Yêu thương con người là cội nguồn, là nền tảng để phát triển văn hóa
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:34, 09/02/2019
Văn hóa Hà Nội mang tính đại diện và tính nêu gương. Cho nên, Hà Nội dứt khoát phải đẹp về văn hóa và người Hà Nội dứt khoát phải thanh lịch, văn minh. Tình thương yêu con người là cội nguồn, là nền tảng để phát triển văn hóa. Đó là chia sẻ của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khi trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội nhân dịp đầu xuân năm mới về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ hội nhập.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và nhiếp ảnh gia Nick Ut (Huỳnh Công Út) -
tác giả bức ảnh "Vietnam Napalm Girl"
PV: Hà Nội đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nếp sống văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy nét đẹp truyền thống của Thăng Long - Hà Nội là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hà Nội là nơi hội tụ những giá trị tinh hoa cao quý nhất của dân tộc. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long đã tích hợp với văn hóa xứ Đoài trở thành một vùng văn hóa rất sống động. Nét đẹp của văn hóa Hà Nội chính là sự thanh lịch, hào hoa. Văn hóa Hà Nội mang tính đại diện và tính nêu gương. Cho nên Hà Nội dứt khoát phải đẹp về văn hóa và người Hà Nội dứt khoát phải thanh lịch, văn minh. Việc xây dựng các giá trị văn hóa đó không phải một sớm một chiều, mà là một sự nghiệp, phải bền bỉ, phải sáng tạo. Chúng ta gìn giữ các giá trị truyền thống cao quý bằng sự năng động sáng tạo chứ không phải bằng cách thức cũ kĩ, trì trệ. Và văn hóa là phải có sức sống. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khó có thể loại trừ tính thương mại trong hoạt động văn hóa. Nhưng không có tính thẩm mỹ và tính nhân văn thì không có văn hóa. Một xã hội đẹp về văn hóa phải là xã hội yêu thương con người, phải quan tâm đến những con người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những con người yếu thế. Tình thương yêu con người chính là cội nguồn, là nền tảng để phát triển văn hóa.
PV:Ông đánh giá như thế nào về những gì chính quyền và nhân dân Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua, để hướng tới xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Gần đây, để hướng tới xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh, Hà Nội đã có rất nhiều biện pháp, đặc biệt là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Tôi đánh giá rất cao việc Hà Nội thực hiện 2 bộ quy tắc: Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cùng với đó, việc xây dựng nếp sống văn hóa ở các khu dân cư cũng rất được chú trọng. Những việc làm này nếu được thực hiện một cách bền bỉ và thực chất thì gương mặt văn hóa của Hà Nội sẽ ngày càng đẹp hơn.
Văn hóa ứng xử những năm gần đây của người Hà Nội có những bước tiến bộ nhất định. Tôi đánh giá rất là cao hành động của rất nhiều khán giả Việt Nam sau trận chung kết bóng đá Việt Nam – Malaysia, khi kết thúc trận đấu, họ không về ngay mà ở lại nhặt rác trên khán đài. Đó là một hành động đẹp cần khuyến khích, nhân rộng. Đấy chính là văn hóa. Hoặc là trước đây, các bức tường Hà Nội nhằng nhịt những “khoan bê tông, hút bể phốt…” nhưng nhờ các biện pháp quyết liệt của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của người dân, gần đây Hà Nội đã không còn phải khoác “chiếc áo bẩn kì dị” như hàng chục năm trước đây nữa. Không những thế, nhiều bức tường ở một số nơi đã phủ bích họa rất đẹp, những chiếc tủ điện lạnh lẽo trên một số tuyến phố đã được khoác những bộ cánh rất bắt mắt.. Những con phố đó trở nên sống động, tươi vui…
PV: Bên cạnh những kết quả tích cực đó, theo ông có những tồn tại hạn chế gì cần khắc phục để cho văn hóa Hà Nội ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là “tấm gương văn hóa” của đất nước?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đang có sự hỗn tạp, xô bồ, lệch lạc với nhiều hành vi ứng xử văn hóa thiếu chuẩn mực. Đó là vấn đề mà Hà Nội tiếp tục phải quan tâm và giải quyết với những biện pháp đồng bộ. Cần những chế tài đủ hiệu lực, nhưng cần chú trọng nhất vẫn là giáo dục, nhất là đối với lớp trẻ.
