Ao làng có ma

Tản văn - Ngày đăng : 08:52, 14/03/2022

Đêm thăm thẳm. Đúng mười hai giờ, ông Tính dắt cây sáo sau hông, men theo con đường mòn đi vào làng, rẽ hướng cây đa rồi ngồi thụp xuống gốc. Liếc ngang liếc dọc không thấy một ai, ông bắt đầu một giai điệu du dương. Tiếng sáo vút lên. Nghe ai oán. Rùng rợn. Nửa kiểu cuốn người nghe, nửa hù dọa. Trong đêm khuya, tiếng sáo cứ thế lẩn khuất vào ngõ tối, đi vào làng.
Ao làng có ma
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Cả tuần nay, mỗi khi nghe âm thanh rùng rợn đó, mấy nhà xung quanh lại co cụm một chỗ. Người chạy qua nhà nhau. Người đốt lửa sưởi ấm cả đêm. Ai cũng đồn chỗ đó có ma. Ngay cái giếng làng. Bên cạnh là hồ sen bạt ngàn. Mùa lạnh, sen không mọc, héo hắt chìm xuống. Cả một khoảng mênh mông là nước. Kể cả buổi sáng, khi quẩy quang gánh qua chỗ cái hồ, mọi người cũng cắm cúi đi nhanh chân. Nghe đồn chậm chân một chút, nó kéo xuống hồ dìm cho tới chết. Chuyện thằng con anh Tám, mới sáu tuổi, chết đuối dưới hồ cách đây một tháng, cứ thế lan rộng ra. Người ta đồn nó muốn bắt người đi theo. Kiểu gì một năm cũng bắt cho bằng được một người.

Mà chuyện ở đâu xa xôi, từ miệng ông Tính mà ra thôi. Từ hồi thằng bé chết đuối, ông có thêm cái cớ mà đồn thổi. Dân làng Vạn lắm người nghe tè cả ra quần. Ông ung dung ngồi đợi kết quả. Rồi sẽ có người yêu cầu lấp cái ao cho mà xem, ông là người hưởng lợi, cứ thế mà làm thôi. Mấy tháng nay dịch giã, công ty đâu có việc làm. Bây giờ bày ra một câu chuyện ma quái dị hợm, xong rồi khơi dậy cho bà con lên chính quyền xin chủ trương lấp ao. Kiểu gì nhà ông cũng được một phần đền bù thỏa đáng. Hồi trước, bố ông dày công khai phá được một miếng đất gần cái ao. Bố ông nói lúc nào ông bà mất thì để lại cho ông và thằng út. Mấy chị lấy chồng xa cũng không được đếm xỉa tới. Cờ đến tay thì phất, ông nghĩ vậy rồi cứ thế tiến hành. Ông lẳng lặng một mình. Cứ đợi khuya, bà vợ ngủ say sưa ông lại nhét cây sáo sau lưng, len lén ra chỗ cây đa ngồi thổi.

***

Thuở nhỏ, ông Tính là người học giỏi, có tài. Lên năm tuổi đã được bố dạy cách cầm sáo, thổi sáo. Thành thạo rồi còn có thể gắn nó lên chiếc diều, thả ra ngoài ruộng, gió thổi vi vút, nghe rất vui tai. Mới mười tuổi, ông cũng tập tành vót tre làm diều như cha. Rồi dần dần quen, phụ cha làm diều đưa lên thành phố bán. Nhưng ở thành phố đất chật người đông, chẳng ai để ý tới mấy con diều sáo. Bố con buồn tình, mang về nhà cho người ta hết. Mấy nhóc ở quê, tiền mua không có nhưng được cho thì hí hửng. Khoảng đồng mênh mông buổi chiều có tiếng diều sáo vi vu của bố con ông.

Mọi chuyện êm đềm trôi đi cho đến ngày có chủ trương lấy lại ruộng đất, chia cho từng hộ. Nhà tám miệng ăn, chỉ có bốn đứa con được hưởng ruộng, bà nội ông nội ở chung nhà nhưng không được chia. Bố ông với mẹ ông thuộc diện hưởng lương nhà nước cũng không được chia. Trong khi bố ông chỉ là bệnh binh hạng nhẹ, hồi đó lương hưởng được một trăm sáu mươi nghìn mấy trăm đồng, nhà không đủ ăn. Mẹ ông đi làm công ty cho nhà nước nhưng rồi công ty không có vốn đầu tư, về nhà nộp bảo hiểm và chờ tới năm được hưởng lương hưu trí. Một đứa nghe người ta nói hưởng thêm đầu lương của bố, nên cũng không được chia ruộng. Tính ra nhà ông đâu có được nguồn thu nhập nào hơn.

