Vụ lùi xe trên cao tốc: Tòa án Nhân dân Tối cao họp tham vấn
Tin tức - Ngày đăng : 11:44, 13/11/2018
Chiều 12-11, tại Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia và đại diện các cơ quan tố tụng về vụ tai nạn giao thông xe container đâm xe Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Tham dự hội nghị tham vấn có lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên và một số ban ngành liên quan.
Các cơ quan chức năng xem xét thận trọng
Ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm vụ án Ngô Văn Sơn (lái xe Toyota Innova biển kiểm soát 99A-142.53; sinh năm 1978, ở xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Lê Ngọc Hoàng (cầm lái chiếc xe đầu kéo biển kiểm soát 89C-079.17 kéo theo rơmoóc biển kiểm soát 89R-004.65; sinh năm 1985, ở xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, Thái Bình) bị kết án về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử, dư luận xã hội và nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin về vụ án, trong đó có quan điểm khác nhau về kết quả xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
Có quan điểm trên báo chí, chủ yếu là của các luật sư và tài xế, cho rằng việc buộc tội đối với Lê Ngọc Hoàng là chưa thuyết phục, không đúng, vì tài xế xe container bị rơi vào tình thế bất ngờ nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại cuộc họp chiều 12-11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ mục đích tổ chức cuộc họp này để lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về vụ án. Đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng đã hoàn tất việc xét xử.
Tuy nhiên, sau khi vụ án kết thúc, dư luận cực kỳ quan tâm, các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình, mạng xã hội có ý kiến nhiều chiều phản ánh các quan điểm liên quan đến vụ án. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nhận được văn bản của các cơ quan của Quốc hội đề nghị xem xét kỹ lại vụ án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là vấn đề nhân dân quan tâm, hơn nữa đó là sinh mệnh của con người, nên cần có sự tham vấn chuyên môn cao. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao mong muốn các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật, giao thông, giám định lắng nghe, xem xét, phân tích, cho ý kiến trên cơ sở tuân theo pháp luật, khoa học với phương châm "những gì đúng phải bảo vệ, nếu có sai phải sửa".
Ông Phạm Văn Hà, Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội, cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ án nhưng chưa nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm của các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng xác nhận chưa nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm của các bị cáo mà chỉ nhận được thông tin qua diễn đàn báo chí và đã có văn bản xin rút hồ sơ kiểm tra, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên cung cấp hồ sơ vụ án để xem xét.
Đại diện Công an tỉnh Thái nguyên cho biết, đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cấp huyện. Khi xảy ra tai nạn, nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường hỗ trợ, lập hồ sơ xác nhận điều tra ban đầu. Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, dư luận xã hội quan tâm nên Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra thị xã Phổ Yên cung cấp hồ sơ để nghiên cứu.
Quan điểm của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đối với lái xe Ngô Văn Sơn: Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện và một số lời khai người bị hại, người làm chứng, lời khai nhận tội của Ngô Văn Sơn xác định tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô Innova đang lùi.
Đối với lái xe Lê Ngọc Hoàng, mặc dù Hoàng không thừa nhận bản thân vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, nhưng cũng đã thừa nhận khi xe ôtô của Hoàng đến lối ra Yên Bình, Hoàng có nhìn thấy cùng chiều phía trước xe của Hoàng khoảng 60-70m có một xe ôtô đang nháy đèn đỏ. Hoàng không biết xe đó dừng hay đi, Hoàng rà phanh và chuyển làn sang bên trái. Do nhìn gương chiếu hậu bên trái thấy có xe khác nên Hoàng không chuyển làn được. Khi đó Hoàng không biết khoảng cách giữa xe của Hoàng cách xe của Sơn là bao nhiêu mét, Hoàng nhấn phanh và xe container đâm vào phía sau xe của Sơn.
Lời khai của Hoàng về việc phát hiện xe ôtô Innova phía trước cách ôtô của Hoàng 60-70m là phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, xác định vị trí, dấu vết phanh số 1 cách mép trái lối ra nút giao thông Yên Bình 60m.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên, kết quả phân tích dấu vết hiện trường nêu trên phù hợp với lời khai của anh Phạm Xuân Trung, nhân chứng trên xe ôtô đầu kéo. Khi xe ôtô phanh gấp, nhân chứng Trung nhìn thấy xe Innova cách đầu xe ôtô đầu kéo khoảng 2-2,5m.
