Kinh doanh nằm trong văn hóa
Tin tức - Ngày đăng : 17:47, 07/11/2018
Cần phải thoát những cách nghĩ truyền thống khi bàn về câu chuyện văn hóa doanh nghiệp được thừa kế như thế nào từ mạch nguồn văn hóa dân tộc và phát triển như thế nào trong thời kì văn hóa hội nhập. Cách nghĩ truyền thống là khái niệm doanh nghiệp và văn hóa được cùng định nghĩa. Tức là doanh nghiệp là hoạt động sinh lời, là việc kinh doanh. Và đôi khi ta hiểu văn hóa trong doanh nghiệp thì nó làm cho hoạt động này văn hóa hơn. Làm sao hoạt động kinh doanh này phát huy truyền thống.
GS.TSKH Vũ Minh Giang (ở giữa) chứng kiến lễ công bố quỹ học bổng DANKO dành cho sinh viên học giỏi
Nói tới văn hóa là không có cao thấp
Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu chúng ta hiểu khái niệm văn hóa một cách đủ đầy. Như Unesco đã định nghĩa: văn hóa là tất cả những gì con người sáng tạo ra vì mục đích tồn tại và phát triển. Cho nên mỗi cộng đồng có cả một nền văn hóa. Với ý nghĩa như thế thì hoạt động kinh doanh là một phần của văn hóa. Có thể hiểu sâu hơn, khi khái niệm văn hóa rộng như thế. Thêm nữa, các nhà nghiên cứu văn hóa hay là văn hóa học họ phải có cách tạm phân chia ra. Để chúng ta hiểu sâu thì có 4 thành tố để tạo ra một nền văn hóa. Thì trong đó có một thành tố bao gồm tất cả những sáng tạo của một cộng đồng người để tạo ra của cải vật chất.
Tạo ra của cải vật chất là một thành tố văn hóa. Thí dụ, trước đây thế hệ cha ông có rất nhiều hoạt động để tạo của cải vật chất. Nhưng chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa, thế cho nên có văn hóa lúa nước thì đấy chính là nói về hoạt động sản xuất thậm chí cả kinh doanh trong đó. Tạo ra của cải vật chất là một lĩnh vực hoạt động, là một hợp phần của nền văn hóa đó. Tạo ra của cải vật chất nó có ý nghĩa căn bản theo nghĩa là có nó mới có cái khác. Thứ nhất, tính nền tảng của nó, ở chỗ là hoạt động tạo của cải vật chất này. Nó có ý nghĩa chi phối các hoạt động khác. Thí dụ: như các anh làm lúa nước đi chẳng hạn. Thì diễn xướng cũng có lễ hội mùa, rồi quan hệ làng xã cũng từ nền nông nghiệp đấy mà ra, rồi đời sống cư dân nông thôn cũng từ ấy mà ra… Đấy là thành tố thứ nhất.
Thành tố thứ hai, là các hoạt động để người ta đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Theo cái nghĩa là chế biến ra món ăn như thế nào? Chăn tằm, dệt tơ, may quần áo ra sao? Xây nhà, xây cửa, cầu cống thậm chí cả diễn xướng thì nó là hoạt động đảm bảo đời sống. Nó không phải là sản xuất, tức là nó là một khâu tiếp nữa thì nó là một phần của văn hóa.
Còn cái thứ ba, là tất cả các sáng tạo để tổ chức xã hội, có luật pháp, phong tục tập quán, nhà nước, thiết chế… thì cái đó cũng là những sáng tạo cho nên Nhà nước phương Đông khác với Nhà nước phương Tây.
Thứ tư, đấy là các hoạt động sáng tạo ra những thiết chế để người ta gửi gắm lòng tin đó là tầm nhìn. Tôi tin vào tổ tiên tôi, tôi tin vào thần linh, tôi tin vào đạo Phật,… Thế nên mới sinh ra các chùa chiền, đền từ. Thì bốn cái đó là bốn cái hợp phần để tạo nên văn hóa.
Cần nhìn rộng như thế thì mới bàn đến vấn đề kinh doanh, phải hiểu kinh doanh nằm trong văn hóa chứ không phải là kinh doanh và văn hóa. Từ góc độ văn hóa như thế chúng ta xem xét câu chuyện này như thế nào. Tất cả các thành tố này đều có ở trong các hoạt động kinh doanh. Thứ nhất là việc tạo ra của cải vật chất. Thứ hai là có thể hoạt động trong lĩnh vực phục vụ đời sống con người, dệt may, làm chế biến thức ăn, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Thứ ba là doanh nghiệp ấy, có thể làm các tư vấn về luật pháp... Nghĩa là nó hoạt động ở tất cả các lĩnh vực đó thì đấy là cái nhận thức thứ hai. Cái nhận thức thứ ba là, khi bàn tới câu chuyện về văn hóa truyền thống, thì văn hóa doanh nghiệp ngoài chuyện xuất hiện ở tất cả mọi nơi thì cái chúng ta đang nói tới là cái gì? Khi đã nói tới văn hóa là không có cao thấp chỉ có cái sự khác nhau cho nên khi Unesco đưa ra những chủ trương từ những năm 70, là ghi nhận di sản này di sản kia vào danh mục văn hóa thế giới thì không hẳn là so đo, mà trước hết là có rất nhiều những dạng thức văn hóa, độc đáo của nước này, mà cũng nhờ nước này giữ cho cả thế giới. Chúng ta phải hiểu ở đây là sự trân trọng những giá trị đặc sắc của từng dân tộc. Với ý nghĩa đó khi mà nói đến kinh doanh thì có những nguyên tắc chung của hoạt động kinh doanh khắp thế giới. Cho nên mới có khoa quản trị kinh doanh ở Harvard, RMIT… nhưng lại có những thứ mà không dạy được ở trường nào, đó là những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.