Hồi đó, quá bất mãn bố ông đã lên xã làm đơn xin thêm ruộng để canh tác. Nhưng rốt cục không được gì, lại mang tiếng tham lam, ăn lương hưởng lộc nhà nước rồi còn đòi hỏi. Nhà được ba sào ruộng, cấy một loáng là xong, tới mùa thu hoạch có làm tốt mấy đi chăng nữa cũng không thể được một tấn lúa. Nhà ăn không đủ. Ngoài lúa xay xát ra lấy gạo ăn cho cả nhà còn nuôi lợn, bán bớt lấy tiền trả tiền giống, nộp sản lượng, đủ thứ trên đời. Năm nào tới giáp hạt mẹ ông cũng lóc cóc đạp xe đi vay lúa. Cái dáng còng còng bé nhỏ ấy, chở sau xe đạp một bao lúa ba bốn chục cân. Cứ ăn tạm rồi tới mùa thu hoạch trả sau. Lòng vòng như thế gần chục năm trời, nhà luôn trong tình trạng thiếu gạo. Mẹ mỏi mệt với những khoản vay dài hạn. Mùa này đắp qua mùa kia. Có lẽ vì thế gia đình ông được liệt vào hộ nghèo nhất làng. Bốn đứa con đi học, bố mẹ phải dồn hết công lực, vay mượn làm thêm, làm mướn...

Ngày cầm tấm bằng đại học về tới nhà, bố ông đã không còn trên cõi đời nữa. Muốn bù đắp cũng không được. Lẽ ra với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, ông đã có thể áp dụng kiến thức được học để cải thiện nông nghiệp trên chính quê hương mình. Nhưng ông không làm điều đó. Mặc cho mọi người khuyên nhủ, ông vẫn quyết chí đi lập nghiệp ở nơi khác. Trong thâm tâm ông luôn nghĩ, làng chỉ là nơi để về khi giỗ tết hay có công việc liên quan đến họ hàng. Còn thì ông không mặn mà với nơi từng gây khó với gia đình ông, buộc tám con người trong một gia đình lúc nào cũng trong tình trạng đói ăn, mặc dù thời đó đời sống xã hội đã khấm khá hơn trước nhiều.

Ông nhớ có nhiều lần trên đám ruộng khô, bố ông phải ôm ngực thở dốc vì quá mệt. Trở về sau cuộc chiến tranh, sức khỏe đã không còn được như trước nữa. Vậy mà cũng cố khai hoang kiếm được mảnh đất gần ngay bờ ao nhà chùa để dành cho hai thằng con trai sau này cưới vợ, có chỗ làm nhà làm cửa, rồi bố ông mới chịu nhắm mắt xuôi tay. Ngày ôm tấm bằng đại học về tới cửa nhà, ông Tính đã ngã quỵ. Nỗi đau dâng lên tận lồng ngực. Cho đến khi bố ông nằm xuống, người làng vẫn xì xầm rằng vì bố ông quá lao lực, quá tham lam giành đất về phần gia đình mình. Một miếng đất nhỏ, nằm chênh vênh bên bờ ao, có ai thèm ngó tới đâu. Vậy mà người ta vẫn dìm nhau cho đến hết đời một con người.

Sau những năm tháng lăn lộn mưu sinh, ông Tính có chút vốn liếng, lấy vợ rồi mở công ty ở thành phố. Mỗi khi nhớ về quê cũ, về những năm tháng bươn bả, ông lại thấy cay cay sống mũi. Ông vẫn lái xe về thăm mẹ hằng tháng. Bảo bà lên sống chung với con cháu nhưng bà không chịu. Bà nói nông thôn bây giờ đã thay đổi rồi. Nhịp sống khác xưa lắm rồi. Điện đường trường trạm được đầu tư công phu. Bà con góp công góp sức xây dựng bộ mặt quê nhà.

