Phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô: Tuân thủ nghiêm quy định
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:07, 18/11/2018
Quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, việc xây dựng nhà cao tầng được xem là giải pháp sử dụng đất hiệu quả nhất, đặc biệt với các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực trạng phát triển công trình cao tầng tại khu vực nội đô trong thời gian qua, cùng với những vấn đề nảy sinh như ách tắc giao thông, ngập lụt..., đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý hiệu quả hơn, trước mắt là phải tuân thủ nghiêm các quy định đã đặt ra.
Hà Nội đang thực hiện tái thiết theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở. |
"Công" và "tội"
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong điều kiện đất đai hạn hẹp, việc xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu. Sự hình thành hàng nghìn nhà cao tầng đã giải quyết được nhiều nhu cầu về diện tích cho văn phòng, nhà ở, góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô. Nhiều khu, tiểu khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ đã hình thành, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, tính đến năm 2017, có khoảng gần 1.000 tòa nhà từ 20 tầng trở lên được hình thành ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không thể phủ nhận “công” của các công trình cao tầng trong giải quyết bài toán “đất chật, người đông”, gia tăng sức hấp dẫn của đời sống đô thị. Nhưng, bên cạnh đó còn nhiều bất cập cũng như phức tạp nảy sinh trong phát triển nhà cao tầng tại Việt Nam. Ở khu vực nội đô, việc quá đông người cư trú ở một số địa điểm gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cũ kỹ và quá tải của thành phố, dẫn tới ùn tắc giao thông, ngập lụt…
Tại Hà Nội, có những tuyến phố không lớn nhưng phải gánh hàng chục tòa nhà chung cư như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)... Ngoài ra, nhiều nhà cao tầng còn được phát triển tại những khu đất quá chật hẹp, thậm chí trong các ngõ nhỏ, như: Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh), GP Invest (ngõ 170 Đê La Thành)… Bên cạnh đó, còn một số trường hợp thực hiện không theo quy hoạch, tự ý thay đổi tầng cao, mật độ, điển hình như cụm nhà chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai)…
Quản chặt phát triển nhà cao tầng ở nội đô
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, có một giai đoạn quá độ (2009-2012), khi quy hoạch chung đang nghiên cứu điều chỉnh, thiếu công cụ để khảo sát về quy hoạch kiến trúc và công tác chuẩn bị hệ thống hạ tầng khung cho khu vực ngoại vi; đồng thời để tạo sức hút đầu tư, giãn dân, thì việc xây dựng công trình cao tầng đã có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực nội đô, dẫn đến quá tải hạ tầng.
Cùng với đó, các văn bản pháp lý chưa theo kịp thực tiễn, còn chồng chéo. Một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành còn có sự bất cập, thiếu tính khả thi, chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2011), vấn đề hạn chế phát triển nhà cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử (từ hữu ngạn sông Hồng đến đường Vành đai 2) tiếp tục được nhấn mạnh.
TP Hà Nội đang dần lập lại trật tự trong phát triển nhà cao tầng bằng việc thiết lập một khung pháp lý về phát triển nhà cao tầng trong nội đô lịch sử. Cụ thể, ngày 4-4-2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 11/QĐ-UBND ban hành “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội”.
Theo đó, nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình. Theo quy chế này, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại 2 bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, điểm nhấn đô thị; đồng thời xây dựng theo hướng giảm dần tầng cao từ đường Vành đai 2 vào trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, quy định các chỉ tiêu về diện tích đỗ xe (quy mô tầng hầm) đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn cũng được UBND TP Hà Nội ban hành...
Theo Tiến sĩ Lý Văn Vinh - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), nhìn chung, kể từ khi có Quyết định 11/QĐ-UBND, về cơ bản vấn đề quản lý quy hoạch nhà cao tầng khu vực nội đô được thực hiện tốt.
Liên quan vấn đề này, Thạc sĩ, kỹ sư Phan Trọng Toại - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, ngày 18-4-2018, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 3585/VPCN-CN, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “lưu ý các giải pháp về không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông…”.
Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở đang tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị còn lại, nhằm hoàn chỉnh hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị, bên cạnh việc khống chế mật độ xây dựng khu vực nội đô lịch sử và khuyến khích phát triển khu trung tâm mới để giảm tải cho cơ sở hạ tầng khu vực nội đô, thì việc cấp phép không đúng quy hoạch, hoặc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chạy theo dự án đều phải nghiêm cấm.