Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Tin tức - Ngày đăng : 07:56, 14/12/2018
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, chiều 13-12, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Bộ Chính trị đã nghe Tờ trình của Ban Kinh tế Trung ương về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghe ý kiến phát biểu của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, được tiến hành công phu, bài bản, đánh giá sát tình hình phát triển của Đà Nẵng.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, năng động, sáng tạo trong phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.
Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh cả về quy mô và tốc độ, làm gia tăng nhanh nguồn thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người và tạo nhiều việc làm.
Giai đoạn 2003-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố ước đạt 10%/năm, tăng 4,2 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp", trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp 4 lần so với năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ và tương đối hiện đại, đạt nhiều thành quả vượt bậc trong tiến trình xây dựng thành phố cảng biển lớn, đô thị văn minh, hiện đại.
Đà Nẵng thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, trong nhiều năm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Tiềm năng, thế mạnh của các thành phần kinh tế ngày càng được phát huy.
Đà Nẵng dần khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung-Tây Nguyên; là đầu mối giao thông quan trọng, đi đầu trong hội nhập quốc tế. Văn hóa - xã hội phát triển và có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước.
Bộ Chính trị phân tích chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn của Đà Nẵng trong quá trình phát triển, đi lên. Bên cạnh những thành tựu, kinh nghiệm đã có, tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng có xu hướng giảm, năng suất lao động chưa tương xứng với tiềm năng; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và sử dụng đất. Vai trò đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội vùng chưa rõ nét; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền có mặt còn hạn chế, yếu kém.
Bộ Chính trị mong rằng, thời gian tới, Đà Nẵng cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy cao độ truyền thống yêu nước cách mạng, sự đồng thuận xã hội, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng để đến năm 2030 xây dựng thành phố trở thành đô thị sinh thái, thông minh; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt; là hạt nhân, động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Bộ Chính trị mong muốn Đà Nẵng trở thành đô thị biển năng động, thành phố đáng sống, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước; là trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao; có vai trò quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển, đảo.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cách đây 15 năm, Bộ Chính trị khóa IX nhận rõ vai trò, vị trí quan trọng của Đà Nẵng, đã ra Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo “cú hích” để Đà Nẵng phát triển. Sau 10 năm thực hiện, Bộ Chính trị tiếp tục ra Kết luận số 75 chỉ đạo Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ. Quá trình thực hiện đến nay tròn 15 năm, cần tổng kết để định hướng phát triển sắp tới của thành phố.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí với đa số ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị, hoan nghênh, đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án tổng kết, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới với mong muốn Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, chất lượng tốt hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, thời gian qua Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng. Hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch phát triển rõ nét. Bộ mặt nông thôn, thành thị có nhiều thay đổi, tạo ấn tượng, hình ảnh đẹp về thành phố hai bên sông. Chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ.
Đà Nẵng là điển hình của một thành phố năng động, sáng tạo, biết khai thác, phát huy thế mạnh, khai thác nguồn lực tại chỗ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Trong quá trình xây dựng, phát triển, Đà Nẵng đã chú ý phát triển tương đối hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, không để xảy ra điểm nóng…
Tuy nhiên, với vị thế địa chính trị, địa kinh tế, được trời phú cho điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đà Nẵng chưa vươn lên xứng tầm, chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chưa phát huy vai trò trung tâm của miền Trung-Tây Nguyên, kéo Tây Nguyên vào cuộc để khai thác thế mạnh biển và rừng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, rõ nét hơn. Muốn vậy, Đà Nẵng cần quan tâm làm tốt hơn công tác quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng, xây dựng quy hoạch tổng thể với mục tiêu dài hạn.
Cùng với những thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, Đà Nẵng cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có những mặt phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, như bố trí cán bộ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường quan hệ giữa Đảng với nhân dân...
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần làm tốt hơn công tác quản lý, sử dụng đất đai. Cha ông ta có câu “tấc đất tấc vàng”, đi lên từ đất, làm giàu từ đất, nhưng khổ cũng vì đất, nảy sinh vi phạm cũng từ chỗ này… Đà Nẵng phải làm sao để phát huy thế mạnh “rừng vàng, biển bạc”, tiếp tục phát triển đi lên.
Qua thảo luận, Bộ Chính trị cũng đưa ra những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, tháo gỡ cơ chế chính sách để Đà Nẵng phát triển đi lên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tư tưởng chung là tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước cách mạng, trung dũng kiên cường; khơi dậy tinh thần nỗ lực phấn đấu, để Đà Nẵng vững vàng phát triển đi lên nhanh hơn, mạnh hơn, chắc chắn hơn, với chất lượng cao hơn, không để xảy ra sơ hở, không cam chịu thua kém các nơi khác, vươn lên trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, cần thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể, tập trung phát triển các ngành mũi nhọn.
Đà Nẵng có thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ thương mại... nên cần phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của miền Trung-Tây Nguyên; có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng, chú trọng đào tạo bồi dưỡng để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đồng thời, Đà Nẵng có vai trò quan trọng đối với Biển Đông, có nhiều cảng biển, nên phải thường xuyên chú ý làm tốt công tác quốc phòng an ninh, không để bị động bất ngờ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, Đà Nẵng phải hết sức chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Vừa rồi nổi lên một số việc nổi cộm không ai mong muốn, cần tìm cách khắc phục hậu quả, vô hiệu hóa những gì rơi rớt còn lại. Quan trọng là phải đoàn kết thống nhất cao, khơi dậy tinh thần phấn chấn, đồng sức đồng lòng… Nhân dịp này, cần xốc lại đội ngũ, chấn chỉnh đội hình, làm mạnh lên, không vì lý do nào đó mà nhụt chí, trước hết là trong Ban Thường vụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết mới về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Về một số kiến nghị cụ thể của Đà Nẵng, Bộ Chính trị giao các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền xem xét, cái nào đã rõ, đã chín, được thực tế chứng minh là đúng thì quyết tâm làm, cái nào chưa rõ, chưa chín, mà yêu cầu cấp thiết thì làm thí điểm...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan, ban, ngành trung ương đồng tâm nhất trí, tạo điều kiện hỗ trợ để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên; hy vọng và tin tưởng sau hội nghị này, Đà Nẵng sẽ có khí thế mới, quyết tâm mới, phát triển đi lên nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn.