Chính phủ "đặt bài" cho Tổ tư vấn hiến kế để tăng trưởng năm 2019 đạt 7%
Tin tức - Ngày đăng : 08:58, 24/12/2018
Ngày 22-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến về những bất cập, hạn chế chưa tháo gỡ được, nhất là hiến kế của Tổ tư vấn, những chuyên gia trên các lĩnh vực với tinh thần chủ động hơn, sáng tạo, tìm giải pháp làm chủ tình hình, định hướng và huy động được nguồn lực toàn xã hội, phấn đấu để Việt Nam nhanh nhất có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.
Thủ tướng cũng mong muốn được nghe hiến kế để làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô; về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển; những động lực mới cho tăng trưởng, các đột phá chiến lược; làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm” xảy ra ở Việt Nam…
Cho rằng đây là những bài toán lớn, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản, theo kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018-2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%. Năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.
Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp kích thích phát triển mạnh hơn nữa so với năm 2018.
Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành. Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019-2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô.
Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chuyên gia, thành viên của tổ đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao. Năm 2018, chúng ta không chỉ giữ vững mà phát triển khá toàn diện trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhất là giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao, mang lại niềm tin lớn cho gần 100 triệu dân.
Đối với giải pháp, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học - công nghệ là động lực đột phá.
Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, “chúng ta phải quyết tâm, không chấp nhận để kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp vì chúng ta thiếu môi trường hỗ trợ cho sản phẩm sáng tạo”. Đề nghị Tổ tư vấn tham mưu thêm về nội dung này, Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến cho rằng phải tạo chuyển biến, tháo gỡ trực tiếp, có hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền tốt hơn, khắc phục tư tưởng cuối nhiệm kỳ.
Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tổ tư vấn đã chủ động phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đề tài mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Cho biết sẽ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.
Tổ tư vấn cần huy động thêm các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn Tổ tư vấn theo dõi chủ trương, quan điểm chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thống chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp, Thủ tướng luôn sẵn sàng lắng nghe.