Không phù hợp và phản cảm
Tin tức - Ngày đăng : 08:52, 21/02/2022
Xuất hiện mọi nơi
Thời gian qua, trên đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều tấm áp phích, bia đá sơn, vẽ có dòng chữ “A di đà phật”. Tại đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, đường Nguyễn Xiển, trụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông... những tấm áp phích, bia đá này được dán, sơn với nhiều hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau. Nhiều người tham gia giao thông không khỏi băn khoăn, đặt ra câu hỏi vì sao những dòng chữ này lại xuất hiện chằng chịt trên đường?
Anh Lê Văn Hùng, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ: “Khoảng gần một năm trở lại đây, tôi thấy trên đường phố Hà Nội xuất hiện ngày một nhiều dòng chữ “A di đà phật”. Thậm chí, những dòng chữ này được dán chồng chéo lên nhau, tại những nơi thu hút ánh nhìn của người đi đường.
Tại một số nơi, những bia đá cao quá đầu người màu trắng với dòng chữ “Nam mô a di đà phật” được in đỏ được dựng giữa dải phân cách, vỉa hè hay bên cạnh lối lên cầu vượt che khuất tầm nhìn cũng như lấn chiếm hành lang giao thông”. Theo anh Lê Văn Hùng, việc những dòng chữ này xuất hiện đã phần nào gây mất mỹ quan đô thị và làm cho người tham gia giao thông mất tập trung, dễ gây ra tai nạn.
Chị Nguyễn Thị Thương trú tại quận Cầu Giấy cho biết: “Những tấm áp phích này xuất hiện khiến tôi rất tò mò, không biết là do ai dán. Nhiều lúc đi đường mải đọc mà không khỏi giật mình khi suýt va chạm với xe phía trước. Hơn nữa, những tấm áp phích, bia đá này được đặt tại những nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông khiến nhiều người dân vô cùng hoang mang, lo lắng”.
Theo chị Nguyễn Thị Thương, những tấm áp phích, bia đá có dòng chữ “A di đà phật” cần được đặt tại đúng vị trí, như chùa, công viên hay những nơi người dân đến vãn cảnh chứ không nên đặt ngoài đường. Chị Thương cũng cho rằng, đây là hình thức quảng bá tôn giáo trá hình gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, hoang mang dư luận.
Trao đổi về vấn đề này, Đại đức Thích Đạo Phong - Chánh Thư ký Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, cho biết: “Giáo hội không hề có bất kỳ chủ trương nào về việc dán những áp phích, bia đá ở đường phố, những công trình giao thông và nơi công cộng. Việc dán những tấm áp phích, dựng bia đá tại những khu vực này còn khiến người đi đường cũng như tăng ni, phật tử không thấy thuận mắt”.
Theo Đại đức Thích Đạo Phong, hiện nay, xuất hiện nhiều cơ sở tu tập tự phát tại nhà, tại khu vực sinh sống do một số cá nhân, tổ chức đứng lên kêu gọi khiến việc truyền bá phật pháp cũng như quản lý của Giáo hội Phật giáo gặp nhiều khó khăn hơn. Giáo hội cũng không khuyến khích phật tử dán những tấm áp phích, đặt bia đá ngoài đường như tình trạng đang diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay.
Gây hoang mang, phản cảm
Một số chuyên gia nhận định, việc dán áp phích, tờ rơi tùy tiện nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, muốn xử phạt phải có đủ căn cứ cho rằng việc dán đó là gây ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông và xã hội thì mới có thể xử phạt.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Đại đức Thích Đạo Phong cho biết: “Tôi cho rằng, những người dán áp phích, bày bia đá này nhằm mục đích truyền bá phật pháp nhưng không đúng chỗ. Không nên có những hành động truyền bá phật pháp như vậy. Việc này vô hình chung khiến xã hội cảm thấy phản cảm, đem lại những tác dụng ngược”.
Theo Đại đức Thích Đạo Phong, các lực lượng chức năng cần xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, di chuyển những tấm áp phích, bia đá này đặt tại vị trí phù hợp hơn và trang nghiêm hơn.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) cho rằng, “A di đà phật” được dùng là lời chào trong đạo phật. Tuy nhiên, không nên sử dụng một cách tùy tiện, trưng bày, dán ở nhiều nơi như chân cầu, lề đường, cột đèn… làm ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông. Hơn nữa, những chữ này xuất hiện dày đặc trên đường phố với màu sắc nổi bật, không những không làm người dân nhìn vào đấy để bĩnh tĩnh lại khi tham gia giao thông mà còn tạo cảm giác khó chịu khi liên tục bị hút vào tầm nhìn.
“Nên đặt những tấm áp phích, bia đá này tại những khu vực tín ngưỡng tôn giáo phù hợp như chùa, đình, đền... tạo cảm giác trang nghiêm, tôn kính khi mọi người nhìn thấy” - PGS.TS Phạm Thị Phương Thái chia sẻ thêm.