Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại
Tin tức - Ngày đăng : 11:57, 02/02/2019
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi xa đã để lại cho chúng ta một bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Người có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt. “Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”(1). Đó là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những giá trị văn hóa to lớn của dân tộc và nhân loại, mà cốt lõi là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Những lời căn dặn của Bác - kim chỉ nam dẫn đường
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm. Những lời căn dặn của Người đối với Đảng và nhân dân ta thể hiện trên những nội dung chính, bao gồm: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đoàn kết quốc tế...
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trước hết nói về Đảng”, vì Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải chú ý giữ gìn đoàn kết, thực hiện dân chủ, tự phê bình và phê bình, nêu cao đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(2); “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong 50 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng của Người. Đảng ta đã có những bước trưởng thành về xây dựng, phát triển đường lối cách mạng, giữ vững vai trò của một đảng cầm quyền. Trong công tác cán bộ, Đảng luôn chú ý bồi dưỡng lý luận chính trị, coi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng.
Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(4). Nói đến thế hệ cách mạng cho đời sau là nói đến đoàn viên và thanh niên - một lực lượng lớn, là cánh tay đắc lực của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải hiểu rõ về đoàn viên và thanh niên, “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Thực hiện nội dung này, Đảng luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đảng luôn tin tưởng, phát huy tiềm năng, trí tuệ của thế hệ trẻ, tạo mọi điều kiện để họ cống hiến và trưởng thành.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách xã hội hướng vào phục vụ lợi ích của con người Việt Nam, bảo đảm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất phục vụ con người, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là chủ thể sáng tạo mọi nguồn của cải vật chất. Hàng loạt cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... được triển khai đã làm thay đổi diện mạo của đất nước. Nhà nước đầu tư nhiều kinh phí để thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trong 50 năm qua, đặc biệt là sau 33 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện tốt lời căn dặn của Bác về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Đảng đã từng bước xây dựng được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng được nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm hết sức mình vì sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết giữa phong trào cộng sản của các nước. Chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã xây dựng được nền ngoại giao độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương, đa dạng hóa, với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Nội làm theo Di chúc của Bác: Biến mong ước thành hiện thực!
Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong thời gian dài, là nơi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945) khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là nơi Người viết bản Di chúc lịch sử để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Hà Nội tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn chăm lo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Với tình cảm kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã làm hết sức mình để biến những điều mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực, thực hiện xuất sắc Di chúc của Người. Cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội có nhiều đóng góp sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thủ đô đã trực tiếp chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ tại miền Bắc, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội có nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của Đảng, cơ cấu kinh tế Thủ đô có sự chuyển dịch lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố đã có nhiều khu công nghiệp lớn, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng; hoạt động thương mại du lịch, dịch vụ ngày càng có hiệu quả; sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn ngoại thành có bước chuyển biến lớn.
Thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng đất nước hơn mười ngày nay” và “Kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo của Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Từ năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ đô đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước… Diện mạo của Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, năm 2018, thành phố đã đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 7,61% với quy mô 906,5 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành và cách tính mới), cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/năm.Thành phố có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386 xã, chiếm 83,9%...
Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhìn lại những việc đã làm được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta thấy tự hào những việc đã làm được, cũng nghiêm khắc kiểm điểm những điều còn thiếu sót, tự hứa với mình phải không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác.
_______
(1) Trích: Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969.
(2) Trích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bản viết năm 1968.
(3) Trích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bản viết năm 1969.
(4) Trích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bản viết năm 1965.