Công cụ hữu ích để tăng sức cạnh tranh

Tin tức - Ngày đăng : 08:57, 27/11/2018

Bảo lãnh thông quan là một trong những biện pháp nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan khẳng định: Bảo lãnh thông quan là một trong những công cụ hữu ích để tạo thuận lợi thương mại và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Khái niệm "bảo lãnh thông quan" còn khá mới với một số doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về tài chính mà cơ quan Hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.

Để các chứng từ thủ tục bảo lãnh được cơ quan Hải quan chấp nhận, bên bảo lãnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định theo quy định về bảo hiểm tài chính và được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính) cấp quyền phát hành chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (cơ quan Hải quan). Bảo lãnh thông quan là công cụ giúp cho cơ quan Hải quan bảo đảm khoản thu cho ngân sách theo quy định. Đây cũng là công cụ bảo đảm tính tuân thủ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật chuyên ngành.

- Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của bảo lãnh thông quan?


- Bảo lãnh thông quan mang lại nhiều lợi ích cho các bên trực tiếp tham gia. Về phía doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, thực hiện bảo lãnh thông quan sẽ giúp họ có thời gian hoàn thiện hồ sơ mà vẫn được xem xét hưởng các ưu đãi nợ thuế, nợ tiền nộp phạt, nợ chứng từ hải quan, nợ chứng từ theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đưa hàng về bảo quản hoặc thông quan hàng hóa, đặc biệt đối với các loại hàng hóa có yêu cầu kiểm tra chuyên ngành.

Bảo lãnh thông quan cũng thay thế cho bảo lãnh ngân hàng và thường không yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ tiền mặt. Chi phí bảo lãnh thông quan cũng thường thấp hơn chi phí bảo lãnh ngân hàng, do vậy khi sử dụng bảo lãnh thông quan thì vốn của doanh nghiệp sẽ quay vòng nhanh… Những điều này có ý nghĩa quan trọng về lợi ích kinh tế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Về phía cơ quan hải quan, bảo lãnh thông quan là một hình thức hiệu quả, giúp bảo đảm thu đủ từ các nguồn thu tiền thuế, phí từ hàng hóa xuất - nhập khẩu, kể cả tiền phạt trong trường doanh nghiệp vi phạm các quy định trong hoạt động xuất - nhập khẩu. Với những đặc điểm trên, bảo lãnh thông quan có thể được xem là một công cụ hữu ích để tạo thuận lợi thương mại và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Việc áp dụng bảo lãnh thông quan tại Việt Nam có thuận lợi, khó khăn gì? Cơ quan Hải quan sẽ làm gì để sớm đưa bảo lãnh thông quan áp dụng tại Việt Nam, thưa ông?


- Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất -nhập khẩu. Các bộ, ngành đã rà soát, cắt giảm số lượng mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành ở khâu trước thông quan chuyển sang sau thông quan, thay đổi phương pháp kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm… Tuy nhiên, số lượng mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều. Trong khi việc cải cách thủ tục hành chính chưa theo kịp sự phát triển của thương mại, việc áp dụng bảo lãnh thông quan chính là góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Triển khai bảo lãnh thông quan tại Việt Nam cũng còn một số khó khăn do hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này chưa hoàn thiện. Cơ quan Hải quan sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thí điểm, đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền để các doanh nghiệp tham gia bảo lãnh thông quan.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đức Anh/HNM (thực hiện)