Biến tất cả những gì Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế
Từ những thập niên 60, dưới những chính thể của ông Park Chung Hee khi ông ấy làm tổng thống, thì ông ấy có xây dựng một cơ quan nghiên cứu rất nổi tiếng nay viết tắt là AKS đọc là Academy Korean Spirit có nghĩa là tinh thần Hàn Quốc. Thực chất chữ tinh thần ở đây là nói về hồn cốt của văn hóa. Vậy nghiên cứu cái đó để làm gì? Không phải là để thưởng lãm cái thứ đó là mình có truyền thống này truyền thống kia. Ông Park Chung Hee có một cái triết lý, triết lý ấy đã giúp dân tộc Hàn Quốc bứt lên trong vòng vài chục năm. Cho nên, nếu như một người chỉ đi học nước ngoài và chỉ đi theo chân các nước đang phát triển thôi thì cũng rất tốt, nhưng suốt đời sẽ chỉ là người làm cho họ. Nếu biết biến tất cả những gì người Hàn Quốc có thành lợi thế cạnh tranh thì lúc đó mới có chỗ để đẩy thế mạnh của mình vào các hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như chúng ta thấy, nhạc pop không phải là của Hàn Quốc, nhưng Kpop thì lại mang đặc sắc Hàn Quốc. Hay như ở lĩnh vực điện ảnh, họ cũng cử hàng nghìn học sinh ưu tú sang học ở Hollywood, sang các trường điện ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ để học. Khi trở về, những học sinh ấy sẽ làm phim Hàn Quốc, đâu có giống phim Mỹ. Nhưng mà tất cả những đỉnh cao của công nghệ điện ảnh được lồng vào văn hóa Hàn Quốc và đưa vào hoạt động kinh doanh thì mới thành công và mới không đi làm học trò nhỏ cho các nước phát triển. Trong kinh doanh, chúng ta thấy nổi tiếng trên thế giới ấy là “Risky investment” tức là “Đầu tư mạo hiểm” người Hàn Quốc number one trên thế giới. Chỗ nào mà sôi động thì sẽ thấy Huyndai, Samsung đầu tư. Khi đã đạt được lợi ích khổng lồ, các công ty đó nhường lại cho cái anh rất thận trọng. Văn hóa Nhật lại là văn hóa lấy chữ tín làm đầu. Rõ ràng, văn hóa mỗi nước có sự khác biệt để phát huy đến mức cao nhất. Điều đó thể hiện đặc trưng văn hóa của mỗi nước trong hoạt động kinh doanh. Đấy là mấu chốt của câu chuyện này, là phải biến tất cả những gì mà người Việt Nam mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế thì mới là cái đích đạt tới. Chứ còn lúc nào cũng nói, phải hoạt động kinh doanh để cho lịch sự, văn hóa, nhưng khi hỏi lại: văn hóa kinh doanh là cái gì?. Vậy thì nếu như việc “Đầu tư mạo hiểm” của Hàn Quốc thắng thế được xuất phát từ đặc điểm của người Hàn, nó có chữ “dũng”. Trong những chuẩn mực mà Khổng Tử khái quát, có các chữ như: “dũng”, “trí”, “tín”… thì doanh nghiệp đề cao chữ “tín”. Cho nên đố ai tìm thấy những cái biểu hiện của sự phản trắc của người Nhật. Người Nhật tạo được chữ “tín”, cho nên làm ăn với Nhật chỉ thấy xa gần là mình đều có lợi.
Thế thì văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ là cái gì đây. Việt Nam cũng phải nhìn ra có rất nhiều cái mà hay nhắc đến như hạn chế, yếu kém, chẳng hạn như là tùy tiện, nhanh, ẩu, đoảng, rồi là không trọng kỉ luật lắm. Thế những thứ đó có vứt ngay đi được không, trước hết là không vứt đi được. Nó là một thứ được tạo ra bởi hàng trăm thế hệ rồi, phải dần dần mới thay đổi được.
Thế mà cái đấy có người thèm đấy. Ở những nước công nghiệp không thể nào tùy tiện được, cứng như đanh. Sang Nhật Bản, đi vào các cửa hàng ăn, họ làm mẫu các cái đĩa thức ăn ấy bằng nhựa, giống y thật và mua. Họ sẽ bán đúng cái đĩa đó, người mua muốn bớt đi một miếng thịt họ cũng không bớt. Hay ví dụ như khi vào cửa hàng có một đĩa cơm sườn rán rất ngon, người bán hàng rưới nước sốt húng lìu, cari gì đó người mua không thích và bảo không cần rưới cũng không được. Việt Nam thì khác, nhiều hay ít, bớt hay thêm đều bán hết. Cái đó biến thành cái lợi thế đươc không? Câu trả lời là có. Ví dụ như bây giờ làm phần mềm là mình vượt các nước. Có những nước là một xã hội công nghiệp nhưng bây giờ đi vào cách mạng công nghiệp 4.0 họ đang lúng túng.
Người Việt Nam ở Microsoft - Mỹ nhiều, ở Bangalore Ấn Độ cũng nhiều vì nó là cái chọn lọc tự nhiên. Đấy chính là văn hóa. Việt Nam phải tìm ra lợi thế cạnh tranh như thế nào thì lại là câu chuyện cần bàn. Bởi thế, khi báo Người Hà Nội đặt vấn đề tổ chức diễn đàn văn hóa doanh nghiệp, tôi cho là một sáng kiến hay như vậy thì mới có chuyện để bàn, văn hóa là cái vốn có, cái sinh ra từ điều kiện tự nhiên, môi trường, quan hệ xã hội và bây giờ cần tạo ra hệ sinh thái văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.