Với những tình tiết có trong hồ sơ đủ cơ sở kết luận: Hoàng đã nhận thấy có xe bật tín hiệu lùi từ trước đó nhưng chỉ đến khi xe ôtô của Hoàng cách xe của Sơn 4,3 mét thì Hoàng mới đạp phanh dừng chết xe. Tuy nhiên, vì vận tốc xe đang chạy nhanh 62 km/h nên xe của Hoàng không dừng lại và đâm vào xe của Sơn. Hậu quả vụ tai nạn làm chết 4 người, 6 người bị thương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên nhất trí với quan điểm xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng và Ngô Văn Sơn.
Chưa thể kết luận lái xe container không có lỗi trong vụ án này
Tại cuộc họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị các chuyên gia, đại diện các cơ quan tố tụng làm rõ một số vấn đề như thời gian mất tín hiệu của hộp đen xe container, xe lưu thông có đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật hay không, có được chở sắt mà không có thùng hay không.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, khi xe đến lối rẽ phải giảm tốc độ như thế nào. Cơ quan chức năng cũng đề nghị Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết việc va chạm diễn ra ở làn dừng khẩn cấp hay diễn ra ở làn giao thông. Vết trượt, xe container sát mép là làn dừng khẩn cấp thì việc va chạm ở làn này hay ở đường cao tốc?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho biết đã nhận được khá nhiều đơn thư liên quan đến vụ việc và đã chuyển đơn đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Vì chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế vụ án nên ông cũng không có bình luận gì thêm nhưng với tư cách một kỹ sư giao thông, ông cho rằng với tốc độ xe 62 km/h thì khoảng cách từ khi đạp phanh đến lúc dừng hẳn phải là trên 40m.
Bà Lê Hồng Phương, Thẩm phán xét xử phúc thẩm vụ án trên, cho biết trong hồ sơ vụ án cơ quan giám định không thể hiện tốc độ lùi của xe Innova. Lời khai đáng chú ý nhất của Hoàng là nhìn thấy xe Innova cách 60-70m, nhưng không phanh ngay mà định rẽ sang làn đường bên trái, sau đó cách 10m mới nhấn phanh.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, tại khu vực xảy ra tai nạn có sáu biển báo và có biển cảnh báo đi chậm (tối thiểu theo quy định là tốc độ 60 km/h), hoặc dừng và không có văn bản nào quy định phải giảm bao nhiêu.
Kết luận hội nghị tham vấn các chuyên gia, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm năm người chết (trong đó 1 người vừa chết ngày 20-8), năm người bị thương. Trong tình hình tai nạn giao thông hiện nay, hậu quả nghiêm trọng như vậy thì xử lý phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Muốn như vậy phải có đầy đủ thông tin và phân tích vụ án một cách khoa học, khách quan nên rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia về giao thông, ý kiến của Viện Khoa học hình sự, cơ quan giám định.
Với vụ án này, qua hai cấp xét xử, thấy rằng Ngô Văn Sơn lỗi chính gây ra tai nạn, bản thân ông Sơn nhận tội. Còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng, theo kết luận của Hội đồng xét xử là có lỗi bởi mặc dù có nhiều biển báo trong khu vực nguy hiểm nhưng vẫn không làm chủ được tốc độ.
Tuy nhiên, đối với bị cáo Hoàng còn nhiều tình tiết, thông tin cần làm rõ. Trước hết là về tình trạng xe, trong đó có phanh và rơmoóc. Thứ hai, về mặt khoa học, chưa xác định được tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được và phân tích một cách chắc chắn điểm va chạm đầu tiên của hai xe. Hơn nữa, trên hiện trường để lại còn một số thông tin cần làm rõ như mất tín hiệu hộp đen trong 52 giây, nhưng kết luận lại nói tốc độ xe bằng 0. Đó là cách nói của nhà lập trình, sản xuất xe, còn về mặt khoa học cũng không thể nói, mất tín hiệu là tốc độ xe bằng 0.
