TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tin tức - Ngày đăng : 08:06, 07/01/2019
Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và năm 2025 là 65%. Đây là mục tiêu khá cao trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.
TP Hồ Chí Minh đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. |
Quy mô còn nhỏ
Chị Nguyễn Thu (ngụ tại phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) - khách hàng thường xuyên mua đồ thời trang cho biết - người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích hàng rẻ, hàng nội địa có lẽ do phải phụ thuộc vào nguyên vật liệu ngoại nhập nên giá thành đắt hơn. Trong khi đó, tiểu thương Hà Thị Sáu, bán đồ phụ kiện, nguyên phụ liệu may mặc tại chợ Đại Quang Minh (quận 5) cho hay: “Các sản phẩm phụ kiện thời trang mà chúng tôi bán ở đây chủ yếu là hàng nhập, sản phẩm trong nước ít mẫu mã, chưa được ưa chuộng”.
Năm nay, ngành công nghiệp dệt may TP Hồ Chí Minh tiếp tục gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp. Các công ty sản xuất thời trang phải nhập toàn bộ nguyên liệu vải, phụ kiện ở nước ngoài. Chị Lê Trang, giám đốc một công ty thời trang tại phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi phải nhập vải, cả phụ kiện như khuy áo nên giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với hàng thời trang của các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc”.
Để các ngành công nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh phát triển vững mạnh, cạnh tranh được với các nước trong khu vực thì rất cần sự liên kết với ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay gần 80% linh kiện, nguyên vật liệu dành cho sản xuất công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh phải nhập khẩu. Thành phố chỉ có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Con số này khá nhỏ so với quy mô hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn và khoa học công nghệ. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất tại thành phố phải nhập nguyên liệu, phụ kiện, linh kiện từ nước ngoài... Theo Sở Công Thương, năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của thành phố là 36,68 tỷ USD, tăng 11,3%. Các mặt hàng nhập khẩu tăng gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 23,32%; chất dẻo nguyên liệu tăng khoảng 9%; các loại vải tăng 5%; sắt thép tăng 8,38%.
Thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh vẫn có nhiều lĩnh vực đã phát huy được thế mạnh. Điển hình như ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi không chỉ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mà còn có thể xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ như: Máy móc, công cụ, phụ liệu. Năm 2018 vừa qua, Nhà máy Cơ khí Hồng Ký đã thâm nhập các thị trường Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Indonesia, Myanmar để bước đầu xuất khẩu máy móc chế biến gỗ; hay dầu màu của Công ty cổ phần Oseven cũng đã xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt doanh số 3,5 triệu USD, tăng 10% so với năm trước”.
Còn ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết: “Công ty Đại Dũng xuất phát điểm chỉ là xưởng cơ khí nhỏ, cung cấp thép tiền chế thông thường cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ nhiều mặt từ chính quyền thành phố, Sở Công Thương, hiện nay công ty trở thành đơn vị sản xuất kết cấu thép có thương hiệu quốc tế, xuất khẩu đi 40 quốc gia, doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỷ đồng”.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thành phố đã có kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Năm 2019, Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: Tổ chức ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, triển lãm công nghiệp hỗ trợ, tổ chức kết nối giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin nhu cầu thị trường; đồng thời triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cải tiến, tăng năng suất sản xuất công nghiệp...
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cam kết tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất với diện tích nhỏ, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất như: Tân Thuận, Hiệp Phước, Linh Trung có kế hoạch xây dựng phân khu công nghiệp hỗ trợ hoặc nhà xưởng cao tầng với giá thành hợp lý.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ được đầu tư lãi vay ưu đãi để phát triển nhà xưởng và đầu tư công nghệ mới với thời gian hỗ trợ là 7 năm, vốn vay tối đa cho một dự án là 200 tỷ đồng.