Vũ “nhôm” vu khống kiểm sát viên?

Tin tức - Ngày đăng : 12:20, 17/12/2018

Đó là khẳng định của đại diện Viện KSND trong phần đối đáp lại quan điểm của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79).
Ngày 13/12, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh bắt đầu đối đáp quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại DABank với số tiền trên 3.608 tỷ đồng.

Không có căn cứ Vũ “nhôm” bị thóa mạ

Về việc Vũ “nhôm” cho rằng có vi phạm trong quá trình đối chất giữa Vũ với Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc DABank), Nguyễn Đức Vinh vào tháng 8/2018 trong trại giam. Đại diện Viện KSND khẳng định quá trình này thực hiện đúng quy định. Buổi làm việc có điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên (KSV) và luật sư của bị cáo, các bên đều được nghe, hỏi, có câu trả lời. Biên bản làm việc có đầy đủ chữ ký các bên tham gia. Việc Vũ khai bị khủng bố tinh thần, chỉ có ý kiến của Vũ ghi: “không nên khủng bố tinh thần”, chứ không phải ĐTV hay KSV “đã khủng bố tinh thần”.
“Biên bản đối chất chỉ là một căn cứ xác định. Trên cơ sở tổng hợp lời khai và các tài liệu, không thể cho rằng vi phạm tố tụng trong đối chất sẽ không đủ căn cứ buộc tội, chúng tôi xác định không vi phạm tố tụng. Bị cáo Vũ khai mình bị “thóa mạ” hoàn toàn vô căn cứ. Bị cáo ngoan cố, không thành khẩn, cố ý xúc phạm người tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét”, đại diện Viện KSND, nói.

Đại diện Viện KSND cũng bác bỏ quan điểm của Vũ “nhôm” và luật sư cho rằng việc nhận 200 tỷ đồng từ Trần Phương Bình là giao dịch dân sự. “Trần Phương Bình không có ý định cho Vũ “nhôm” mượn tiền, Vũ chỉ ký vào giấy nộp tiền khống, không nộp tiền. Không có căn cứ đây là vay mượn dân sự. Việc vay mượn bình thường phải có thỏa thuận bằng văn bản hoặc miệng. Vũ là người có năng lực, trí óc minh mẫn nên phải nhận thức được hành vi. Tờ giấy có nội dung rõ ràng, không ai có thể ép ký nên việc ký do ý thức của Vũ. Trần Phương Bình chỉ là đại diện pháp luật của DABank, tiền của ngân hàng, không phải của Bình. Vũ ký khống vào phiếu thu đã thể hiện ý chí, do đó Vũ phải chịu trách nhiệm đồng phạm với bị cáo Bình”, đại diện Viện KSND nhấn mạnh và bác bỏ các lập luận của luật sư cho rằng Vũ “nhôm” không phạm tội. 

Thu khống, thiệt hại trên 24 triệu USD và trên 611 tỷ đồng

Về hành vi kinh doanh ngoại tệ, đại diện Viện KSND khẳng định Trần Phương Bình kinh doanh trái phép, gây thiệt hại cho DABank trên 24 triệu USD. DABank kinh doanh ngoại tệ với Ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sỹ) từ 1997 – 2002, với Ngân hàng UOB (UOB - Singapore) từ 2001 – 2005, lúc đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cho phép. Phải đến tháng 12/2008, DABank mới được cấp phép kinh doanh ngoại tệ với đối tác nước ngoài. 

“Giai đoạn 2001-2003, các giao dịch với UOB diễn ra bình thường, giai đoạn 2003 - 2005 thường xuyên thua lỗ. Bình chỉ đạo Phòng Kinh doanh thỏa thuận với UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán tiền lỗ bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ và UOB chấp thuận do DABank đang có 15,5 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn, hơn 4,7 triệu USD tiền ký quỹ tại UOB. Để che giấu hành vi trả nợ trong việc kinh doanh ngoại tệ, Bình cùng cấp dưới lập 15 phiếu thu nhập “khống” từ UOB trên 20,9 triệu USD, nội dung thể hiện là DAB đã rút, nhập ngoại tệ mặt, đưa tiền về kho quỹ. Đối với hành vi gây thiệt hại cho DABank trên 3 triệu USD khi kinh doanh với Ngân hàng Banca Adamas (Thụy sỹ). Từ năm 1997 – 2002, Bình chỉ đạo mở các tài khoản (TK) giao dịch USD tại Banca Adamas. Kinh doanh thua lỗ, ngày 31/5/2006, Bình chỉ đạo lập, ký và hạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ mặt từ Banca Adamas trên 3 triệu USD khiến tăng âm quỹ tiền mặt (USD) cho DABank. Vì vậy Bình chỉ đạo cấp dưới cho xuất bán 24.993 lượng vàng, 70 tỷ đồng đều không có chứng từ để mua trên 23,9 triệu USD tại các tiệm vàng ở TP Hồ Chí Minh nhập quỹ ngoại tệ mặt, bù các phiếu nhập khống ngoại tệ nêu trên”, đại diện Viện KSND nói.

