Chưa xử lý tài sản bất minh nhưng không phải là bất lực, buông xuôi!
Tin tức - Ngày đăng : 22:59, 20/11/2018
Luật Phòng, tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 20-11 không đưa quy định xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp báo ngay sau Kỳ họp.
Toàn cảnh buổi họp báo sau Kỳ họp. |
Sáng 20-11, ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Việc chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành khiến báo giới băn khoăn về bước tiến mới của Luật.
Trả lời về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, lần này Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và được các đại biểu biểu quyết với tỷ lệ phiếu cao.
Trong nội dung sửa đổi có nhiều điểm đổi mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư. Luật đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng từ việc thực hiện biện pháp phòng ngừa như công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, quà tặng, quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn... được sửa đổi bổ sung. Luật cũng đồng thời bổ sung nội dung mới liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích.
"Luật hoàn thiện một bước quan trọng về chế định kiểm soát tài sản thu nhập, hệ thống cơ quan kiểm soát được kiện toàn, mở rộng hơn về căn cứ xác minh, nhờ đó việc xác minh sẽ có hiệu quả hơn hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo, các nhà báo đã đặt câu hỏi với cá nhân Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có hài lòng với dự án Luật vừa được thông qua khi quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc không được đưa vào Luật.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi thông qua Luật, điều liên quan đến xử lý tài sản bất minh, vẫn thực hiện theo luật hiện hành.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo. |
Do đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả, với cả hai phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án và phương án thu thuế đều không nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu.
“Nguyên tắc cái gì "chín", chắc chắn thì mới đưa vào Luật. Việc chưa đưa không vì thế mà không hài lòng, vì những quy định xử lý loại tài sản, thu nhập theo luật hiện hành đã được quy định mạnh mẽ hơn" - ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu, với cán bộ, đảng viên không kê khai trung thực phải xử lý về mặt đảng, nhà nước. Nếu những người này ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân sẽ bị xóa tên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cũng nêu thêm, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các cơ chế kiểm soát phòng ngừa chống tham nhũng nhưng không được xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
“Trong sửa Luật lần này, với tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc chưa được quy định xử lý nhưng không phải bất lực, buông xuôi" - ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Ông Cường nêu thêm, thực tế, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, do chưa kiểm soát được tài sản thu nhập toàn xã hội, người dân nói chung và tài sản của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng; việc thanh toán tiền mặt phổ biến nên cần cơ quan chức năng tăng cường điều tra xác minh các loại tài sản, xem tài sản đó có phải do hành vi tham nhũng, phạm tội mà có hay không để từ đó xử lý cho phù hợp.