Xử nghiêm việc bán thực phẩm chức năng trà trộn với dược phẩm

Tin tức - Ngày đăng : 15:59, 11/01/2019

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Xử nghiêm việc bán thực phẩm chức năng trà trộn với dược phẩm
Ảnh VGP/Nhật Bắc

Năm 2018, Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm gần 89 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017, tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ đồng). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 68.746 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn nông nghiệp nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4.909 cơ sở vi phạm và xử phạt 38,44 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-11-2018, toàn quốc ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong (giảm 44 số vụ, 560 nạn nhân, 783 người nhập viện và 8 người tử vong so với năm 2017).

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục kiên trì kiểm soát, đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm tươi sống. Đối với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cho phép các nhà thuốc, siêu thị được bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhưng sản phẩm chức năng phải sử dụng đúng tên, không lẫn với thuốc và nếu phát hiện sai phạm cần có hình thức nghiêm trị.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành tăng cường các biện pháp răn đe, xử lý, đưa ra xét xử nghiêm đối với những sai phạm đã rõ ràng. Ví dụ như nhiều trang thông tin điện tử đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm chức năng không rõ ràng, làm người dân dễ nhầm lẫn là thuốc thì cần phải xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị đóng cửa để cảnh tỉnh mọi người.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trong đó tập trung các vấn đề: Sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm…

TTXVN