GS. Trần Quốc Vượng với lời tiên tri về Hoàng Thành Thăng Long

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 10:16, 03/09/2022

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiệm kỳ V (từ ngày 26-27/5/2005), tôi đã chú ý ghi lại hình ảnh Đoàn Chủ tịch có GS Trần Quốc Vượng ngồi cận kề với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh và GS.TS Nguyễn Xuân Kính.

Ngồi ở ghế Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo Đại hội là rất mệt, đầu óc tập trung khá căng thẳng, lại thêm cái căn bệnh quái ác đang tiềm ẩn làm ông càng mệt. Sắc diện giáo sư họ Trần không còn hồng hào như trước. Đôi lúc ông đưa tay bóp trán ngẫm ngợi và cảm thấy buồn vì “long thể” đang ngày càng “khó ở”!

Dù không được thông báo chính thức nhưng toàn thể hội viên dự Đại hội đều biết tin chẳng lành đối với GS Vượng và cũng linh cảm rằng: Ông không còn “ở” hết nhiệm kỳ V này. Nhưng Ban chấp hành cũ cùng toàn thể hội viên vẫn tiến cử ông tham gia Ban chấp hành khóa mới với số phiếu tín nhiệm khá cao.

GS. Trần Quốc Vượng với lời tiên tri về Hoàng Thành Thăng Long - 1

Tấm ảnh cuối cùng của GS. Trần Quốc Vượng với NSNA Hoàng Kim Đáng. Ảnh PGS.TS Trương Sĩ Hùng

Khi Đại hội kết thúc, tình cờ TS. Trương Sĩ Hùng chụp được hình ảnh tôi cùng GS Vượng đang trò chuyện và xem ảnh. Chụp xong, anh gọi tôi ra ngoài và nói nhỏ:

- Đây sẽ là tấm ảnh cuối cùng giữa anh với giáo sư Vượng, quý lắm đấy!

Tôi cảm ơn và nói rằng:

- Theo tôi, quỹ thời gian của GS Vượng vẫn còn tính được bằng năm, bằng tháng.

Tôi biết GS. Trần Quốc Vượng từ năm 1974, khi về công tác tại báo Văn nghệ và sau này là báo Người Hà Nội. Ông là cộng tác viên “ruột” của nhiều tờ báo. Nhất là thời điểm làm báo Tết. Việc “đặt hàng” bài viết ở ông cũng khó và kỳ công như khi mời các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân cộng tác…

Tôi thực sự tiếp cận với ông là từ Hội thảo khoa học “Hội An đô thị cổ” năm 1985. Ông là người trong Ban chỉ đạo, trực tiếp mời tôi - nhà nhiếp ảnh duy nhất được đọc tham luận tại cuộc hội thảo này. Và ông cũng là một trong số ít các văn nghệ sĩ đọc tham luận tại Hội thảo “Nhiếp ảnh Hà Nội với việc phát huy truyền thống văn hóa và thanh lịch ở thủ đô” cùng với các nhà văn: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Trần Lê Văn, các nhà nghiên cứu văn hóa, các kiến trúc sư tiêu biểu như Nguyễn Khắc Viện, Tạ Mỹ Duật, Hoàng Đạo Kính… góp tiếng nói ủng hộ giới nhiếp ảnh thủ đô vững bước “tiến quân” vào công cuộc cách tân nếp sống, tìm ra nét đẹp và chưa đẹp của người Hà Nội.

Cuộc phỏng vấn “đột kích” GS Vượng về Hoàng Thành Thăng Long và đền Cẩu Nhi…

Nói với TS. Trương Sĩ Hùng như vậy nhưng trong thâm tâm tôi như có điều gì mách bảo: “Một bộ óc bách khoa thư” một “ông trạng” sắp ra đi… Nếu không kịp hỏi những điều cần thiết sẽ là đáng tiếc. Đó là nguyên cớ tôi có cuộc phỏng vấn “đột kích” GS Vượng về Hoàng Thành Thăng Long và đền Cẩu Nhi tọa lạc trên hồ Trúc Bạch. Đó là thời điểm sau đại hội, sức khỏe của “ông” càng sa sút nhưng khi “vào cuộc” là quên hết bệnh tật.

