“Cuộc đua” huy động vốn cuối năm
Tin tức - Ngày đăng : 08:46, 24/11/2018
Phát hành trái phiếu, tăng lãi suất, triển khai nhiều chương trình ưu đãi..., các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn phục vụ nhu cầu ngày càng cao vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Không chỉ có các ngân hàng cổ phần nhỏ, hàng loạt “ông lớn” cũng tham gia vào “cuộc đua” huy động vốn này...
Hoạt động giao dịch của Vietcombank. Ảnh: Mạnh Hùng |
Tăng vốn bằng phát hành trái phiếu
Mới đây, các “đại gia” trong hệ thống ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã hoàn tất phát hành lượng lớn trái phiếu, trong đó chủ yếu qua hình thức riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư. Theo đó, Vietcombank đã có 3 đợt phát hành cho kỳ hạn 6 năm, huy động 288,3 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 6 năm, lãi suất huy động 7,475%/năm. Trước đó, ngân hàng này đã huy động 329,3 tỷ đồng thông qua bán gần 3,293 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Vietcombank đang huy động tiền gửi kỳ hạn 5 năm ở mức 6,6%/năm.
BIDV cũng đã công bố hồ sơ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trước đó, BIDV có 4 đợt phát hành thành công, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng khác là MBBank đã phát hành thành công hơn 130 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm 1 ngày, với lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất bình quân tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được công bố trên trang thông tin của 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank cộng với biên độ 1%/năm). MBBank đã có tổng giá trị phát hành trái phiếu tính từ đầu năm đến nay là hơn 6.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, số lượng phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu...) của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 5.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm. Ngân hàng này còn dự kiến phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế, hoặc tương đương 4.500 tỷ đồng. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết, ngân hàng kỳ vọng được cấp hạn mức tín dụng 25-26% cho cả năm nay. Đồng thời VIB áp dụng sớm chuẩn mực về mức độ đầy đủ vốn nên cần chủ động nguồn vốn để đáp ứng mọi chỉ số an toàn, gồm hệ số an toàn vốn, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… Dù vậy, đến nay, do hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa được nới thêm và thị trường trái phiếu quốc tế trở nên không thuận lợi, nên ngân hàng sẽ lùi kế hoạch này vào thời điểm thích hợp hơn.
"Lợi nhuận tăng khả quan và cam kết của các cổ đông trong việc giữ lại phần lớn lợi nhuận đạt được để tái đầu tư vào tăng vốn cho VIB cũng là nguyên nhân ngân hàng lùi lại kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Ngân hàng đang trong quá trình làm thủ tục tăng 1.100 tỷ đồng vốn từ lợi nhuận năm 2018", ông Hàn Ngọc Vũ nhận định.
Tăng lãi suất, triển khai nhiều dịch vụ
Bên cạnh những chương trình phát hành trái phiếu, các ngân hàng cũng tìm cách hấp dẫn nguồn vốn với việc tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Vietcombank đã tăng thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn ngắn lên 4,3%/năm đối với lãi suất 1 tháng, 2 tháng và 5,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Với các kỳ hạn từ 1 năm trở lên, lãi suất tăng lên 6,6%/năm, thay vì mức 6,5%/năm trước đó.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại nâng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm 0,4%/năm, kỳ hạn dài tăng thêm 0,3%/năm. Hiện, lãi suất tại ngân hàng này là 5%/năm với kỳ hạn 1 tháng dành cho khách hàng có số dư dưới 5 tỷ đồng và cộng thêm 0,1%/năm cho khách hàng gửi số tiền lớn hơn.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến là 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 8%/năm.
Việc các ngân hàng tăng lãi suất không chỉ do đáp ứng nhu cầu vay vốn vào cuối năm, mà còn nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng sẽ giảm còn 40% từ mức 45% hiện nay. Nếu muốn tiếp tục cho vay các khoản vay dài hạn với biên lợi nhuận cao hơn, các ngân hàng cũng phải tìm được các nguồn vốn phù hợp để giảm rủi ro kỳ hạn. Trên thực tế, việc rút 5% trong tổng số dư nguồn vốn huy động ngắn hạn là một khối lượng rất lớn, nên các ngân hàng vẫn cần cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ trên... Tuy nhiên, với việc tăng lãi suất huy động VND, lãi suất cho vay khó có thể giảm từ nay đến đầu năm 2019.
Tập trung huy động vốn từ trái phiếu, tăng lãi suất để thu hút khách hàng, các ngân hàng cũng tiếp tục đưa ra các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp. Mới đây, VPBank đưa ra hàng loạt sản phẩm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền, cũng như có thêm giải pháp đầu tư tài chính. Với các doanh nghiệp gửi tiết kiệm online (trực tuyến) tối thiểu 550 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng được cộng thêm ưu đãi 0,5% lãi suất/năm...
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận xét: "Với lãi suất đầu ra, hệ thống ngân hàng phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, không để tăng lãi suất cho vay và phấn đấu giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Đổi lại, việc tăng lãi suất huy động trung, dài hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cần có kế hoạch tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu thay vì tăng lãi suất cho vay".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, việc giữ trần lãi suất là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thị trường vốn chưa đáp ứng được vốn cho nền kinh tế, ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn, nên biện pháp hành chính là cần thiết để bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ. Ngoài ra, số lượng ngân hàng nhiều, chất lượng chưa đồng đều, nên trần lãi suất dưới 6 tháng giúp giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Việc duy trì trần lãi suất cũng giúp ổn định hệ thống tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ quy định này vào thời điểm thích hợp. |