Hàng nghìn tỷ nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi

Tin tức - Ngày đăng : 09:49, 31/10/2018

Sáng nay (31/10), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Quỹ phát triển Du lịch vướng do địa vị pháp lý

Chiều 30/10, ĐB Mai Sỹ Diến đặt vấn đề nợ đọng thuế vẫn cao, xu hướng năm 2018 cao hơn 2017. Ông chất vấn Bộ trưởng Tài chính: "Nguyên nhân do đâu và giải pháp khắc phục tồn tại này thế nào?".

Mở đầu ngày chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) về giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, cho biết mấy năm gần đây đã thu được 82% số nợ đọng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã thu được hơn 25.000 tỷ đồng thuế nợ đọng. Tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa giảm dần theo các năm, đến nay còn 7,8%.

Theo Bộ trưởng: “Nếu so với các nước ASEAN, tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam khoảng 7,5%, các nước ASEAN khoảng 8,5%. Tuy nhiên số thuế nợ đọng vẫn còn trên 80.000 tỷ. Nguyên nhân do nhiều người nộp thuế đã chết, mất tích, phá sản... Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang tiến hành phân tích để có giải pháp phù hợp”.

“Bộ đang triển khai rất nhiều giải pháp, giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Cục thuế, công chức thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ì, nợ đọng thuế; báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Về Quỹ phát triển Du lịch, vướng lâu nay là do địa vị pháp lý của quỹ này, Bộ VHTT&DL trình là đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên lãnh đạo chỉ đạo là Công ty TNHH Một thành viên, Bộ VHTT&DL đang hoàn thiện lại để trình, sẽ có quyết định trong thời gian tới.

Về giải quyết tích tụ đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nút thắt đất đai chính là hạn điền. Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT kiến nghị và đưa vào nội dung của năm 2019, dự kiến chỉnh sửa một số nội dung của Luật đất đai. Khi đó chúng ta sẽ bàn kỹ hơn, để giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bỏ nội dung quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần vào thông tư

Chiều 30/10, chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục.

"Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm "sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm" song rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", nữ ĐB Quốc hội đoàn Phú Yên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Minh Hiền đầu phiên chất vấn sáng 31/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát các văn bản trong đó có thông tư trong nhiều năm gần đây. Quy định bán dâm đối với học sinh sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có. Như vậy, thực tế quy định này đã có.

Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa trong đó có nội dung này. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên website dẫn đến phản ứng của xã hội.

"Khi có thông tin tôi chỉ đạo xử lý ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo là không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội. Những nội dung này không đưa vào thông tư nữa", Bộ trưởng cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng Giáo dục đã tiếp thu ý kiến dư luận. Bà đề nghị những quy định gây phản cảm, gây bức xúc thì phải sửa ngay. "Quan điểm của Bộ trưởng rất rõ rồi, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo khắc phục ngay", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Không có dự án nào lãi bằng đầu tư vào di sản, du lịch

Trả lời về việc trùng tu một số công trình trái phép, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tu bổ di tích, giữ gìn tối đa yếu tố văn hóa, lịch sử, giá trị của di tích. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, yêu cầu trả lại giá trị nguyên gốc của di tích. Điển hình một số vụ việc vi phạm gần đây là xây dựng trái phép tại chùa Bà Chúa Xứ ở An Giang và xây dựng công trình trái phép ở Núi Cát, Tràng An (Ninh Bình).

Theo Bộ trưởng: Chúng ta phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn. Không có dự án nào lãi bằng đầu tư vào di sản.

Liên quan đến phát huy, phát triển du lịch như thế nào. Tôi xin nêu một vài con số. Với 8 di sản văn hóa vật thể, chúng ta đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thu hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng vịnh Hạ Long, chúng ta thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Số thu ở cố đô Huế là 320 tỷ, ngân sách 47 tỷ; ở Hội An thu 219 tỷ, ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ.

Đó mới chỉ là riêng tiền bán vé, khách du lịch đến lưu trú, đi lại, tham quan, ăn uống… gấp rất nhiều lần, trong khi chúng ta đầu tư rất ít. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư, coi như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ, không có dự án nào có lãi như thế này. Chúng ta chỉ đầu tư 50 tỷ, thu hơn 1.000 tỷ. Lĩnh vực bảo tồn di sản cần được quan tâm, bởi chúng ta vừa bảo tồn được, vừa có nguồn thu rất lớn với ngân sách.