GS. Trần Quốc Vượng với lời tiên tri về Hoàng Thành Thăng Long - 2

GS. Trần Quốc Vượng tại Trường Sư phạm 10 + 3 tỉnh Ninh Bình 1999. Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Trước hết ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực, một nhà báo có tâm, không phải là nhà sử học, không phải là chuyên gia khảo cổ học nên tôi mới có thể vui vẻ đáp ứng những điều ông cần biết. Tôi cho rằng những thông tin về Hoàng Thành Thăng Long được viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và các pho sách cổ khác hiện có ở nước ta (kể cả ở nước ngoài nữa) mới chỉ nói được một phần rất nhỏ sự thật. Điều chắc chắn dưới lòng đất, kinh đô Thăng Long của ông cha ta “đàng hoàng to đẹp” và vĩ đại hơn nhiều.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Nhà nước ta quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trường Chinh là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng. Ông có dự cảm là nơi xây dựng lăng kề cận với Hoàng Thành thời Lý-Trần-Lê nên yêu cầu tìm gặp những cán bộ khảo cổ có sự am hiểu về khu vực có thể có di tích này. Tôi cùng ông Đỗ Văn Ninh và một cán bộ kỹ thuật (đo vẽ khảo cổ) được giao nhiệm vụ theo dõi công việc đào móng xây dựng công trình Lăng Bác.

Quả nhiên, dự cảm của ông Trường Chinh là đúng. Chúng tôi đã thấy được Cửa Tây - Dương Mã thành (triều Nguyễn) có nhiều di vật như gạch, ngói lưu lý xanh, vàng, đồ gốm sứ Lý- Trần-Lê-Nguyễn… và những đống xương người, thú (như trâu, bò, lợn, gà…), có cả xương bả vai con trâu có một chiếc đinh ba cắm xuyên qua (đó là trâu lễ hiến tế), thấy một vài cái giếng xây bằng gạch “Giang Tây quân” (chữ in trên gạch còn rõ niên đại thuộc nhà Đường - thế kỷ VII-IV - có cả gạch in chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy - Thái Bình tứ niên tạo” (tức là gạch này được làm năm Long Thụy Thái Bình thứ tư, đời vua thứ ba của nhà Lý - 1057)… Nhưng phải chờ đến năm 2002-2003, khai quật hàng chục nghìn mét vuông (lớn nhất từ trước đến nay) ta mới có thể kết luận:

1. Chưa từng có một công trình khảo cổ nào ở nước ta (và cả khu vực) mang một tầm cỡ lớn như vậy; không chỉ lớn về quy mô mà cả tầm quan trọng nữa. Nói như ngôn ngữ khảo cổ học là nhìn thấy được, sờ thấy được, sở hữu được một di sản văn hiến ngàn năm và trên cả ngàn năm của một Thủ đô - Kinh thành - Đất nước.

2. Mấy triệu hiện vật lịch sử tìm thấy trên một diện tích (14.000m2 đến 16.000m2) ở phía Tây Hoàng Thành Lý - Trần - Lê - Nguyễn… so với quy mô Hoàng Thành - Kinh thành Thăng Long, Hà Nội là còn quá nhỏ.

3. Cái quý nhất, quan trọng nhất, phát hiện có ý nghĩa nhất: cuộc khai quật này là các phế tích kiến trúc (cùng với các di vật, hiện vật có liên quan đến các kiến trúc) của các thời: từ Bắc thuộc (Tùy - Đường, thế kỷ thứ VII đến thế kỷ IX), từ Lý - Trần - Lê đến Nguyễn qua các lớp lang trên cùng một vùng đất, cùng với quần thể di tích cách mạng đương đại như “Tổng hành dinh”, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình… Hòa quyện thành một bề dày lịch sử độc nhất vô nhị ở nước ta, ở khu vực và cả trên thế giới nữa.

Thật là phúc lớn: Hoàng Thành Thăng Long phát lộ trước khi có quyết định xây dựng Hội trường Ba Đình (mới), Nhà Quốc hội… trùm lên trên cả di sản của ông cha ta.

…Đến lời tiên tri về Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và đền Cẩu Nhi

“Mình nói có thể còn hơi sớm nhưng trước sau thì sự kiện phát lộ Hoàng Thành Thăng Long cũng sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới, được nhân loại biết đến. Nếu ông muốn biết kỹ và khách quan hơn thì nên gặp GS Lê (Phan Huy Lê), gặp các cộng sự thân tín của mình như: Tống Trung Tín, Nguyễn Hồng Kiên, Dương Trung Quốc…”, GS Trần Quốc Vượng tiên báo.

Tôi ít tuổi hơn nhưng giáo sư Vượng vẫn gọi là “ông”. Còn tôi, tôi vẫn gọi ông bằng “anh” - bởi sức trẻ, sự uyên thâm trên nhiều lĩnh vực. Ông viết nhanh, viết khỏe và viết hay. Ông nói cũng cực hay và cái miệng “phán” thật có duyên, nói như trạng nên tôi suy tôn ông là “Trạng Vượng”.

- Thưa quan trạng họ Trần, điều thứ hai tôi muốn hỏi về sự tích đền Cẩu Nhi có liên quan đến Lý Thái Tổ, đến việc dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) cũng diễn ra vào năm Tuất?

