“Bắt tay” với trường đại học

Tin tức - Ngày đăng : 15:00, 29/11/2018

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với ngành Giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, đáp ứng sự phát triển của xã hội thời hội nhập. Các trường phổ thông của Hà Nội đang từng bước điều chỉnh cách dạy học nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong đó, việc “bắt tay” với trường đại học là một cách thức mới của các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho thấy những tín hiệu mừng.
Giảm lý thuyết, tăng thực hành

Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu rõ, một trong những giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế là “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học... Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học”. 

Nắm vững tinh thần ấy, nhiều trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giảm thời lượng và kiến thức lý thuyết, tăng thời gian cho học sinh được thực hành, trải nghiệm.
“Bắt tay” với trường đại học
Một giờ học tập trải nghiệm của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa.

Là trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa xác định, tiêu chí hàng đầu để tạo uy tín là việc đào tạo ra “sản phẩm” không chỉ có kiến thức mà còn thuần thục về kỹ năng, giỏi tin học, ngoại ngữ. 

Thạc sĩ Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết, một trong số các hoạt động đã trở thành truyền thống, ghi dấu ấn với học sinh là trải nghiệm “Hành trình tri ân”. Các em được trải nghiệm tại các “địa chỉ đỏ” như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị… để phục vụ việc học liên môn ngữ văn - lịch sử - địa lý - giáo dục công dân - giáo dục quốc phòng, đồng thời hình thành phẩm chất, định hướng hành vi…

Còn tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy), năm học 2018-2019, nhà trường bắt đầu triển khai chương trình tiếng Anh học thuật cho học sinh để vừa nâng cao kỹ năng nghe - nói ở mức độ chuyên sâu, vừa tạo cơ hội để học sinh học ngoại ngữ gắn với các môn khoa học.

Ngoài ra, nhà trường đã đưa vào giảng dạy chính khóa cho học sinh khối THPT chương trình tin học quốc tế MOS. Chứng chỉ đầu ra của chương trình được công nhận trên toàn cầu, học sinh được miễn học môn tin học ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước.

Cần mối quan hệ “cộng sinh”

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về năng lực đối với nguồn nhân lực thuộc thế hệ “công dân toàn cầu” đã hình thành thách thức mới đối với giáo dục phổ thông khi phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thế giới. 

Tại Hà Nội, nhiều trường phổ thông đã có cách tiếp cận sớm theo chuẩn quốc tế khi đưa vào giảng dạy những chương trình của nước ngoài, song lại đang đối mặt với khó khăn khi giáo viên giảng dạy vừa phải bảo đảm kiến thức chuyên môn, vừa đáp ứng phương pháp giảng dạy, nội dung chuyên sâu trong bối cảnh những chương trình này có xu hướng phân ban tương đối sớm. 

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, “công dân toàn cầu” trong bối cảnh hiện nay phải có một số năng lực cần thiết và khác so với giai đoạn trước như: Tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề; có phương pháp tự học, tự nhận biết, tự định hướng… Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi ngành Giáo dục cần có cách tiếp cận mới không đơn thuần là nội dung đào tạo mà còn là quan điểm, cách thức hợp tác đào tạo với các trường đại học.

“Nếu trước đây, sự hợp tác chủ yếu diễn ra giữa trường đại học có đào tạo về sư phạm với trường phổ thông, trong đó trường phổ thông xác định ở vị trí “tạo điều kiện” tiếp nhận thực tập sinh ngành Sư phạm. Còn hiện nay, các trường phổ thông đã nhận thấy sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và năng lực của đội ngũ giáo viên, nhất là ở những môn học gắn liền với hoạt động khoa học công nghệ và xã hội thường ngày. Vì vậy, việc đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác mang tính “cộng sinh” giữa trường phổ thông và trường đại học là cần thiết” - GS.TS Trần Thọ Đạt nhận định.

Thực tế tại Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) đã bước đầu cho thấy những chuyển dịch của mối quan hệ hợp tác này trong khâu đào tạo. Ngoài sự tham gia giảng dạy của giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Anh quốc Việt Nam, nhà trường đã đưa mô hình sinh viên trợ giảng vào môn kinh tế của chương trình song bằng tú tài nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, bởi đây là môn học mới chưa từng có trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. Đội ngũ trợ giảng là sinh viên năm thứ 3 hoặc thứ 4, đã hoàn thành các môn học căn bản về kinh tế học với số điểm cao. 

Đề cập đến mô hình này, Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm, Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, mối quan hệ “cộng sinh” vừa tạo cho học sinh phổ thông sớm được hưởng thụ những lợi ích trong đào tạo, vừa là cơ hội để các trường đại học thể hiện trách nhiệm xã hội, quảng bá hình ảnh về chương trình đào tạo phục vụ công tác tuyển sinh. Mô hình này được áp dụng rộng rãi và đúng hướng sẽ góp phần tối ưu hóa nguồn lực của xã hội trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.

Thống Nhất/HNM