Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: Không để khan hàng, “sốt giá”

Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 30/10/2018

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố; phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, không để xảy ra tình trạng khan hàng, "sốt giá".
Lượng hàng hóa tăng 10%

Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả tăng 10-15%, thịt lợn 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, gạo 5-7%... Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù mức tiêu thụ tăng, nhưng khả năng sản xuất của doanh nghiệp Thủ đô chỉ đáp ứng được 50-65% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Để giá cả các mặt hàng thiết yếu không biến động, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu, với tổng giá trị lên đến 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: Không để khan hàng, “sốt giá”
Ảnh minh họa: Internet

Để người tiêu dùng mua được hàng chất lượng, đúng giá, ngành Công Thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hơn 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng. Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bình ổn giá dịp Tết, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng, với 2.700 tỷ đồng.

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, Hà Nội đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… qua đó các doanh nghiệp đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm…

Doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo

Được biết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết 2019. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, Hapro đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản… Những mặt hàng này được khai thác từ các nhà cung cấp lớn, có uy tín, chất lượng bảo đảm. Hapro sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán đúng giá quy định, góp phần giữ vững sự ổn định của thị trường.

Ông Vũ Thanh Tân, Giám đốc Phụ trách truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam chia sẻ, hiện Big C đã đàm phán với các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng như bia, nước ngọt, bánh, kẹo... giúp người tiêu dùng có thể thỏa sức mua sắm, không lo về giá. 

Giám đốc Vùng vận hành Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cũng khẳng định, ngoài số hàng hóa đang dự trữ tại hệ thống siêu thị Vinmart, đơn vị còn dự trữ tại tổng kho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá...

Bên cạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính Hà Nội và các ban ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; mở kênh tiếp nhận thông tin để chỉ đạo điều tiết hàng hóa, hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa, điểm bán hàng Tết, đưa hàng Việt về nông thôn; đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường rà soát, xử lý các điểm có nguy cơ cao về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thanh Hiền/HNM