- Khoan hãy trả lời điều ông muốn hỏi. Vượng tôi “xin phép” được hơi “lạc đề” một chút. Một vở chèo khi trình diễn cũng thường có màn giáo đầu “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Vây thì tôi cũng phải xưng danh chứ. Vượng tôi họ Trần, hậu duệ dòng dõi nhà Trần (Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) chính hiệu đấy! “Nhà cháu” không thèm nhận vơ đâu! Nhưng nhà cháu lại có chút liên quan đến triều lý: Vượng tôi sinh ra vào giờ con chó (Tuất), ngày mồng 6 tháng 1 (11) năm Giáp Tuất (cũng là năm con chó). Vậy là Vượng tôi cũng hơi “để ý” đến Lý Thái Tổ và những sự kiện năm Tuất.

GS Vượng cười và tiếp:

- Đụng đến sử là phải có sự kiện, niên đại. Tôi đang hào hứng và sẵn sàng trả lời ông bạn vàng nhà báo họ Hoàng đây!.

Khi Thủ đô Hà Nội tổ chức kỷ niệm trọng thể và thành công 990 năm Thăng Long- Hà Nội vào năm Canh Thìn (năm Rồng 2000), nhân dân thủ đô rất phấn khích bày tỏ nguyện vọng phục dựng tiếp những công trình lịch sử: sự tích Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi là một ví dụ. Sự kiện đền Cẩu Nhi đã được các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, những nhà nghiên cứu tiêu biểu như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phạm Khánh, Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc; các nhà nghiên cứu lão thành như Nguyễn Vinh Phúc, Trần Lâm Biền, Kiều Thu Hoạch, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính… đã tìm thấy trong các pho sách cổ như “Thiền uyển tập anh”; “Đại Việt sử lược”; “Việt sử tiên án”, rồi “Đại Việt sử ký toàn thư”… đều có ghi chép sự kiện Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) ra đời năm Giáp Tuất (974) gắn với huyền tích: “Có con chó đẻ con sắc trắng, trên lưng có đốm đen, thành ra hai chữ “Thiên tử” và Lý Thái Tổ quyết định dời đô cũng vào năm Tuất (Canh Tuất -1010).

- Dù huyền tích hay huyền sử thì cũng là một hình tượng đẹp, mang đậm nét văn hóa dân gian thuần Việt, rất đáng trân trọng! Có phải không giáo sư?

- Ôkê! Tôi hàn toàn tán thành với ông. Tôi cũng ôkê với ông anh tôi - GS Phan Huy Lê rằng: “Trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp “sương mù” huyền thoại, huyền tích, dã sử bao phủ - mà “cái lõi” của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật!”.

- Tháng 12/2002, cụ Nguyễn Văn Tiến cùng với trên 40 người dân đại diện cho nhân dân khu vực hồ Tây, hồ Trúc Bạch đã làm đơn đề nghị UBND phường Trúc Bạch, lên quận Ba Đình, lên thành phố, xin phép đứng ra tôn tạo đền Cẩu Nhi. Kinh phí thì do dân tự nguyện đóng góp. Ý nguyện của dân sở tại muốn thể hiện lòng thành kính của mình đối với vị vua anh minh, nhiều công lao với đất nước như Lý Thái Tổ. Việc đó đã được các cấp chính quyền phê duyệt, đã tổ chức mấy cuộc hội thảo khoa học và hàng trăm bài báo mà đến thời điểm này vẫn yên vị. Vẫn chỉ là gò nổi, cây cối um tùm. Bên trong có tấm bia mới dựng sau khi có lệnh phá nhà hàng ăn uống dịch vụ. Ấy là thời điểm thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy tôi không am hiểu về thuật phong thủy và cũng không đề cập đến từ góc độ tâm linh nhưng bằng góc nhìn đơn thuần nhiếp ảnh khi đứng trên tầng thượng của khách sạn Sofitel mà nhìn xuống: gò nổi ấy mà xây đền Cẩu Nhi sẽ là một “chấm phá” cực kỳ đẹp cho toàn cảnh hồ Tây và hồ Trúc Bạch của Thăng Long -Hà Nội. Tôi cũng đã đọc khá kỹ tập kỷ yếu Hội thảo khoa học về di tích Cẩu Nhi và trong tay có hàng tệp công văn từ phường lên quận, từ quận lên thành phố rồi những ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu khoa học - lịch sử, của các cơ quan quản lý nghiệp vụ như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Bảo tồn di sản Văn hóa Thăng Long, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với sự đồng thuận khá cao, vậy mà sự việc vẫn đóng băng. Tôi muốn góp một tiếng nói khách quan, ủng hộ tích cực bằng một bài viết dài, mang tựa đề “Đền Cẩu Nhi cần sớm được phục hồi, tôn tạo?”.

