Sự kiện công nghệ: Tân Bộ trưởng TT&TT trả lời chất vấn trước Quốc hội
Tin tức - Ngày đăng : 07:36, 05/11/2018
Chiều 31/10, tại phiên chất vấn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của các đại biểu. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt 2 câu hỏi tới Bộ trưởng.
Vấn đề thứ nhất, ĐB nhìn nhận, lâu nay một số cá nhân trên mạng xã hội cho mình cái quyền thích nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Ví dụ sau lấy phiếu tín nhiệm, có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng. "Tôi xin hỏi Chính phủ, Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?", ĐB Nguyễn Sỹ Cương nêu.
Trả lời câu hỏi trên, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng "đây là vấn đề có tính toàn cầu". "Nước lớn như nước Mỹ, nước nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng. Còn chúng ta thì mới chỉ "sống" trên không gian mạng trên 10 năm", Bộ trưởng nói.
Trong khi đời sống thực có kinh nghiệm nhiều nghìn năm và có những kinh nghiệm thực trong đời sống có thể "mang sang không gian mạng".
Để giải quyết vấn đề trên, trước hết phải định nghĩa chính xác thế nào là thông tin sai. Thứ hai là phải dùng công nghệ để xử lý.
"Mỗi ngày có khoảng 100 triệu tin đưa lên mạng, không thể dùng người để đọc hết, nên phải dùng công nghệ để phân loại. Như vậy chúng ta phải có công cụ quét rác để dọn dẹp. Điều này hoàn toàn có thể làm được", Bộ trưởng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cái khó của chúng ta là mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu nhà cung cấp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin.
Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế. EU đã làm rồi, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật. Cũng có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng.
"Mạng xã hội không ảo nữa, mà thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội. Cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi", Bộ trưởng Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về xử lý sim rác, Bộ trưởng cho rằng cách giải quyết phải gắn với việc quản lý công dân.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, hiện nay một số nước trên thế giới đã quản lý thông qua chứng minh nhân dân, người đi mua sim thì nhà mạng dùng công nghệ quản lý, kiểm chứng thông tin gắn với người sử dụng. Đây là giải pháp gốc để xử lý tình trạng sim rác.
Bộ trưởng Tô Lâm: Ngăn chặn gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu
Theo ông, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, một số đối tượng nhưng việc này cũng chưa ngăn chặn được và còn một số khó khăn.
Trước hết, việc xử lý tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí là vi phạm không chỉ trong nước mà tính xuyên quốc gia, quốc tế của vấn đề cũng có khó khăn.
Thứ 2 là một số quy định về hệ thống luật để xử lý vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện. Ví dụ như giám định, mỗi khi muốn được xử lý thông tin thì phải giám định đây là thông tin vu khống, xuyên tạc phải có cơ quan chức năng hoặc vấn đề về chứng cứ số thì hiện nay cũng đang được hoàn thiện để xử lý.
"Có một số giải pháp là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh xử lý những hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự của người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Vấn đề này luật an ninh mạng đã được thông qua thì hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng ban hành văn bản thi hành luật an ninh mạng, trong đó có quy định các biện pháp để xử lý với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng", Bộ trưởng Công an nói.
Thượng tướng Tô Lâm cũng thông tin thêm, hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để triển khai hoạt động tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
Cùng với đó là thực hiện công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu. Củng cố chứng cứ các đối tượng tuyên truyền chống nhà nước.
Thanh tra xử lý với các vi phạm pháp luật trong đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật và yêu cầu các DN cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện các yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục thu thập, củng cố tư liệu chứng cứ các đối tượng có các hoạt động tuyên truyền chống nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để có các hình thức đấu tranh xử lý kịp thời.
Từ 16/11: Thuê bao di động được chuyển mạng giữ số
Trong thời gian đầu, 3 nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trả sau. Sau 3 tháng sẽ tiếp tục mở rộng cho các thuê bao trả trước. Với Vietnamobile, dịch vụ này sẽ được triển khai từ ngày 1/1/2019 còn Gmobile sẽ là nhà mạng duy nhất không triển khai chuyển mạng giữ số.
