Mộ chum gỗ nắp trống đồng Bình Dương, táng thức mới lạ lần đầu phát hiện trên thế giới
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 06:59, 08/01/2019
Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh, Bình Dương có niên đại gần 2.000 năm về trước. Đây là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới.
Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, vừa qua, Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh, Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là một trong những bảo vật quốc gia (đợt 7, năm 2018).
Phục dựng táng thức ngôi mộ trống lúc mới phát hiện tại di tích khảo cổ Phú Chánh. Ảnh: baobinhduong.vn |
Theo đó, Mộ táng chum gỗ trống đồng được phát hiện vào cuối năm 1998, do ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ở ấp 6, xã Vĩnh Tân, trên một thửa ruộng thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay thuộc thị xã Tân Uyên), tỉnh Bình Dương ở độ sâu khoảng 1,8 - 2,5m cách mặt ruộng.
Ngay khi được phát hiện Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã đào thám sát tại vị trí phát hiện trống đồng theo hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Cường, thu được một chum gỗ còn nguyên vẹn và một số di vật khác nằm trong lòng chum theo hình thức vật tùy táng.
Chum gỗ huỳnh đàn (chất liệu sưa, trắc thối) cao khoảng 61cm, đường kính miệng 46-50cm, có nhiều đường vân gỗ tròn đồng tâm. Trống đồng cao khoảng 40cm, đường kính mặt trống 47,5cm, đường kính chân đế 44cm. Mặt trống đồng tâm có hình ngôi sao 10 cánh nhọn đầu, xen giữa các cánh sao trang trí họa tiết hình lông công đơn giản cách đều cùng với các hoạ tiết hình chữ V ngược lồng nhau. Chum gỗ và trống đồng kết hợp với nhau thành một bộ Mộ táng chum gỗ trống đồng.
Chum ban đầu được mang lên nguyên vẹn trong quá trình khai quật, nhưng do bị ngâm lâu ngày trong môi trường bùn lầy, nên sau một thời gian tiếp xúc với không khí, gỗ co lại khiến chum nứt ra thành nhiều khe hở. Trống bị gãy vỡ 1/2 phần chân và tang trống, gãy một cặp quai hình mui thuyền. Những phần gãy vỡ này vẫn còn tại hiện trường khai quật và được thu thập toàn bộ, sau đó trống được dán ghép lại bằng kỹ thuật đúc thạch cao cho phần lõi bên trong theo đúng định dạng của trống, rồi dán phần gãy vỡ vào trên bề mặt thạch cao theo đúng cấu tạo của trống.
Mộ chum gỗ được phát hiện tại di tích khảo cổ Phú Chánh. Ảnh: baobinhduong.vn |
Bà Đỗ Thị Tiên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, Chum gỗ - Trống đồng có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ I đầu Công nguyên (gần 2000 năm về trước), mộ chum gỗ - nắp trống đồng là hiện vật gốc còn nguyên vẹn phát hiện trong di tích khảo cổ học, duy nhất có ở Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện nay.
Đây là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Việc sử dụng “áo quan” bằng chum gỗ dùng trống đồng làm nắp đậy là tư liệu rất mới trong nghiên cứu hoạt động sống của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam Bộ, góp phần tạo nên những nhận thức mới về lối sống của cộng đồng cư dân từng sinh sống trong khu vực này cũng như ở Việt Nam và Đông Nam Á trong những giai đoạn phát triển của lịch sử.
Bình Dương đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng động vật Dốc Chùa và Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh.