Phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo đảm an ninh, trật tự
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 17:21, 13/01/2019
Ngày 3-1-2019, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố. Theo đó, công dân đến trụ sở phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ và không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân...
Trao đổi với phóng viên, nhiều ý kiến khẳng định quy định này phù hợp với pháp luật hiện hành, nhằm tạo ra môi trường làm việc văn minh, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự.
Một buổi tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Hồng Thái |
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Không vi phạm quy định pháp luật
Tôi đã đọc quy định về Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố vừa được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 3-1-2019. Quy định của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Bởi Hà Nội không cấm, mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân lợi dụng việc quay phim để đưa lên mạng không trung thực, với mục đích không tốt, làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân.
Cán bộ tiếp công dân thường là những người có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, vững về chuyên môn nên không ngại việc tiếp dân được ghi âm, ghi hình. Việc ghi âm, chụp ảnh, quay phim giúp người dân có căn cứ cho quá trình giải quyết vấn đề của mình, nhưng cần thực hiện đúng nội quy, quy định, giữ gìn trật tự, không gây lộn xộn, ảnh hưởng đến việc tiếp công dân.
Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh:
Quy định đúng thẩm quyền
Việc UBND TP Hà Nội ban hành quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình nơi tiếp công dân khi chưa xin phép cán bộ tiếp dân” theo tôi là đúng quy định của pháp luật và đúng thẩm quyền. Theo Điều 12, Khoản 6 của Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25-11-2013, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh. Quy định này thực chất là thực hiện Quyết định số 2276/QĐ-TTCP ngày 11-8-2015 của Thanh tra Chính phủ về Ban hành nội quy trụ sở tiếp công dân trung ương và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Khoản 7, Mục II của Quyết định 2276/QĐ-TTCP đã quy định rõ: Công dân không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Từ thực tiễn hiện nay của Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có trách nhiệm, thấy cần thiết phải ban hành quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình nơi tiếp công dân để bảo đảm kỷ cương và bảo đảm hơn quyền cho người tố cáo, khiếu nại.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, thường xuyên phải tiếp công dân, không ít lần gặp tình huống ghi âm, chụp ảnh đã gây mất tập trung cho tôi khi thực thi nhiệm vụ. Ở nhiều nước, các đại biểu Quốc hội khi đến cơ quan công quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác khi đã có quy định không được quay phim, chụp ảnh thì phải nghiêm túc chấp hành.
Việc niêm yết công khai những thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Ảnh: Nhật Nam |
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Mỗi công dân cần tuân thủ đúng nội quy
Quy định "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" vừa được UBND thành phố ban hành là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì thực tế tại các cuộc họp, có nhiều người cố tình dùng máy ghi âm, ghi hình giơ trước mặt người tiếp công dân với biểu hiện chưa lịch sự. Việc quy định cần phải có sự đồng ý của người tiếp công dân trước khi quay phim, chụp ảnh là một biện pháp chống lại các hành vi thiếu tính xây dựng. Người dân cần hiểu đúng đây là tuân thủ đúng nội quy, không phải là cấm quay phim, chụp ảnh.
Ông Vũ Hoàng Tâm, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng ban Tiếp công dân quận Hà Đông:
Việc ban hành nội quy là cần thiết
Tôi đồng tình với các nội dung trong Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 3-1-2019 của UBND TP Hà Nội. Trong đó, nội dung được nhiều người quan tâm nhất là "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Quy định này nhằm mục đích tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho công dân và người tiếp công dân, để cùng nhau hoàn thành việc tiếp công dân với không khí nghiêm túc, văn minh, lịch sự, hiệu quả. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân quay phim để đưa lên mạng xã hội với mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân. Trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền thì phải có nội quy theo quy định và khi công dân đến làm việc phải thực hiện nghiêm túc.
Ông Lê Thái Bình, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì:
Không nên có hành động phản cảm, ảnh hưởng tới việc tiếp công dân
Tôi đã từng đến một số địa điểm tiếp công dân trên địa bàn thành phố, và chứng kiến công dân sử dụng điện thoại để ghi hình cán bộ tiếp dân. Chưa biết việc ghi hình để sử dụng vào mục đích gì nhưng tôi thấy hành động đó không đẹp, thiếu tôn trọng cán bộ tiếp dân. Việc giơ máy quay vào mặt người đối diện gây phản cảm và ảnh hưởng đến việc tiếp công dân. Theo tôi, việc UBND thành phố ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, yêu cầu các công dân thực hiện 10 điều khi đến trụ sở tiếp dân, trong đó có nội dung "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được phép của cán bộ tiếp công dân" là hoàn toàn phù hợp. Bởi, nếu nơi tiếp công dân mà bất cứ ai cũng ra vào, quay phim, chụp ảnh, ghi âm thì khó chấp nhận, không bảo đảm sự tôn nghiêm của cơ quan nhà nước.