Do vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần phải có sự phân tích của khoa học khác để chứng minh vận tốc xe này thay thế cho việc mất tín hiệu hộp đen trong vòng 52 giây. “Vậy nên chúng ta chưa thể kết luận là Hoàng không có lỗi trong vụ án này”, Chánh án kết luận.
Các cơ quan chức năng xem xét thận trọng
Ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm vụ án Ngô Văn Sơn (lái xe Toyota Innova biển kiểm soát 99A-142.53; sinh năm 1978, ở xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Lê Ngọc Hoàng (cầm lái chiếc xe đầu kéo biển kiểm soát 89C-079.17 kéo theo rơmoóc biển kiểm soát 89R-004.65; sinh năm 1985, ở xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, Thái Bình) bị kết án về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử, dư luận xã hội và nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin về vụ án, trong đó có quan điểm khác nhau về kết quả xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
Có quan điểm trên báo chí, chủ yếu là của các luật sư và tài xế, cho rằng việc buộc tội đối với Lê Ngọc Hoàng là chưa thuyết phục, không đúng, vì tài xế xe container bị rơi vào tình thế bất ngờ nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại cuộc họp chiều 12-11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ mục đích tổ chức cuộc họp này để lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về vụ án. Đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng đã hoàn tất việc xét xử.
Tuy nhiên, sau khi vụ án kết thúc, dư luận cực kỳ quan tâm, các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình, mạng xã hội có ý kiến nhiều chiều phản ánh các quan điểm liên quan đến vụ án. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nhận được văn bản của các cơ quan của Quốc hội đề nghị xem xét kỹ lại vụ án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là vấn đề nhân dân quan tâm, hơn nữa đó là sinh mệnh của con người, nên cần có sự tham vấn chuyên môn cao. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao mong muốn các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật, giao thông, giám định lắng nghe, xem xét, phân tích, cho ý kiến trên cơ sở tuân theo pháp luật, khoa học với phương châm "những gì đúng phải bảo vệ, nếu có sai phải sửa".
Ông Phạm Văn Hà, Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội, cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ án nhưng chưa nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm của các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng xác nhận chưa nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm của các bị cáo mà chỉ nhận được thông tin qua diễn đàn báo chí và đã có văn bản xin rút hồ sơ kiểm tra, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên cung cấp hồ sơ vụ án để xem xét.
Đại diện Công an tỉnh Thái nguyên cho biết, đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cấp huyện. Khi xảy ra tai nạn, nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường hỗ trợ, lập hồ sơ xác nhận điều tra ban đầu. Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, dư luận xã hội quan tâm nên Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra thị xã Phổ Yên cung cấp hồ sơ để nghiên cứu.
Quan điểm của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đối với lái xe Ngô Văn Sơn: Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện và một số lời khai người bị hại, người làm chứng, lời khai nhận tội của Ngô Văn Sơn xác định tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe ô tô Innova đang lùi.
Đối với lái xe Lê Ngọc Hoàng, mặc dù Hoàng không thừa nhận bản thân vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, nhưng cũng đã thừa nhận khi xe ôtô của Hoàng đến lối ra Yên Bình, Hoàng có nhìn thấy cùng chiều phía trước xe của Hoàng khoảng 60-70m có một xe ôtô đang nháy đèn đỏ. Hoàng không biết xe đó dừng hay đi, Hoàng rà phanh và chuyển làn sang bên trái. Do nhìn gương chiếu hậu bên trái thấy có xe khác nên Hoàng không chuyển làn được. Khi đó Hoàng không biết khoảng cách giữa xe của Hoàng cách xe của Sơn là bao nhiêu mét, Hoàng nhấn phanh và xe container đâm vào phía sau xe của Sơn.
Lời khai của Hoàng về việc phát hiện xe ôtô Innova phía trước cách ôtô của Hoàng 60-70m là phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, xác định vị trí, dấu vết phanh số 1 cách mép trái lối ra nút giao thông Yên Bình 60m.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên, kết quả phân tích dấu vết hiện trường nêu trên phù hợp với lời khai của anh Phạm Xuân Trung, nhân chứng trên xe ôtô đầu kéo. Khi xe ôtô phanh gấp, nhân chứng Trung nhìn thấy xe Innova cách đầu xe ôtô đầu kéo khoảng 2-2,5m.
