Xử vụ án ở Ngân hàng Đông Á: Vũ “nhôm” nộp thêm hơn 30 tỷ đồng
Tin tức - Ngày đăng : 23:33, 04/12/2018
Ngày 4-12, phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ án thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN) |
Đáng chú ý, Hội đồng xét xử thông báo đã nhận được biên lai xác nhận việc gia đình bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 – gọi tắt là Công ty Bắc Nam 79) nộp tạm ứng số tiền 30,195 tỷ đồng.
Trần Phương Bình nghĩ Vũ “nhôm” biết nguồn gốc của 200 tỷ đồng
Trả lời xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Trần Phương Bình (sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DAB) xác nhận không bàn bạc với Vũ "nhôm" khi mình trao đổi với bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) thu khống 200 tỷ đồng mua cổ phần cho Phan Văn Anh Vũ.
Bị cáo Trần Phương Bình khai: "Khi trao đổi với Vinh tại phòng làm việc, bị cáo muốn gián tiếp cho Vũ biết về tình hình DAB. Khi đó, bị cáo có giới thiệu về Vũ và Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 để anh Vinh biết mà đồng thuận việc treo quỹ. Bị cáo thường thì nói rõ cho anh Vinh biết bị cáo không vì cá nhân mà treo quỹ. Bản thân bị cáo mong muốn Công ty Bắc Nam 79 và anh Vũ tham gia vào hoạt động ngân hàng nên đã thực hiện hành vi". Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ) hỏi bị cáo Bình là Phan Văn Anh Vũ có biết được về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng từ đâu mà có không, Trần Phương Bình trả lời: "Trong nhận thức của tôi thì bị cáo Vũ biết".
Trước đó khai tại tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi chiếm đoạt 203 tỷ đồng của DAB như cáo trạng đã truy tố. Vũ “nhôm” cho rằng, 200 tỷ đồng của ông Trần Phương Bình đưa cho bị cáo là tiền cá nhân của ông Bình không phải tiền của ngân hàng.
Đáng chú ý, Hội đồng xét xử xác nhận, chiều 4-12, gia đình bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã nộp tạm ứng số tiền 30,195 tỷ đồng vào Chi cục Thi hành án dân sự. Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết, tính đến thời điểm này, gia đình bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã nộp đủ số tiền 203 tỷ đồng mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị cáo phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tòa thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước
Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố cũng tập trung thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời về việc chấp thuận cho DAB được tăng vốn điều lệ nhiều lần từ năm 2007-2014, đại diện Ngân hàng Nhà nước trình bày: “Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho DAB tăng vốn trên cơ sở sự thống nhất của đại hội cổ đông thường niên DAB, giao cho Hội đồng quản trị DAB ra văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh xin tăng vốn điều lệ. Đồng thời, việc tăng vốn của các tổ chức tín dụng khi thực hiện phải đúng các quy định pháp luật. Khi tăng vốn đủ thì Ngân hàng Nhà nước mới xuống kiểm tra, rằng có đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước đặt ra hay không, để thông qua”.
Chủ tọa chất vấn: “Vừa rồi, ngồi dưới nghe Trần Phương Bình và đồng phạm khai từ 2007-2014, tất cả nguồn tiền tăng vốn điều lệ là từ DAB và đều nộp khống. Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra như thế nào mà nguồn tiền tăng vốn điều lệ là không có thật, toàn bộ là nộp khống mà vẫn không biết ?”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng Đoàn kiểm tra và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước không biết do hành vi phạm tội của Trần Phương Bình và đồng phạm quá tinh vi. Chủ tọa: “Tinh vi hay không tinh vi Hội đồng xét xử sẽ xem xét và sẽ xem xét luôn trách nhiệm của Đoàn kiểm tra Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước”.
Trước đó tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình khai, mỗi khi có thanh tra thì bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới điều chuyển trên sổ sách các khoản âm quỹ cho các chi nhánh, các phòng giao dịch trong hệ thống để che giấu cơ quan thanh tra. Sau khoảng 10 ngày thì các chi nhánh, phòng giao dịch điều chuyển trở lại.
Theo bà Dương Thị Bạch Tuyết, đại diện Cục Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2007 đến 2015, Cục Thanh tra giám sát và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 11 cuộc thanh tra kiểm tra, theo kế hoạch đã được duyệt hằng năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong đó chưa bao giờ có nội dung thanh tra quỹ. Mỗi năm 2014 là thanh tra toàn diện và qua đó mới phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của DAB.
Đại diện Viện Kiểm sát hỏi: “Bà nhận thấy trách nhiệm gì khi suốt 7 năm không phát hiện ra sai phạm của DAB”. Bà Tuyết cho rằng, Cơ quan thanh tra giám sát đã thực hiện hết chức năng nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra.
Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Ngày 7-12, phiên tòa bước sang tranh luận, mở đầu là phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo của đại diện Viện Kiểm sát.