Chuyển mạng viễn thông di động giữ nguyên số (MNP) là thủ tục cho phép các thuê bao di động có thể chuyển từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động này đến một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động khác và giữ nguyên số. Với dịch vụ chuyển mạng giữ số, người sử dụng số di động được giữ nguyên số thuê bao của mình nhưng sử dụng dịch vụ của một nhà mạng khác.
Dịch vụ MNP được nhiều khách hàng mong chờ, được chuyên gia đánh giá có thể tạo bước đột phá trong cạnh tranh cung cấp dịch vụ viễn thông. Như vậy, sau thời điểm chuyển đổi mã mạng di động và chuyển các thuê bao di động từ 11 số về 10 số, các nhà mạng lại tiếp tục thực hiện việc chuyển mạng giữ số với mong muốn cơ quan quản lý nhà nước phải có các chính sách đầy đủ về dịch vụ nhằm đảm bảo mọi việc được thông suốt.
Về thủ tục, thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng phải đảm bảo hoàn tất các hợp đồng, cam kết và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp chuyển đi trong thời gian không quá 60 ngày kể từ thời điểm chuyển mạng thành công. Bên cạnh đó, thuê bao phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng chuyển đi (nhà mạng cũ) ít nhất 90 ngày trước khi đăng ký chuyển mạng.
Hiện chưa rõ mức phí sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số mà các nhà mạng sẽ áp dụng. Mức phí được các nhà mạng đề xuất tới cơ quan quản lý đang là 60.000 đồng/lượt chuyển mạng giữ số.
Theo dự thảo thông tư quy định về chuyển mạng giữ nguyên số của Bộ TT&TT đang lấy ý kiến nhân dân, việc chuyển mạng giữ số thuê bao sẽ kéo dài tối đa 7 ngày làm việc.
iPhone Xs, Xs Max, Xr chính hãng lên kệ
FPT cũng cho hay số lượng đơn đặt trước đã lên đến khoảng 5.000 chiếc, trong đó có hơn 4.500 đơn đặt cọc bằng tiền. Dòng máy nhận được sự quan tâm lớn nhất cũng là chiếc máy có giá cao nhất iPhone XS Max (chiếm đến 75%), đặc biệt là bản màu vàng (khoảng 70%).
Khu vực có lượng đơn đặt cọc lớn nhất được ghi nhận là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài FPT Shop, các chuỗi và cửa hàng lớn khác sẽ chính thức bán ra iPhone mới.
iPhone Xs, Xs Max, Xr được Apple tung ra ngày 11/9, sau đó cho đặt trước và mở bán tại vài thị trường lớn hôm 21/9. Việt Nam là một trong những thị trường mở bán trễ nhất các sản phẩm của Apple. Trước đó, các máy này đã bán chính thức ở thị trường xách tay.
Các iPhone 2018 đều được nâng cấp lên từ iPhone X năm ngoái. Trong đó, iPhone Xs Max có màn hình lớn nhất, 6,5 inch, cũng là phiên bản có giá bán cao nhất. iPhone Xs màn hình 5,8 inch, có giá bán ở mức giữa trong cả 3 máy.
Các iPhone Xs, Xs Max đều dùng màn hình Super AMOLED, camera kép chụp ảnh chân dung và tele.
Trong khi đó, iPhone Xr là phiên bản có giá rẻ nhất, khởi đầu từ 22,99 triệu đồng. Máy có màn hình LCD 6,1 inch, có camera đơn (nhưng vẫn hỗ trợ chụp xoá phông), chuẩn chống nước IP67 (so với bộ đôi Xs là IP68), RAM 3GB (Xs: 4GB), không có 3D Touch như Xs.
iPhone Xr có các phiên bản bộ nhớ 64GB, 128GB, 256GB trong khi bộ đôi Xs có bộ nhớ 64GB, 256GB, 512GB. Giá bán thấp nhất của iPhone 2018 là 22,99 triệu đồng, giá cao nhất là 43,9 triệu đồng.