Rào chắn cứng vỉa hè ngăn xe cơ giới: Bước đầu phát huy tác dụng

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:59, 21/02/2022

Thời gian gần đây, nhiều đoạn tuyến vỉa hè trên các đường phố nội thành Hà Nội đã được lắp đặt barie, ngăn không cho xe cơ giới đi lên, bảo vệ làn đường dành riêng cho người đi bộ.
Việc rào chắn cứng, phân cách vỉa hè với lòng đường bước đầu có hiệu quả ngăn xe cơ giới nhưng lại nảy sinh vấn đề quản lý khi bị chiếm dụng và có một số ý kiến trái chiều.
Rào chắn cứng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Công
Rào chắn cứng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Công

Hiệu quả rõ rệt

Rào chắn được lắp cố định, cao từ 50 - 100cm, có sơn điểm màu vàng phản quang để dễ nhận biết. Hai đầu đoạn vỉa hè được chắn so le bằng 3, 4 mảnh rào, tạo hướng đi dích dắc, chỉ vừa cho người đi bộ sử dụng.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các điểm như đường Hồ Tùng Mậu (đoạn vỉa hè trước cổng trường Đại học Thương mại); đường Phạm Hùng (đoạn giao đường Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết); đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, đoạn từ ngõ 1 đến hết tòa nhà FLC); đường Nghiêm Xuân Yêm (từ chung cư CT1 - Khu đô thị Bắc Linh Đàm đến giao đường Kim Giang) và ngã ba cầu Mộ Lao - Tố Hữu, sau khi lắp barie rào chắn vỉa hè đã hạn chế hẳn tình trạng ô tô, xe máy lao lên tranh dành đường với người đi bộ.

Anh Vũ Thái Hoàng, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: “Hàng ngày, tôi đi bộ trên vỉa hè đường Phạm Hùng tới chỗ làm. Trước đây, khi chưa có rào chắn vỉa hè, vào giờ cao điểm, xe máy tràn lên, khiến người đi bộ luôn bị nguy hiểm rình rập, vừa đi vừa phải quay lưng ra sau nhìn để tránh xe máy. Nhưng từ khi Hà Nội lắp đặt barie tại một số đoạn vỉa hè, việc đi bộ của người dân trở nên thuận lợi và an toàn hơn, không còn tình trạng nơm nớp lo sợ khi đi bộ đúng luật nữa.

Ông Trần Văn Bính - Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức rào chắn vỉa hè đang đem lại hiệu quả rất lớn trong việc ngăn chặn xe cơ giới chiếm phần đường đi của người đi bộ. Trước đây, khi chưa có barie chắn, xe máy nối đuôi nhau leo lên vỉa hè vào những lúc tắc đường. Đặc biệt như đoạn vỉa hè giáp tường rào Bến xe Nước Ngầm khi chưa có rào chắn cứng, là khu vực náo loạn, lộn xộn vì xe ôm chèo kéo khách, phóng xe ầm ầm bất chấp an toàn của người đi bộ.

Thông tin đến phóng viên, lãnh đạo Đội CSGT số 7 Công an TP Hà Nội cho biết, trước khi có những barie rào chắn vỉa hè, vào giờ cao điểm, đội phải tăng cường lực lượng để phân luồng giao thông, tránh tình trạng người dân điều khiển phương tiện lên vỉa hè nhất là khu vực trước trường học, bến xe, nút giao thông có mật độ phương tiện lớn.

Nhiều địa điểm giao nhau, vào giờ cao điểm, người dân còn trèo lên vỉa hè để đi ngược chiều, tạo nên khung cảnh giao thông hỗn loạn, nguy hiểm cho cả người điều khiển phương tiện và người đi bộ. Nhưng vừa qua, việc lưu thông của người đi bộ cũng như các phương tiện xe cơ giới trở nên dễ dàng hơn khi barie vỉa hè được dựng nên. Bên cạnh đó, áp lực cho lực lượng chức năng cũng được giảm đi đáng kể.

“Có thể thấy rằng, việc lắp đặt barie trên vỉa hè đang cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc ngăn chặn phương tiện đi lên vỉa hè để bảo vệ người đi bộ, trả vỉa hè về đúng chức năng và nhiệm vụ của nó” - vị này chia sẻ.

Việc lắp đặt rào chắn cứng bảo vệ không gian vỉa hè đã đem lại những hiệu quả thiết thực đối với việc tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự, ATGT trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường phố, việc lắp đặt rào chắn cứng phân cách vỉa hè vẫn còn những bất cập dẫn đến không ít ý kiến trái chiều.

