Xuân về trên đất Lâm Hà
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:57, 04/02/2019
Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh trải dài trên những đồi cà phê đang kỳ nở hoa trắng muốt, khiến cho đất trời tràn ngập mùi hương tinh khiết, say đắm lòng người. Đó là dấu hiệu đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên nói chung và huyện Lâm Hà nói riêng khi vào xuân. Xuân Kỷ Hợi đang về trên khắp các nẻo đường của vùng quê Lâm Hà. Nhà nhà, người người đang hân hoan đón chào một mùa xuân mới, một năm mới đầy niềm tin và hy vọng. Với 31 dân tộc anh em đang sinh sống tại huyện Lâm Hà, mùa xuân này càng vui hơn,
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội dự kỷ niệm 40 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng
Từ một vùng kinh tế mới của Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng, sau 31 năm thành lập và phát triển (1987 - 2018), đến nay, huyện Lâm Hà đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: Tổng giá trị sản xuất năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10.529 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,4%; Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực và có chiều sâu; Hình thành được 3 vùng kinh tế trọng điểm là Nam Ban, Đinh Văn và Tân Hà; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, xây dựng được vùng chuyên canh nông nghiệp với 40.482 ha cà phê, 2.100 ha dâu, 272 ha chè, 240 ha rau hoa công nghệ cao. Trong đó, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao đạt khoảng 11.200 ha, chiếm 23,5% diện tích đất canh tác toàn huyện. Tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn Phúc Thọ, Nam Ban, Nam Hà, Mê Linh, Gia Lâm. Vài năm trở lại đây, các mô hình rau, hoa công nghệ cao đã và đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với các loại cây trồng khác, doanh thu đạt từ 500 - 800 triệu đồng/ha. Hiện tại, Lâm Hà đang có 9.700 ha cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, 78 ha cà phê sử dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt; 2.500 ha dâu giống mới được áp dụng tưới tiết kiệm và nuôi tằm theo công nghệ mới. Nhiều mô hình cây ăn trái bảo đảm an toàn sản phẩm được nhân rộng, với tổng diện tích lên đến gần 1.000 ha. Toàn huyện có 140 trang trại chăn nuôi, trong đó phát triển mạnh đàn bò sữa, nhất là bò thịt lai cao sản gần 6.000 con.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được quan tâm đầu tư phát triển. Thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chương trình 135, 30a, 134, 167... đã từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, kéo gần khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa vùng người kinh và vùng đồng bào dân tộc. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 8,15%.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Toàn huyện có 40/82 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 12/14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; và thị trấn Đinh Văn đạt chuẩn văn minh đô thị; quốc phòng an ninh được giữ vững và ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân của ngày càng nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 59,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,11%. Hạ tầng thiết chế văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Bảo tồn, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc của 30 dân tộc anh em. Cùng với sự giao thoa giữa văn hóa người Hà Nội (chiếm trên 60% dân số) với văn hóa của người dân tộc gốc Tây Nguyên bản địa và văn hóa các vùng miền khác, đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc cho huyện Lâm Hà. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên khối đại đoàn kết vững chắc.
Cùng với các thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển. Năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ không ngừng nâng lên; công tác cải cách hành chính được triển khai và có nhiều tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, sát dân, sát cơ sở hơn, đóng góp tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Nói về nguyên nhân đạt được những thành tựu kể trên, ông Nguyễn Đức Tài, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: Kết quả đó là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh Lâm Đồng; cùng với sự giúp đỡ, động viên có hiệu quả về tinh thần, vật chất của Thành phố Hà Nội, các quận huyện của Thành phố Hà Nội và trên hết là sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nhận định, đánh giá sát, đúng tình hình; luôn đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, năng động sáng tạo; không ngừng củng cố mối đoàn kết nội bộ, biết tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Mục tiêu trong năm 2019 của huyện là tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% và đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2020. Phấn đấu đưa huyện Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững.
Vùng chuyên canh cà phê theo hướng UTZ của Lâm Hà
Năm 2019, với việc xác định chủ đề “Chấn chỉnh kỷ cương, phát huy trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp”, cho thấy, Lâm Hà rất chú trọng đến việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp để làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Hà có 53 dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, với tổng mức đầu tư là 2.760,21 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất là 1.280,3 ha. Kế hoạch năm 2019, dự kiến đến năm 2020, Lâm Hà tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư thêm 29 dự án, trong đó có 7 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, 1 dự án về môi trường; 2 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong năm 2019, huyện Lâm Hà ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện các dự án trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các xã, thị trấn Đinh Văn, Nam Ban, Mê Linh, Tân Văn, Gia Lâm; Dự án nhà máy sản xuất, chế biến rau, củ, quả cấp đông; Dự án xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Tân Hà, thị trấn Nam Ban và Dự án nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, thị trấn.
Năm cũ khép lại với nhiều thắng lợi. Lâm Hà đang bước vào năm mới Kỷ Hợi với tâm thế vững vàng và niềm tin, hy vọng về một năm đột phá trên mọi lĩnh vực. Đời sống của các dân tộc anh em Lâm Hà được ấm no, hạnh phúc. Đó như bản tình ca mùa xuân mà những người con của Hà Nội trên đất Lâm Đồng gửi về quê hương của mình.