Lễ hội là chất liệu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:23, 07/03/2022

Lễ hội là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Nhưng làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị, tiềm năng và lợi thế để lễ hội trở thành một trong những sản phẩm văn hóa, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa - lĩnh vực được Hà Nội và cả nước quan tâm? Phóng viên đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
Lễ hội là chất liệu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của lễ hội trong việc phát triển công nghiệp văn hóa?

- Là một sản phẩm của du lịch văn hóa và thuộc một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, rõ ràng lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với những yếu tố đặc sắc, thu hút du khách đến với Hà Nội và các địa điểm diễn ra sự kiện. Nó kích thích nhu cầu tham quan, trải nghiệm đầu năm, vì đây là thời điểm khởi đầu của năm mới, người dân đặc biệt mong muốn du xuân, tìm đến với các địa điểm tín ngưỡng tâm linh, với các lễ 
hội để cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân và gia đình.  

Khi đi du lịch, cụ thể là đến với lễ hội, người ta không chỉ cầu mong những điều tốt đẹp mà còn tiêu dùng hàng hóa của địa phương. Chính nhu cầu mua sắm, ăn uống, tìm hiểu văn hóa địa phương và nhu cầu đi lại của du khách sẽ giúp cộng đồng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp họ thêm tự hào về truyền thống văn hóa. Điều đó cho thấy, lễ hội mang lại nhiều lợi ích, không chỉ là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn quảng bá hình ảnh cộng đồng...

- Cần làm gì để khơi dậy tiềm năng của lễ hội, qua đó phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương?

- Trước hết, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của lễ hội trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, cũng như những lợi ích thiết thực mà hoạt động này mang lại nếu biết cách tổ chức, khai thác tốt. Khi nhận thức đúng đắn, chúng ta sẽ bảo vệ và phát huy được các giá trị của lễ hội, tránh tình trạng thương mại hóa lễ hội.

Phải coi lễ hội là một sản phẩm văn hóa, để từ đó biết cách quảng bá. Cụ thể, lễ hội có giá trị đặc sắc, mang tính truyền thống và kể được nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương. Để duy trì sức hấp dẫn của lễ hội thì phải hiểu các giá trị và bản sắc riêng của lễ hội, giữ gìn giá trị của lễ hội một cách phù hợp với bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số.

Bên cạnh đó, giữ gìn và tổ chức lễ hội một cách văn minh cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, từ đó tăng niềm tin với du khách. Rất cần có sự chung tay của toàn xã hội và địa phương trong việc tổ chức lễ hội, từ việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, y tế..., đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh gia tăng.  

Cuối cùng, phải biết cách khai thác lễ hội vì lễ hội không chỉ liên quan đến việc tổ chức các nghi lễ mà còn có cả các sự kiện liên quan như hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương hay một loạt yếu tố khác mà nếu biết cách xử lý hài hòa thì lễ hội sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách tốt hơn.

Lễ hội là chất liệu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Lễ hội đường phố tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận không chỉ tạo bầu không khí sôi động, vui tươi mà còn thể hiện một thông điệp ý nghĩa về sự năng động, hội nhập, phát triển của ''Thành phố vì hòa bình''. Ảnh: Bảo Trung

- Để lễ hội phát huy tốt nhất giá trị và trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, theo ông, cần sự vào cuộc như thế nào của chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu? 

- Như tôi đã nói, chúng ta phải xác định lễ hội là của cộng đồng vì họ là chủ thể chính của sự kiện. Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội, làm cho lễ hội được duy trì bền vững. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, các ban, ngành có liên quan và các nhà nghiên cứu có vai trò quan trọng không kém trong việc giúp cộng đồng có thêm nguồn lực và hiểu biết để bảo vệ di sản của họ một cách tốt hơn. Việc chính quyền địa phương quan tâm đến công tác quảng bá, giữ gìn lễ hội, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cộng đồng địa phương có nguồn lực để giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, sự quan tâm, giúp đỡ này phải dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng, sự hiểu biết ở cả trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.

Một vấn đề khác, như chúng ta biết, lễ hội là một thành tố quan trọng để hình thành nên loại hình du lịch văn hóa. Nếu muốn trở nên hấp dẫn, thu hút du khách hơn thì lễ hội phải mang tính độc đáo và có giá trị. Chính vì thế, lễ hội càng khác biệt, mang nhiều giá trị đặc sắc thì sẽ càng thu hút du khách. Nhận thức đầy đủ và đúng đắn sẽ giúp chúng ta tránh được việc "đồng bộ hóa", làm cho các lễ hội trở nên giống nhau và mất đi bản sắc. Chỉ có như vậy, chúng ta mới khẳng định được giá trị độc đáo, góp phần bảo vệ và phát huy tính đa dạng của các lễ hội.

- Ngoài các lễ hội dân gian, nhiều lễ hội mới cũng xuất hiện. Những lễ hội này có khả năng đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa không, thưa ông?

- Các lễ hội mới cũng là sản phẩm văn hóa giúp chúng ta quảng bá hình ảnh và kích thích sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Vì thế, đối với công nghiệp văn hóa, việc tổ chức sự kiện vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam có rất nhiều sự kiện đã trở nên nổi tiếng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ví dụ: Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội carnaval Hạ Long (Quảng Ninh) hay Festival Huế... Vấn đề là phải làm sao quản lý và tổ chức các lễ hội mới một cách chuyên nghiệp để lễ hội phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang các lĩnh vực khác. Đó là sự kiện văn hóa đem lại lợi ích kinh tế cho các lĩnh vực liên quan, giúp quảng bá hình ảnh địa phương, giúp địa phương trở thành nơi đáng sống. Khi chúng ta hiểu lễ hội một cách toàn diện như vậy và quản lý lễ hội một cách chuyên nghiệp để phát huy tối đa hiệu quả thì việc tổ chức lễ hội sẽ trở nên hữu ích.

- Ông có lời khuyên gì cho Hà Nội để Thủ đô biến lễ hội trở thành sản phẩm văn hóa hữu ích?

- Lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì nó chứng minh bề dày lịch sử của Hà Nội, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Các lễ hội chính là chất liệu để chúng ta tạo ra sức sống, sự sáng tạo cho Hà Nội. Mọi sự sáng tạo đều cần dựa vào nền tảng. Truyền thống nói chung hay các lễ hội nói riêng chính là chất liệu tuyệt vời tạo ra sự sáng tạo cho Hà Nội. Đó là lý do tại sao chúng ta cần quan tâm đến lễ hội. Bên cạnh đó, lễ hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như ẩm thực, thời trang, nghề thủ công truyền thống. Hà Nội có thể khai thác các lễ hội bằng cách tôn vinh các lĩnh vực có liên quan, từ đó tạo tác động lan tỏa để sức sáng tạo và văn hóa của Thủ đô có thêm “chất truyền dẫn”, để chúng ta thêm tự hào và tạo điều kiện cho các lĩnh vực có thể cùng phát triển. 

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hanoimoi