Cách phòng, chống ngộ độc do tụ cầu vàng
Tin tức - Ngày đăng : 16:56, 11/11/2018
Qua kết quả xét nghiệm những mẫu thực phẩm gây ra các vụ ngộ độc tập thể thời gian gần đây cho thấy, nguyên nhân đều là khuẩn tụ cầu vàng. Thời tiết oi bức, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn này phát triển nhanh trong thực phẩm. Vậy, phòng, chống ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng bằng cách nào?
Thức ăn đường phố nếu không được chế biến bảo đảm vệ sinh dễ nhiễm tụ cầu vàng. |
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tụ cầu là một chủng vi khuẩn có mặt ở nhiều nơi trong môi trường tự nhiên, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Ở điều kiện bình thường chúng không gây bệnh, nhưng khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, thông qua các vết thương trên da, đường hô hấp, tiêu hóa… có thể gây ra các nhiễm trùng rất nghiêm trọng như: Chốc lở, viêm mô tế bào trên da, viêm tủy xương, viêm phổi. Thậm chí, khi vi khuẩn này xâm nhập vào máu có thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc hay suy đa phủ tạng và dẫn tới tử vong. Mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất, đó là: Trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad (có trứng, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống), các loại bánh nướng có kem, các sản phẩm từ sữa…
PGS.TS Bùi Khắc Hậu, nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, đặc điểm của tụ cầu vàng là có khả năng sống trong môi trường tự nhiên như: Không khí, đất, nước hoặc tồn tại trên cơ thể người ở khu vực da, mũi, họng, amidan một cách dễ dàng và có khả năng sinh ra cả nội và ngoại độc tố, trong đó ngoại độc tố gây nên bệnh đường ruột, được gọi là độc tố ruột. Đây là loại độc tố cực kỳ mạnh, chịu nhiệt tốt. Với nhiệt độ 100 độ C trong vòng 15 phút chưa thể hủy hoại được độc tố này. Vì vậy, thực phẩm dù đã đun nấu chín làm chết hết vi khuẩn tụ cầu vàng, nhưng độc tố của chúng vẫn còn, nếu ăn phải vẫn bị ngộ độc. Muốn khử độc tố tụ cầu vàng thì phải đun sôi thức ăn (100 độ C) ít nhất trong 2 giờ đồng hồ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng có thể xảy ra lẻ tẻ, mang tính chất gia đình, nhưng nhiều trường hợp là cả một tập thể do ăn chung thực phẩm của bếp ăn tập thể hoặc mua thực phẩm chín ở cùng một cửa hàng. Bệnh xảy ra có tính đột ngột, cấp tính, nhưng thường kết thúc nhanh. Thời gian ủ bệnh của ngộ độc do tụ cầu vàng rất ngắn, khoảng từ 1 đến 6 giờ. Bệnh thường có biểu hiện đau đầu, mạch nhanh, nhưng không sốt, thân nhiệt của người bệnh vẫn bình thường hoặc hơi sốt do mất nước. Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau từ 1 đến 2 ngày, ít khi có tử vong.
Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, đối với hộ gia đình, bếp ăn tập thể khi cần chế biến các loại thực phẩm ăn ngay phải chọn lựa nguồn nguyên liệu bảo đảm vệ sinh, lưu ý khâu bảo quản thực phẩm và chế biến kỹ lưỡng. Cần bảo quản các loại bánh kem, sữa, nước sốt ở nhiệt độ dưới 6 độ C và tránh giữ những thực phẩm này quá 12 giờ. Còn đối với các cơ sở sản xuất bánh kẹo, các nhà hàng ăn uống phải tăng cường kiểm tra dây chuyền sản xuất, nhất là khâu chế biến nguyên liệu; đồng thời, kiểm tra tình trạng vệ sinh và sức khỏe nhân viên định kỳ theo quy định. Nếu phát hiện người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm bị mụn nhọt, đứt tay, viêm họng, viêm mũi phải cho nghỉ việc để điều trị dứt bệnh. Đối với trang trại chăn nuôi gia súc như: Bò, trâu, dê... để lấy sữa, ngành Thú y phải kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng sức khỏe của các con vật này. Tránh lấy sữa ở các gia súc bị viêm vú do tụ cầu.