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm. Những di tích đó được thu lấy một phần để bảo tồn, trùng thu. Có những di tích có nguồn thu rất lớn cần xem xét cơ chế này.

Gắn đào tạo nghề với thị trường

Trả lời ĐB Tô Thị Minh Châu về giải pháp đột phát phát triển đào tạo nghề, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp là: Tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp. Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu của công tác đào tạo nghề. Chuyển mạnh đào tạo theo đầu ra, gắn đào tạo với thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kỹ năng nghề nghiệp còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như kiến thức thị trường, kỹ năng phân tích....

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm nay, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Bộ NNPT&NT tổ chức hội nghị về đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ bàn thảo sâu hơn về vấn đề này.

Vì sao nâng Cục quản lý thị trường lên Tổng cục?

ĐB Lý Tiết Hạnh chất vấn về sự thay đổi mô hình hoạt động của lực lượng quản lý thị trường khi "nâng cấp" Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục và chuyển quản lý các chi cục tại địa phương theo ngành dọc, thay vì địa phương quản lý như trước.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng... đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý nhà nước, bao gồm cả mô hình quản lý thị trường; trong khi đó hoạt động gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước nên đòi hỏi sự cập nhật mô hình, phối hợp thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường.

Do đó cần có một lực lượng chuyên ngành để phối hợp với các lực lượng khác cần phải xem xét tổ chức lại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động gian lận thương mại trên thương mại điện tử, mạng xã hội, Internet… các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả đạt quy mô mới, hình thức tinh vi, đòi hỏi sự cấp nhật chuyên môn, nghiệp vụ của quản lý thị trường, sự phối hợp với các địa phương liên vùng. Sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngạch dọc, vẫn có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Chính phủ đã ký ban hành quyết định và cho triển khai việc tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường ngay từ cuối năm 2018. Chúng ta mới chỉ thay đổi mô hình tổ chức, việc lãnh đạo, chỉ đạo, đòi hỏi có sự phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo, phối hợp đấu tranh nhưng cũng hoàn thành các nghiệm vụ của địa phương. Chúng tôi cũng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đổi mới phương thức số hóa, gắn với năng cao phẩm chất, năng lực trên toàn hệ thống.

Mong địa phương đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm

Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) về tình trạng mượn bằng cấp mở các tiệp thuốc tây, không thể kiểm soát được. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tình trạng này khá phổ biến.

Theo nữ Bộ trưởng, nhà nước đã có quy định về việc mở quầy thuốc như: Mở quầy thuốc phải tuân thủ quy định, mỗi bằng cấp dược chỉ được sử dụng một nơi và dược sĩ phải chịu trách nhiệm ở đó. Nhưng thực tiễn nhiều dược sĩ không thực hiện đúng, cho thuê bằng ở nhiều nơi, thậm chí cho thuê ở nhiều tỉnh khác.

Bộ trưởng cho biết, để xử lý vấn đề này, Chính phủ đã ra Nghị định 176 với nhiều chế tài xử lý mạnh, thậm chí có thể thu hồi giấy phép hoạt động. Do vậy, Bộ trưởng mong các địa phương phải đẩy mạnh thanh tra, hậu kiểm.

Bộ trưởng Y tế chia sẻ thêm: Bộ Y tế đã có đề án bán thuốc kê đơn, theo đó tiến tới liên thông hệ thống quản lý giữa các nhà thuốc và cơ quan quản lý. Vừa qua đã thí điểm liên thông với 4 tỉnh và sắp tới mở rộng ra 16 tỉnh. Dần dần sẽ tiến tới bán thuốc theo đơn.

Giải pháp đột phá quản lý tội phạm trên không gian mạng

Phát biểu tại phiên chất vấn, ĐB Đinh Duy Vượt hỏi tân Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về quản lý nhà nước trên môi trường mạng.

ĐB Vượt cho biết, nhiều cử tri phản ánh thực trạng thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ TT&TT đã tập trung giải quyết nhưng vấn đề này vẫn gây bất an cho xã hội, vậy giải pháp đột phá là gì?.

Do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông chưa lâu nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ trả lời.