- Ôkê. Sẽ là tiếng nói khách quan bởi ông là nghệ sĩ, nhà báo, không phải là người nghiên cứu khoa học lịch sử. Tôi rất hoan nghênh. Nhưng có lẽ ông cũng sẽ vấp phải sự phản ứng của một vài cá nhân “mệnh danh là nhà khoa học lớn đem lời dạy bảo đấy! Thôi nhé, thời gian không nhiều, cho mình nói lời cuối cùng như sau: Lý Thái Tổ là vị vua anh minh, vĩ đại - người khai sáng ra kinh thành Thăng Long. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam mãi mãi phải ghi nhớ công ơn to lớn đó. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010. Lúc đó chắc chắn Vượng tôi không còn nữa (giáo sư thoáng buồn). Ông cần phải làm một công trình gì đó về sự kiện trọng đại ấy! Thủ đô Hà Nội phải dựng xong tượng đài của Người ở vị trí xứng đáng nhất. Từ góc nhìn dân gian học: Đền Cẩu Nhi trước sau thì cũng sẽ được phục hồi tôn tạo. Nhìn từ góc độ tâm linh mà “phán” thì Lý Thái Tổ sinh năm Tuất. Dời đô năm Tuất. Nếu được khởi công vào đúng ngày giờ linh thiêng nhất thì quốc gia Đại Việt sẽ được chấn hưng muôn đời. Ngày giờ khởi công sẽ là giờ Tuất, ngày Tuất, tháng Tuất và hoàn thành trong năm Tuất.

Đến năm 2009, Nhà xuất bản Hà Nội có nhã ý mời tôi cộng tác làm một cuốn sách ảnh lớn mang tên “Thăng Long-Hà Nội qua hình ảnh”. Công trình đã có vinh dự được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu.

Khi cuốn sách hoàn thiện đến những trang cuối cùng thì một tin vui tràn đến: Ngày 1/8/2010, sau 5 năm GS Vượng ra đi, Hoàng Thành Thăng Long, được UNESCO chính thức công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”. Đúng như dự đoán của GS Trần Quốc Vượng. Tin vui đó quả là một sự linh ứng, một kết thúc hết sức tốt đẹp. Sự kiện trọng đại đó được đưa vào phần kết của cuốn sách Thăng Long - Hà Nội đúng là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, hội đủ ba yếu tố: “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.

GS. Trần Quốc Vượng với lời tiên tri về Hoàng Thành Thăng Long - 3

GS. Trần Quốc Vượng (người thứ 2 bên phải), GS. TSKH Tô Ngọc Thanh (thứ 4 bên phải) đến dự khai mạc chúc mừng Triển lãm ảnh "Đất nước qua ống kính nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng" năm 2000. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phan.

Khoảng một năm sau ngày giáo sư Vượng mất, bài báo của tôi được in trang trọng trên báo Người Hà Nội và được đông đảo dư luận đồng tình nhưng cũng chỉ một tuần sau là có sự phản bác, đúng như giáo sư Vượng nhận định.

Thành phố Phủ Lý-Hà Nam và Thủ đô Hà Nội đã có đường phố mang tên Trần Quốc Vượng

Sự kiện Thủ đô Hà Nội có đường phố mang tên Trần Quốc Vượng cũng tạo nên một sự bất ngờ thú vị. Không phải thời nào chính quyền thành phố cũng bằng lòng với Trần Quốc Vượng bởi sự thẳng thắn, tính bộc trực của Giáo sư. Thời ông Lê Ất Hợi làm Chủ tịch thành phố, GS Vượng có gửi thư ngỏ rung chuông báo động về tình trạng vi phạm di tích lịch sử , đền đài miếu mạo bị xuống cấp nghiêm trọng...

Nhưng nhìn đại thể, cán bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội cùng đồng bào cả nước, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên đến các GS, TS là học trò của ông đều ngưỡng mộ, kính trọng, yêu mến và đánh giá đúng công tích của vị GS họ Trần.

Ngày 28/10/2016, UBND quận Cầu Giấy đã long trọng tổ chức lễ gắn biển “Phố Trần Quốc Vượng”.

GS Trần Quốc Vượng (1934-2005) sinh tại Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, ông đã rất thông minh và hiếu học. Ông thuộc mô - típ bác học quảng văn. Công lao của ông được ghi nhận, đánh giá trên nhiều lĩnh vực, như khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, nghệ thuật học, văn hóa học…nhưng chiếm vị trí chủ đạo nhất và thể hiện toàn bộ con người ông là ở lĩnh vực địa - văn hóa. Ông được phong hàm GS năm 1980, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997). Năm 2012, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về khoa học công nghệ Việt Nam.

arttime