Trục xuất lao động nước ngoài không có giấy phép lao động

Tin tức - Ngày đăng : 15:06, 10/12/2018

Chủ sử dụng có hành vi huy động người lao động (NLĐ) làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định (200 giờ/năm và 300 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt) hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng NLĐ vi phạm.
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đáng lưu ý trong dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH đã đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Dự thảo Nghị định, đối với những hành vi vi phạm quy định về tiền lương , phạt tiền người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật ; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật... Mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Chủ sử dụng có hành vi huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định (200 giờ/năm và 300 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt) hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng NLĐ vi phạm. Đặc biệt, đối với những chủ sử dụng huy động từ 101 NLĐ trở lên làm thêm quá thời gian quy định, ngoài xử phạt hành chính còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Trường hợp giờ làm việc bình thường quá số giờ quy định hoặc huy động làm thêm giờ không được sự đồng ý của NLĐ, chủ sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.

Trục xuất lao động nước ngoài không có giấy phép lao động - Ảnh 1.

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu làm việc nhưng không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất.

Dự thảo Nghị định quy định: NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động) hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn) sẽ bị trục xuất. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với NSDLĐ không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền NSDLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng NLĐ nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo với mức phạt từ 30-75 triệu, đồng thời, đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng đối với NSDLĐ có hành vi vi phạm này…

T.Ngôn/NLĐ