Phó Thủ tướng cho hay: "Ở tầm Chính phủ thì đây là câu hỏi lớn. Trong thời gian ngắn tôi chỉ xin nêu một ý. Chúng ta đều đã biết trên không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên đó có lừa đảo, cuộc sống thật có đánh bạc, tống tiền thì trên không gian mạng cũng có đánh bạc, tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn giống như vậy nên nhìn chung phải hoàn thiện quy định của pháp luật, không chỉ về quản lý không gian mạng mà cả quản lý xã hội; phải lưu ý hình thái phát sinh trên không gian mạng".

“Vấn đề quan trọng nhất là vai trò của các Bộ, đặc biệt là Bộ thông tin truyền thông. Ở cuộc sống thực, nhờ có hệ thống pháp luật, quản lý, toàn xã hội nhận biết và đấu tranh với tội phạm dễ dàng. Nhưng trên không gian mạng, thông qua giải pháp kỹ thuật gián tiếp, không lưu vết nên khó phát hiện, nhận diện, đấu tranh. Vì vậy, Bộ Thông tin và các bộ liên quan phải làm cho những vấn đề này không quá phức tạp, không quá cao siêu mà dễ nhận diện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng: "Việc đấu tranh với tội phạm trên mạng không chỉ là cơ quan chức năng mà của tất cả mọi người; cần phổ biến kiến thức, tuyên truyền để toàn dân nắm bắt được xu thế phát triển, tri thức công nghệ".

Thị trường alumin phát triển tốt, giá bán tăng liên tục

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về hiệu quả kinh tế các công trình khai thác bô xít Tây Nguyên.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, dự án bô xít Tây nguyên gồm 2 dự án sản xuất alumin tại Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng). Năm 2013, dự án tại Tân Rai đi vào hoạt động, đạt công suất thiết kế phê duyệt, sản lượng hiện là 650.000 tấn alumin.

Dự án Nhân Cơ hoạt động năm 2016 và đã có sản phẩm đầu tiên, đạt 77% công suất thiết kế vào cuối cuối năm 2017 và năm 2018 đạt hơn 85% với khoảng 580.000 tấn; dự kiến năm 2019 đạt 100% công suất thiết kế.

Bộ trưởng Công Thương khẳng định, dự án đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong báo cáo khả thi được phê duyêt. Một số vấn đề dư luận lo ngại liên quan tới chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường, sự vận hành ổn định, an toàn nhà máy và các tác động đời sống người dân..., đến nay cơ bản đạt được theo yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, điểm thuận lợi hiện nay là thị trường alumin phát triển tốt, giá bán tăng liên tục. Giá alumin năm 2017 bình quân 344 USD một tấn, năm 2018 hơn 480 USD và tháng 4/2019 giá có thể lên "đỉnh" khoảng 672 USD.

Cuộc đấu tranh với tội phạm ma tuý đang diễn ra quyết liệt

ĐB Hoàng Văn Liêm chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an "về giải pháp căn cơ chống tội phạm ma tuý".

Theo Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an: Tình hình về tội phạm ma tuý là đáng lo ngại; số người nghiện tiếp tục tăng với 224.690 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, con số trong thực tế lớn hơn nhiều song việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai gặp khó khăn, chỉ có khoảng 10% người nghiện được đưa vào các trại cai nghiện tập trung.

Số người nghiện gia tăng tạo ra nhu cầu sử dụng ma tuý lớn, kích thích các đối tượng buôn ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm trộm cướp, gần đây là hiện tượng ngáo đá gây lo ngại trong xã hội.

Ngoài ra, việc ngăn chặn các đường dây ma tuý chưa đạt yêu cầu, nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia hoạt động mạnh; ngày càng nhiều loại ma tuý mới khó kiểm soát. Năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 19.059 vụ, tăng 26,33% so với năm 2017 và khởi tố 23.160 bị can.

"Cuộc đấu tranh với tội phạm ma tuý đang diễn ra quyết liệt", Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Về giải pháp, theo Thượng tướng Tô Lâm, chúng ta cần hoàn thiện chính sách pháp luật, quản lý chặt người nghiện tại khu dân cư, đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung. Tiếp tục đấu tranh triệt phá đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn bán ma tuý, tăng cường tiếp nhận tin báo tố giác từ nhân dân.

Nhóm Phóng viên/KTĐT