Cốt cách văn hóa doanh nhân doanh nghiệp: Nền móng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
Tin tức - Ngày đăng : 18:44, 07/11/2018
Ngay sau Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 hơn 1 tháng, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công - Thương Việt Nam (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay), trong thư Người viết: “Tôi rất vui mừng được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành Công Thương Cứu quốc đoàn đang làm nhiều việc ích nước lợi dân, giới Công - Thương nước nhà phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Bức thông điệp đầu tiên gửi giới Công - Thương Việt Nam cách đây hơn 70 năm của B
Ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp
Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng Khóa XI với Nghị quyết chuyên đề về văn hóa đã xác định: Thường xuyên quan tâm, xây dựng văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, nó xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm việc trong doanh nghiệp chấp nhận, đề cao, ứng xử theo các giá trị đó, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp khác nhau… Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp. Nếu thiếu yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được trên thị trường ở bất kỳ thời điểm hay hình thái kinh tế xã hội nào. Văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển nên vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ cũng như tối đa hóa lợi nhuận, điều cốt lõi là phải xây dựng cho được văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp được kế thừa và phát huy bởi người đứng đầu của mỗi doanh nghiệp, đó là các doanh nhân. Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp, vì thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong. Họ là vị nhạc trưởng quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Họ là người trực tiếp xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng quy trình, tổ chức, điều hành hoạt động, tạo dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước (Điều 2, Luật Thủ đô). Các doanh nghiệp ở Thủ đô phải mang tầm vóc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bắt nguồn từ văn hóa dân tộc
Cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp không thể tách rời văn hóa dân tộc. Doanh nghiệp, doanh nhân bao giờ cũng là sản phẩm của văn hóa và văn hóa là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
Đánh giá doanh nghiệp Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, nhà cách mạng đồng thời là người thầy lỗi lạc trong giới doanh thương Việt Nam, cụ Lương Văn Can đã đưa ra bài học sâu sắc gồm 10 điểm: Người mình không có thương phẩm, tức là sản xuất kém, ít hàng hóa có uy tín; không có thương hội, tức là không biết liên kết với nhau trong kinh doanh; không có tín thực, tức là không biết giữ chữ tín; không có kiên tâm, không theo đuổi một việc gì đến cùng; không có nghị lực, dễ làm khó bỏ; không biết trọng nghề, không tôn trọng và đam mê nghề mình đã lựa chọn; không có thương học, tức không có kiến thức về kinh doanh; kém đường giao thiệp, đóng cửa với thế giới bên ngoài, không hòa nhập, dễ bị đơn độc; không tiết kiệm, tuy nghèo nhưng thường hoang phí; coi khinh nội hóa, tâm lý chung là sính hàng ngoại, coi thường hàng nội. Mười điều nhắc nhở trải qua hơn 1 thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Một số doanh nghiệp của chúng ta hiện nay cũng đang mắc phải những “căn bệnh” trên.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững được. Văn hóa doanh nghiệp – yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp vì thế đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì hệ văn hóa đặc thù của doanh nghiệp mình để phát huy được năng lực và thúc đẩy, đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt mục tiêu chung. Thông qua hình ảnh có văn hóa của doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.
Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung không chỉ là một giải pháp nhất thời mà còn là tư tưởng chiến lược lâu dài phù hợp với mọi thời đại, cho tới hôm nay và mai sau vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nền văn hóa dân tộc.