Hiện nay, trong các trường học Thủ đô đã có bộ tài liệu hướng dẫn về thanh lịch văn minh cho học sinh các lớp và bước đầu đã có hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề nhức nhối về đạo đức học đường, ứng xử giữa học sinh với thầy cô giáo, giữa phụ huynh học sinh đối với giáo viên… Đặc biệt nghiêm trọng là các vụ “tát có tổ chức” mà giáo viên sắp đặt có tính bạo lực đối với con trẻ. Như thế, vừa có những hành vi ứng xử trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, lại vừa có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Tôi nghĩ rằng, cần có sự chỉnh đốn kịp thời và nghiêm minh trong hệ thống giáo dục của chúng ta, để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, bền vững. Và rất cần sự tham gia của báo chí vào xây dựng môi trường giáo dục nói chung và giáo dục văn hóa nói riêng. Báo chí phải góp phần bồi đắp niềm tin của xã hội đối với giáo dục. Bởi vì, một xã hội, một đất nước mà không có niềm tin vào giáo dục, phụ huynh và học sinh không có niềm tin vào nhà trường, không có niềm tin vào thầy cô giáo thì xã hội đó đã mất đi nền tảng của mọi niềm tin cậy và như vậy sẽ gây nên những tác hại khôn lường. Xét cho cùng, không có giáo dục thì không có văn hóa. Văn hóa chính là môi sinh của giáo dục.
PV:Thưa ông, hiện nay cơ chế thị trường đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống và văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để có thể phát huy hơn nữa văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh trong giai đoạn sắp tới?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tác động của cơ chế thị trường đối với văn hóa là một tác động khách quan, cho nên chúng ta sẽ phải giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động tiêu cực và phát huy cao nhất những tác động tích cực. Phải làm sao để cho người dân luôn được thụ hưởng những tinh hoa văn hóa - nghệ thuật. Hà Nội phải tiếp tục tăng cường xây dựng phong trào văn hóa ở các khu dân cư. Đó là một việc làm hết sức thiết thực để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa mà Hà Nội đã có từ bao nhiêu năm nay.
Những gì là hình thức, gây tốn kém thì phải loại bỏ đi và phải chú trọng những gì là thực chất. Văn hóa chỉ tồn tại khi nó là giá trị đích thực, còn những cái gì là giả tạo, những gì là hình thức thì chỉ gây tốn kém và phản cảm. Ví dụ, việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa ở các nơi phải đi vào thực chất. Các gia đình làm vẩn đục môi trường văn hóa, không đẹp về ứng xử văn hóa như thường xuyên cãi vã, đánh lộn, thậm chí có con cái nghiện hút ma túy… mà cũng đạt tiêu chí gia đình văn hóa thì không thể được. Rồi đến hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó có nhà văn hóa, thì phải làm cho nó có sức sống bằng chính nhu cầu, nguyện vọng, sáng kiến và sự tham gia của người dân. Những nhà văn hóa bị bỏ mặc cho xập xệ, cỏ mọc um tùm… là những hình ảnh u ám về văn hóa. Các chương trình, các phong trào văn hóa ở Hà Nội phải làm sao cho thật sự thiết thực, tránh hiện tượng khi có sự kiện thì trống dong cờ mở ồn ào nhưng khi hết hội thì vắng lặng, tiêu điều.
PV:Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông đánh giá như thế vào về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời gian qua?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Vai trò của báo chí cực kì quan trọng. Báo chí phản ánh chân thực gương mặt văn hóa của Hà Nội, nêu lên những cái hay, cái tốt, cái đẹp của văn hóa Hà Nội; phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng những mô hình tốt, những cách làm hay để phát triển văn hóa. Đồng thời, báo chí cũng phải chỉ cho ra những hạn chế, những thiếu sót, những bất cập và những hành vi mang danh văn hóa nhưng thực ra làm tổn hại văn hóa, phản nhân văn.
Báo chí trong thời đại truyền thông kĩ thuật số phải trở thành nơi cung cấp những thông tin chính xác để bảo vệ nền tảng tinh thần, nền tảng đạo đức của xã hội. Và những người làm báo phải tuân thủ nghiêm luật báo chí, 10 điều quy định đạo đức của người làm báo. Sau 2 năm ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019. Đó là một biện pháp thiết thực, góp phần xây dựng một xã hội văn hóa, một xã hội thông tin lành mạnh bằng sự chuẩn mực và trách nhiệm của các nhà báo.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!