn vị dẫn đầu xã Hạ Mỗ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên, với vai trò là Bí thư Chi bộ Cụm dân cư số 1, ông Nguyễn Văn Miễn đã mạnh dạn đề xuất với Chi bộ, Ban công tác mặt trận và các trưởng xóm để bàn bạc, tạo đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện các công trình phúc lợi công cộng. Kết quả, Cụm dân cư số 1 chỉ có 311 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu nhưng trong khoảng 10 năm gần đây đã thực hiện được 30 công trình phúc lợi công cộng như cải tạo ao làng, giếng làng, sân chơi, đường điện, tranh tường, cổng các xóm, trồng hoa... toàn bộ bằng vốn xã hội hóa với số tiền 1,3 tỷ đồng.

Cách làm linh hoạt, khéo léo của ông Miễn đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển sản xuất, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn. Đến nay, cụm dân cư số 1 của xã Hạ Mỗ không chỉ có diện mạo khang trang mà người dân còn có thu nhập bình quân đầu người cao, đạt 71 triệu đồng/năm, cụm không còn hộ nghèo. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Miễn cho biết: “Muốn tạo sự đồng thuận của người dân thì đảng viên phải đi trước, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, công khai, dân chủ trong mọi hoạt động”.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã phát động cuộc thi xây dựng thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Quá trình triển khai, các thôn đã có những cách làm linh động phù hợp tình hình thực tế tại địa bàn. Cụm 1, 2 (xã Hạ Mỗ); các thôn Trung Thành, Tiến Bộ (xã Thượng Mỗ), Thượng Trì (xã Liên Hồng) đã đưa nội dung cuộc thi vào Nghị quyết của Chi bộ; thành lập Ban vận động gồm lãnh đạo thôn, trưởng các xóm, phân công thành viên họp thống nhất tại các xóm, tạo tinh thần đoàn kết, nhất trí cao. Các thôn, xóm phân công cụ thể các đoàn thể đảm nhận, hoàn thành các chỉ tiêu công việc cụ thể như thống nhất 100% hộ gia đình sử dụng thùng rác có nắp đậy; toàn bộ tường bao ven đường thôn, xóm ngõ được chỉnh trang, sơn màu đồng bộ, bảo đảm mỹ quan; vận động từng hộ gia đình mua sắm cây cảnh, hoa trang trí đẹp từ nhà ra ngõ, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân.

Với những cách làm sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết của các cán bộ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng luôn là “lá cờ đầu” của thành phố. Thành công là kinh nghiệm cho các địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, hướng đến xây dựng nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống...

HNM