Ông nghe mẹ nói trong niềm hân hoan, có vẻ bà đã quên ký ức một thời khốn khó, bị o ép. Ông đập bàn đánh rầm, giận dữ. Mẹ quên những ai đã ép gia đình mình vào chỗ đói ăn, đói mặc. Quên rằng bố đã cạn kiệt sức trên những đám ruộng khô cằn kia sao? Bà nhỏ nhẹ. Không, mẹ không quên, nhưng tất cả đều đã trôi vào dĩ vãng rồi. Bây giờ chúng ta sống thời đại mới, chủ trương mới. Con thấy đó, dân vẫn tình nguyện hiến từng sào đất cho nhà nước làm đường. Hăng hái thi đua lao động, trang trí ngõ xóm, đường làng. Con phải hiểu, con chưa góp sức gì cho làng mình cả.

Ông Tính bực mình. Bao năm ông bôn ba ở ngoài, không phải về để nghe mẹ rót vào tai những lời đó. Ông hậm hực bỏ đi. Và ý nghĩ chiếm luôn cái ao nhà chùa cứ nhen nhóm trong đầu óc đen tối của ông.

***

Đêm nay là đêm thứ sáu ông ngồi thổi sáo, giả vờ làm ma. Đợt dịch này ông cho nhân viên nghỉ làm hết, vợ con ông cũng kéo nhau về dưới quê.

Sau một tuần thì có vẻ tin hồn ma lan rộng khắp làng. Một vài người ven chùa qua xin thầy trụ trì lấp cái ao. Chắc nó sẽ gây họa thêm cho làng. Sư thầy chỉ cười, nhẹ nhàng phân tích: “Cái ao là hồn cốt của làng. Cây đa, bến nước, mái đình. Dù cho mọi thứ có thay đổi thì làng vẫn là làng. Những giá trị truyền thống ấy sẽ chẳng bao giờ thay đổi trong tâm hồn con người Việt. Thầy ở đây giữ chùa, cũng chỉ muốn phát huy thêm nét đẹp truyền thống đó. Thầy không bao giờ muốn lấp ao đâu các con ạ”.

Chuyện đòi lấp ao không thành. Ông Tính đâm ra bực dọc. Nhưng ông không bỏ cuộc. Tối đến ông vẫn làm theo kế hoạch của mình. Chiến dịch mưa dầm thấm lâu.

Hôm đó trời mưa phùn, chờ tới giờ ông lại lẻn cửa sau đi về phía cây đa. Khi đang ngồi vắt vẻo thổi say sưa, ông thấy một cái bóng vụt qua. Rồi có một giọng nhỏ nhẹ: "Xuống đi con, làm vậy nghiệp nặng lắm nghe".

Ông bỏ cây sáo xuống. Tự nhiên hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Sư thầy đã đứng dưới gốc cây tự bao giờ. Thầy đứng im lặng, như để chờ một câu trả lời.

Ông Tính từ từ tụt xuống. Nhét vội cây sáo sau lưng quần, chắp tay xin lỗi thầy. 

Từ hôm đó người ta chẳng nghe tiếng sáo ai oán ở gốc đa nữa. Chuyện làng Vạn có ma lắng xuống.

Cũng chẳng biết, ông Tính đã hiểu chủ trương xây dựng nông thôn mới đến đâu. Một người học thức đầy đủ như ông dĩ nhiên không thể không biết. Ông chỉ muốn làm những gì mà ông nghĩ ông và gia đình mình đáng được hưởng. Cho đến ngày ngồi bên vị tu hành đạo mạo, nghe những lời khuyên nhủ nhẹ nhàng mà triết lý. Ông không biết mình đã khóc, đã ân hận đến mức nào.

Có thể hôm nay làng chưa khang trang, đổi mới kịp bằng các làng khác, nhưng nếu có sự chung tay, chẳng mấy chốc bộ mặt sáng ngời của xã nhà sẽ được hãnh diện. Ông thấy lòng mình cũng rộn ràng hơn. Đến giờ ông mới hiểu, xây dựng nông thôn mới chính là đi từng bước từ nhận thức cho đến hành động của mỗi người.

HNM