Rào chắn cứng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Công
Rào chắn cứng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Công

Cần cái nhìn chân thực

Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp Trần Văn Bính chia sẻ: “Việc rào chắn vỉa hè vẫn còn một số bất cập như khe hở để vào khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ quá nhỏ, người già, người khuyết tật sử dụng xe lăn không thể đi vào được. Cũng có không ít người ngại đi qua khe hở giữa các rào chắn vỉa hè nên vẫn duy trì thói quen thiếu ý thức đi… dưới lòng đường”.

Hay như việc một số người lợi dụng ngay khu vực đường đi bộ được rào chắn cứng này để phục vụ mục đích riêng, như bán hàng quán, tập kết rác, vật liệu xây dựng, thậm chí, quây cả lều bạt để làm nơi sống tạm. Ví dụ như vỉa hè đường đi bộ trên phố Thái Hà, hướng đi Huỳnh Thúc Kháng, sau khi quây rào lại bị biến thành khu vực bán trà đá, tập kết rác. Hay vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn ngõ 19, toàn bộ đường đi bộ bị biến thành bãi trông giữ xe có thu tiền.

Chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Việc chiếm dụng khoảng không vỉa hè bên trong rào chắn không những làm mất đi chức năng vốn có của vỉa hè, biến tướng ý tưởng ATGT dành cho người đi bộ thành việc “đẻ” ra những nét nhếch nhác, xấu xí trên bộ mặt đô thị Hà Nội”.

Đại diện lãnh đạo phường Trung Văn, Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Để đảm bảo phần vỉa hè được sử dụng đúng mục đích là dành cho người đi bộ, chúng tôi giao công an phường, lực lượng dân quân và tổ dân phố thường xuyên tuần tra, nhắc nhở và kiên quyết lập biên bản xử phạt đối với những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm”. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, những cá nhân, tập thể vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè này đa số đều có cơ sở kinh doanh trên tuyến đường. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng tái vi phạm lại diễn ra.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, việc lắp barie là cần thiết để ngăn xe máy và bảo vệ người đi bộ. Từ những đoạn vỉa hè đã được lắp đặt barie đang cho thấy hiệu quả rõ rệt khi không còn xuất hiện tình trạng phương tiện xe cơ giới chiếm phần đường dành cho người đi bộ.

“Theo tôi quan sát, nhiều khu vực vỉa hè được rào chắn cứng vẫn có lối cho người đi bộ ra vào, lên xuống chứ không phải bịt hoàn toàn như một số dư luận những ngày qua” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hình ảnh người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường Phạm Hùng, đoạn Bến xe Mỹ Đình phần nhiều là do nguyên nhân chủ quan. Tại mỗi điểm dừng chờ xe buýt hoặc đầu cuối đoạn vỉa hè được rào chắn nêu trên đều có lối cho người đi bộ ra vào, lên xuống.

Tuy nhiên, có trường hợp do xe buýt trả khách xa vỉa hè hoặc do người đi bộ tự lựa chọn nên mới đi xuống lòng đường chứ không phải vỉa hè bị bịt kín. Bên cạnh đó cũng cần rà soát lại việc bố trí rào quá chật, không đủ chỗ cho xe lăn, người khuyết tật ra vào, lên xuống tại các tuyến hè sử dụng phân cách cứng.

Việc rào chắn vỉa hè được đại diện Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội (đơn vị lắp đặt hàng rào sắt trên vỉa hè) thông tin, trên một số tuyến phố tại khu vực nội đô có tình trạng xe máy đi lên vỉa hè, gây mất trật tự giao thông, nhất là khu vực trước trường học, bến xe, nút giao thông có mật độ phương tiện lớn. Sau khi có ý kiến của một số đơn vị có liên quan, Ban Duy tu giao thông đã lắp đặt hàng rào sắt trên vỉa hè nhằm ngăn chặn người đi xe máy đi lên vỉa hè.

Qua thực tế, sau một thời gian đã phát huy tác dụng tốt trong việc ngăn chặn xe máy lao lên vỉa hè nhưng lại chưa được quản lý sát sao mới dẫn đến một số nơi bị chiếm dụng. Do vậy, để đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, cấp cơ sở, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia bảo quản, giữ gìn vỉa hè, thì quan trọng nhất là cần phải tổng rà soát, phân loại các tuyến phố để lựa chọn, nơi nào sẽ lắp đặt barie; lực lượng chức năng cũng phải thường xuyên tuần tra kiểm soát xử lý trường hợp cố tình vi phạm.

Việc để vỉa hè bị chiếm dụng, trở thành nơi tập kết rác, bán hàng… gây khó khăn cho người đi bộ, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền cơ sở khi buông lỏng quản lý. Việc rào chắn là cần thiết với nhiều tuyến hè phố, nhưng thực hiện phải chỉn chu, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ…, thì mới đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

KTĐT