Khắc phục công trình thủy lợi xuống cấp
Tin tức - Ngày đăng : 10:11, 26/12/2018
Hạn chế về năng lực quản lý, khai thác nguồn vốn để duy tu, sửa chữa, nâng cấp… là những nguyên nhân khiến hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng ngày càng xuống cấp, bị xâm hại. Khắc phục tình trạng này bằng cách nào đang là vấn đề quan tâm của nhiều địa phương.
Nạo vét kênh mương nội đồng tại huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt |
Hiện nay, hệ thống thủy lợi nhỏ, nội đồng của cả nước có 5.013 hồ chứa, 14.657 đập dâng, 5.114 trạm bơm, 141.149km kênh mương cấp 3… Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, để quản lý, khai thác các công trình này, các tỉnh, thành phố đã giao cho 21.304 tổ chức thủy lợi cơ sở, trong đó có 8.033 đơn vị hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hợp tác xã thủy nông, 6.820 đơn vị hoạt động theo mô hình tổ hợp tác dùng nước, 5.951 đơn vị do UBND các xã thành lập và 500 ban quản lý thủy nông... Tại Hà Nội, trước đây cũng giao công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng cho các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, vận hành...
Mặc dù có nhiều đơn vị tham gia quản lý nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Phần lớn các tổ chức thủy lợi cơ sở không huy động được nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, chưa ngăn chặn tình trạng xâm hại công trình thủy lợi... Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là năng lực của các tổ chức thủy lợi cơ sở còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên môn; kinh phí duy trì hoạt động, tái đầu tư phụ thuộc nguồn thu thủy lợi nội đồng nhưng tỷ lệ thu thấp... Bên cạnh đó, các tổ chức thủy lợi cơ sở chưa chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ công trình thủy lợi, còn nể nang trong xử lý vi phạm…
Để khắc phục những hạn chế trên, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… đã thực hiện mô hình giao công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách từ các tổ chức thủy lợi cơ sở về công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Thực hiện mô hình này, các tỉnh, thành phố đã chấm dứt tình trạng tranh chấp diện tích tưới, tiêu; nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp thủy lợi; sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ thủy lợi nội đồng... Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, điểm bất cập lớn nhất của mô hình này là chưa huy động được vai trò của người dân trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi, dẫn đến khả năng làm gia tăng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước…
Cùng quan điểm, ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích thuộc UBND TP Hà Nội thông tin thêm: Sau khi nhận bàn giao từ các tổ chức thủy lợi cơ sở, số lượng công trình hiện nay do công ty quản lý đã tăng gấp 6 lần, vượt quá số lao động hiện có. Thực tế này đã khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn khi nạo vét kênh mương, dẫn nước lên mặt ruộng kịp thời...
Để tìm mô hình quản lý hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã thực hiện 456 mô hình thí điểm quản lý tưới có sự tham gia của người dân tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Nghệ An… Với mô hình này, người dân được trực tiếp tham gia lập kế hoạch phân phối nước, bảo dưỡng công trình… Không những thế, người dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và có trách nhiệm đóng góp kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình thủy lợi… Do vậy, công tác vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi được cải thiện, hạn chế tình trạng tranh chấp, đục phá kênh mương, lấy nước bừa bãi. Ban Quản lý và người dùng nước được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý tưới, giảm chi phí và công lao động…
Từ thực tiễn trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ cấu tổ chức, năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định của Luật Thủy lợi. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng...