Hà Nội phấn đấu trở thành “Thành phố học tập”

Tin tức - Ngày đăng : 14:00, 25/12/2018

“Để Hà Nội trở thành “Thành phố học tập” thì phương thức học tập cho người lớn phải hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Các phương thức tổ chức học tập cũng phải thật mở, đến từng người dân” - GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.
Ngày 18/12, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Tổng kết công tác khuyến học năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh báo cáo, thực hiện Quyết định 281, trong 3 năm qua, hội khuyến học các cấp của TP đã phát triển thêm được 3.17.930 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn TP là 1.142.470, đạt 14,6% so với tổng dân số của Thủ đô. 
Các cấp hội khuyến học đã vận động các đơn vị, DN, nhà hảo tâm ủng hộ và đóng góp của nhân dân toàn TP hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ khuyến học các cấp của TP. Năm 2018, tổng số quỹ khuyến học tính từ gia đình, dòng học, thôn/tổ dân phố, cơ quan, đơn vị là 191,321.5 tỷ đồng. Đã có 88,8 tỷ đồng được trao cho 299.683 lượt học sinh và người lớn. “Những phần quà bằng tiền và hiện vật tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực, kịp thời động viên, khích lệ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, các em học sinh có thành tích xuất sắc trong những kỳ thi quốc gia, quốc tế, người lao động có sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất và công tác” – bà Ngọc Minh nhấn mạnh.

Kết quả đánh giá, công nhận các mô hình học tập của TP cũng đều đạt và vượt chỉ tiêu TƯ Hội Khuyến học Việt Nam và TP giao. Đến nay, tỷ lệ dòng họ học tập đạt 46,66%, cộng đồng học tập 76,06%, đơn vị học tập 89,74%, trường học học tập 97,51%. Chất lượng các mô hình học tập ngày càng thực chất nâng cao, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội học tập của TP.
Trong năm 2019, TP Hà Nội phấn đấu 65% gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập, 50% dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập, 60% cộng đồng đạt danh hiệu Cộng đồng học tập và 50% đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị học tập. Năm 2020, mỗi mô hình học tập tăng 10% trở lên, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu các mô hình học tập Đề án Chính phủ đề ra và xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố học tập”. 

Tổng Thư ký TƯ Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong ghi nhận những thành tích Hội Khuyến học Hà Nội đạt được. Và, tin tưởng khi TP giải quyết được 4 mô hình học tập ở cấp xã/phường thì sẽ tạo cơ sở giáo dục cho người lớn và sang năm sẽ thực hiện được ở cấp quận/huyện. 

GS Tất Dong cũng lưu ý, để Hà Nội trở thành “Thành phố học tập” thì phương thức học tập cho người lớn phải hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Các phương thức tổ chức học tập phải thật mở, đến từng người dân, không bỏ sót một ai, không để ai vì một rào cản nào đó trong học tập. Và, mở ra những cách tiếp cận mới, căn bản nhất, đó là chia sẻ tri thức. Muốn được như vậy, các cấp hội cần phải thay đổi tư duy trong cách làm. Làm sao để mỗi người dân, cán bộ khuyến học phải tự học được ở di động và những nơi khác và mọi người phải chia sẻ được kiến thức cho nhau. 

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác khuyến học năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã trao tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Chủ`tịch UBND TP cho Hội Khuyến học Hà Nội. GS Phạm Tất Dong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã trao Bằng khen của TƯ Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học Hà Nội cho các tập thể và cá nhân.

Thủy Trúc/KTĐT