Với những tình tiết có trong hồ sơ đủ cơ sở kết luận: Hoàng đã nhận thấy có xe bật tín hiệu lùi từ trước đó nhưng chỉ đến khi xe ôtô của Hoàng cách xe của Sơn 4,3 mét thì Hoàng mới đạp phanh dừng chết xe. Tuy nhiên, vì vận tốc xe đang chạy nhanh 62 km/h nên xe của Hoàng không dừng lại và đâm vào xe của Sơn. Hậu quả vụ tai nạn làm chết 4 người, 6 người bị thương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên nhất trí với quan điểm xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng và Ngô Văn Sơn.
Chưa thể kết luận lái xe container không có lỗi trong vụ án này
Tại cuộc họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị các chuyên gia, đại diện các cơ quan tố tụng làm rõ một số vấn đề như thời gian mất tín hiệu của hộp đen xe container, xe lưu thông có đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật hay không, có được chở sắt mà không có thùng hay không.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, khi xe đến lối rẽ phải giảm tốc độ như thế nào. Cơ quan chức năng cũng đề nghị Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết việc va chạm diễn ra ở làn dừng khẩn cấp hay diễn ra ở làn giao thông. Vết trượt, xe container sát mép là làn dừng khẩn cấp thì việc va chạm ở làn này hay ở đường cao tốc?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho biết đã nhận được khá nhiều đơn thư liên quan đến vụ việc và đã chuyển đơn đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Vì chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế vụ án nên ông cũng không có bình luận gì thêm nhưng với tư cách một kỹ sư giao thông, ông cho rằng với tốc độ xe 62 km/h thì khoảng cách từ khi đạp phanh đến lúc dừng hẳn phải là trên 40m.
Bà Lê Hồng Phương, Thẩm phán xét xử phúc thẩm vụ án trên, cho biết trong hồ sơ vụ án cơ quan giám định không thể hiện tốc độ lùi của xe Innova. Lời khai đáng chú ý nhất của Hoàng là nhìn thấy xe Innova cách 60-70m, nhưng không phanh ngay mà định rẽ sang làn đường bên trái, sau đó cách 10m mới nhấn phanh.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, tại khu vực xảy ra tai nạn có sáu biển báo và có biển cảnh báo đi chậm (tối thiểu theo quy định là tốc độ 60 km/h), hoặc dừng và không có văn bản nào quy định phải giảm bao nhiêu.
Kết luận hội nghị tham vấn các chuyên gia, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm năm người chết (trong đó 1 người vừa chết ngày 20-8), năm người bị thương. Trong tình hình tai nạn giao thông hiện nay, hậu quả nghiêm trọng như vậy thì xử lý phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Muốn như vậy phải có đầy đủ thông tin và phân tích vụ án một cách khoa học, khách quan nên rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia về giao thông, ý kiến của Viện Khoa học hình sự, cơ quan giám định.
Với vụ án này, qua hai cấp xét xử, thấy rằng Ngô Văn Sơn lỗi chính gây ra tai nạn, bản thân ông Sơn nhận tội. Còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng, theo kết luận của Hội đồng xét xử là có lỗi bởi mặc dù có nhiều biển báo trong khu vực nguy hiểm nhưng vẫn không làm chủ được tốc độ.
Tuy nhiên, đối với bị cáo Hoàng còn nhiều tình tiết, thông tin cần làm rõ. Trước hết là về tình trạng xe, trong đó có phanh và rơmoóc. Thứ hai, về mặt khoa học, chưa xác định được tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được và phân tích một cách chắc chắn điểm va chạm đầu tiên của hai xe. Hơn nữa, trên hiện trường để lại còn một số thông tin cần làm rõ như mất tín hiệu hộp đen trong 52 giây, nhưng kết luận lại nói tốc độ xe bằng 0. Đó là cách nói của nhà lập trình, sản xuất xe, còn về mặt khoa học cũng không thể nói, mất tín hiệu là tốc độ xe bằng 0.
Do vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần phải có sự phân tích của khoa học khác để chứng minh vận tốc xe này thay thế cho việc mất tín hiệu hộp đen trong vòng 52 giây. “Vậy nên chúng ta chưa thể kết luận là Hoàng không có lỗi trong vụ án này”, Chánh án kết luận.