Đối với hành vi kinh doanh vàng TK trái phép, gây thiệt hại cho DABank trên 611 tỷ đồng. Đại diện Viện KSND khẳng định ngày 6/9/2007, DABank được cấp phép kinh doanh vàng TK với nước ngoài, trong đó có Công ty INTL. “Từ năm 2008 – 2009, DABank xuất 3.800 kg vàng vật chất qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, thu về trên 112 triệu USD. Ngày 6/1/2010, NHNN ban hành quy định các tổ chức tín dụng phải chấm dứt, đóng hoàn toàn số dư TK đã mở để kinh doanh vàng TK chậm nhất ngày 30/6/2010. Thế nhưng Bình, Xuyến vẫn chỉ đạo xuất vàng miếng ra khỏi kho, dùng pháp nhân Công ty Tân Vạn Hưng để xuất khẩu 29.858 lượng vàng SJC dưới dạng trang sức, trị giá trên 51,6 triệu USD. TK chỉ định thanh toán tiền chỉ được Công ty INTL thanh toán trên 22,7 triệu USD (tương đương 14.078 lượng vàng), trên 28,9 triệu USD (tương đương 15.779 lượng vàng) bị quỵt. Ngoài ra, các luật sư đại diện cho DABank khẳng định DABank thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo chứ không phải do Công ty INTL không trả tiền. Chúng tôi không chấp nhận quan điểm của các luật sư bào chữa các bị cáo về hành vi nêu trên”, đại diện Viện KSND nhấn mạnh.

Luật sư khẳng định nhiều BL sinh đôi!

Trong phần bào chữa bổ sung, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Vũ “nhôm”), đưa ra hàng loạt câu hỏi: “Viện KSND cho rằng khi đối chất có ĐTV, KSV và luật sư tham gia, Vũ có ghi ý kiến “không khách quan”. Tại cuộc đối chất ĐTV và KSV đã sỉ nhục Vũ. Tại buổi đối chất đó, tôi không được tham gia. Buổi đối chất đó không được ghi âm, không ghi hình là trái quy định pháp luật. Ngay cả có luật sư tham gia, tại sao không nêu ý kiến? Nếu người lấy lời khai không cho chúng tôi hỏi, làm sao chúng tôi được ghi ý kiến vào biên bản? Viện KSND cho rằng biên bản đối chất không phải chứng cứ duy nhất buộc tội tức đã có mâu thuẫn”.

Luật sư Trạch cũng nêu nhiều bút lục (BL) để từ đó cho rằng có vi phạm tố tụng: “Các BL vào các ngày 12/1/2018, 13/1/2018, 5/1/2018 sinh đôi giống nhau từng dấu chấm, phẩy; thậm chí các đoạn lên xuống dòng như nhau. Tôi cho rằng đã vi phạm tố tụng, cần có kết luận, đánh giá lại. Tại trang 131 của cáo trạng có 7 dòng, từ dòng 18 – 24 (lời khai ông Bình), trang 8 – 32 (lời khai của ông Bình, Vinh) trùng nhau từng chữ”, luật sư Trạch, nói. 

Đối với yêu cầu của các luật sư đại diện DABank đòi Vũ “nhôm” chịu trách nhiệm 203 tỷ và tiền lãi 88,8 tỷ, luật sư Trạch hỏi: “Dựa vào căn cứ nào đưa ra lập luận này? Các luật sư DABank cho rằng lãi suất tính từ ngày âm quỹ đến ngày xét xử thành 88,8 tỷ? Thân chủ tôi vay từ 17/1/2014 - 4/12/2018, đã trả khoản vay kèm lãi cho ông Bình. Do đó yêu cầu nộp lãi chồng lãi là không đúng quy định. Đối với 13,4 triệu USD là khoản vay giữa Vũ với ông Bình. Cáo trạng xác định Vũ không chịu trách nhiệm hình sự nên không thể yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên ông Vũ đã cam kết sẽ trả đủ 13,4 triệu USD, không thiếu 1 USD nào. Các luật sư của DABank yêu cầu bồi thường 13,4 triệu USD đã vượt quá thẩm quyền, phạm vi của mình vì HĐXX chưa tuyên án. Đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của DABank đòi bồi thường”, luật sư Trạch, lập luận.

Bài, ảnh Tân Tiến/kinhtedoti