Hành vi “chống lưng” của 2 cựu tướng công an cho trùm cờ bạc được làm rõ như thế nào?
Tin tức - Ngày đăng : 16:01, 12/11/2018
Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, là người có trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, thế nhưng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cùng cựu Cục Trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa lại “chống lưng” cho hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc…
“Bảo kê” hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc
Sáng 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) cùng 90 bị cáo (là đồng phạm) trong vụ án, trước đó, các bị cáo này bị truy tố về 6 tội danh. Cụ thể, ông Vĩnh và ông Hóa bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015, được sửa đổi năm 2017.
Kết luận của cơ quan điều tra xác định rõ: Đối với Phan Văn Vĩnh, khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an đã có hành vi lợi dụng Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc C50 (Công ty CNC) đã đồng tình với đề nghị của Nguyễn Thanh Hóa và ký ban hành quyết định công nhận Công ty CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3 là trái quy trình của Bộ Công an.
Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, là người có trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực thì Phan Văn Vĩnh phải nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc” để có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới. Thế nhưng, khi nhận đề xuất của Nguyễn Văn Dương cho công khai việc kết nối, phục vụ cho game bài đánh bạc, Phan Văn Vĩnh đã bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và C50 nghiên cứu và đề xuất”.
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo, đồng thời ký công văn đề xuất Phan Văn Vĩnh. Ngày 22/5/2016, Phan Văn Vĩnh bút phê: “Đồng ý đề xuất, giao đồng chí Cục trưởng C50 trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện đảm bảo hoạt động thí điểm và các thủ tục pháp lý đúng yêu cầu pháp luật và kiểm soát tình hình hoạt động của tội phạm về lĩnh vực này, có đề xuất trình Tổng cục và Bộ”…Việc cho phép nêu trên của Phan Văn Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh, phòng chống tội phạm về công nghệ cao.
Dấu hiệu đặc biệt lưu ý cho hành vi “chống lưng” cho Nguyễn Văn Dương thực hiện phạm tội tổ chức đánh bạc của 2 cựu lãnh đạo công an ở chỗ cho Công ty CNC thuê chính trụ sở của mình để vận hành hệ thống đánh bạc. Đặc biệt, trong trụ sở làm việc của Công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu: “Bộ Công an - Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng”. Điều này đã thể hiện, chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện phạm tội, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh, xử lý đối với Nguyễn Văn Dương và đồng phạm.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC tổ chức đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo nhưng Phan Văn Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2, sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 lập báo cáo nhưng cũng không đúng sự thật và cũng không ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc mà tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký văn bản đề nghị Bộ thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC.
Tại cơ quan điều tra, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet.
Có dấu hiệu nhận hối lộ?
Cáo trạng luận tội nhận định, việc sống còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Do vậy, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực.
Tại cơ quan công an, Phan Văn Vĩnh thừa nhận được Dương cho 1 áo sơ mi, hỗ trợ cho Tổng cục một số chương trình giao lưu 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách mà Dương có mặt. Phan Văn Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương đã cho Vĩnh 27 tỷ đồng gần 2 triệu USD. Ngoài ra, Dương khai tặng Vĩnh đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD nhưng Vĩnh lại khai đã trả tiền mua đồng hồ là 1,1 tỷ đồng, sau đó đã làm mất đồng hồ.
Đối với Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50 này chỉ thừa nhận Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng và 1 phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và không thừa nhận việc Dương cho 22 tỷ đồng... Trên thực tế, việc sống, còn trong vận hành máy game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm phụ thuộc hoàn toàn vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Trong đó, Phan Văn Vĩnh được xác định là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là thực hành tích cực.
Do có mâu thuẫn trong lời khai về việc cho, nhận tài sản nên cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.