Tô Hiệu, một nhân cách đáng kính
Tin tức - Ngày đăng : 07:59, 10/02/2019
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Mới ở tuổi 32, ngày 7/3/1944, đồng chí đã hy sinh trong nhà tù Sơn La. Là một chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, đồng chí Tô Hiệu đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về phương pháp và phong cách lãnh đạo cũng như nhân cách đáng kính để thế hệ trẻ noi theo.
Tấm gương mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Trân (cựu tù nhân chính trị nhà ngục Sơn La): “Tất cả những thành tích của phong trào cách mạng đạt được, thời kỳ 1936 - 1939 ở Hải Phòng và ở Chi bộ nhà tù Sơn La, công đầu là đồng chí Tô Hiệu – Một người Bí thư Chi bộ tài năng, được tất cả anh em quý mến, tuyệt đối tín nhiệm, coi như người anh tinh thần, coi như linh hồn của nhà tù Sơn La.
Ông Nguyễn Thanh Bình (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng): “Đồng chí Tô Hiệu là người dìu dắt tôi trong buổi đầu hoạt động cách mạng, là người kết nạp tôi vào Đảng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng): “Đồng chí Tô Hiệu là người dìu dắt tôi trong buổi đầu hoạt động cách mạng, là người kết nạp tôi vào Đảng.
Ông Hoàng Tùng (Nguyên Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn TƯ): “Anh Tô không bao giờ nêu ý kiến có tính quyết định mà giảng giải cặn kẽ để anh em suy nghĩ trước khi vấn đề trở thành nghị quyết”.
Ông Vũ Duy Hiệu (Nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): “Khi ở Côn Đảo, anh Tô Hiệu còn trẻ hơn tôi nhưng tôi luôn coi anh như một tấm gương lớn mà tôi phải noi theo vì anh rất mẫu mực.”
Ông Nguyễn Văn Minh (Nguyên Phó bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ 1936 - 1939): “Đồng chí Tô Hiệu ở Hà Nội từ năm 1936 đến năm 1939 rất quyết liệt khôn khéo. Anh đúng là một người: Phú quí bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất".
Ông Thành Ngọc Quản (Nguyên Bí thư liên tỉnh B - Bí thư Thành ủy Hải Phòng 1939): “Tô Hiệu thực sự là thần tượng cụ thể, là một trong những người thầy cách mạng gần gũi và thân thiết nhất của tôi, nhưng anh rất khiêm tốn và gần quần chúng.”
..................................................................
(*): Theo cuốn “Tinh thần Tô Hiệu” - Hội Khoa học
lịch sử Việt Nam, 1998
Hưng Yên là đất địa linh nhân kiệt - đặc biệt là huyện Văn Giang. Làng cổ nho nhỏ ấy có lắm người tài: Những đồng Tiến sĩ thời xưa như: Nguyễn Hắng (1586), Nguyễn Tính (1640), Nguyễn Hanh (1688), Quản Danh Dương (1710), Nguyễn Quốc Dực (1718), Quản Dĩnh (1727), Đỗ Hoàng Giáp (1721), Đỗ Gia Cát (1787), Tô Trân (tức Tô Ngọc Quang, 1826). Các Phó bảng: Tô Huân (1868), Nguyễn Đạo Quán (1898).
Thời nay có các danh nhân (gốc ở làng Xuân Cầu) như các nhà cách mạng: Tô Hiệu, Tô Chấn, Lê Văn Lương (tức Nguyễn Công Miều, em ruột Nguyễn Công Hoan), Tô Quang Đẩu, Tô Gĩ, Tô Quyền, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà văn hóa Nguyễn Công Mỹ và Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm...
Thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang cũng là quê hương của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh thời chống Pháp.
Đồng chí Tô Hiệu là con út trong một gia đình Nho học nghèo, là con cháu của dòng họ Tô yêu nước, nhiều đời khoa bảng của tỉnh Hưng Yên. Cụ Tô Ngọc Nữu (ông nội đồng chí Tô Hiệu) là nhà Nho yêu nước, chống giặc ngoại xâm, mưu cầu độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, nên khi đang làm đốc học Nam Định, được tin vua Tự Đức ký hiệp định đầu hàng thực dân Pháp, tức chí, cụ từ chức về quê dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại của đồng chí Tô Hiệu. Nhân cách ấy ảnh hưởng đến Tô Hiệu và anh ruột là Tô Chấn, một nhà hoạt động cách mạng cũng bị tù Côn Đảo. Khi còn học tại thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước nên Tô Hiệu bị đuổi học năm 1926. Lúc đó, anh mới 14 tuổi, cái tuổi đi chăn trâu bây giờ. Các cụ xưa nói: Tài không đợi tuổi. Câu ấy ứng với Tô Hiệu chăng.
Tại Hải Phòng, Tô Hiệu là linh hồn của các cuộc bãi công lớn ở đây mà tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân nhà máy tơ Hải Phòng. Đến ngày thứ 12, cuộc bãi công vẫn không được giải quyết. Nhiều người nao núng. Tô Hiệu nói: “Đấu tranh đến cùng”. Kết quả chiều hôm đó, chủ nhà máy tơ nhụt chí, cả 5 yêu cầu của công nhân nhà máy tơ đều được giải quyết: Một là: Tăng lương 20% cho thợ. Hai là: Mở một số cửa thông gió để thợ thở. Ba là: Mở một phòng thuốc để chữa bệnh cho thợ. Bốn là: Chấm dứt việc đuổi thợ. Năm là: Thợ có con nhỏ được nghỉ 40 phút để cho con bú. 12 ngày đình công của thợ máy tơ đều được tất cả các báo lớn cả nước đưa tin. Ông Lê Giản, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã từng nói: “Anh Tô Hiệu đi đến đâu phong trào lên đến đó”.
Bên cạnh đó, khi đấu tranh với địch, đồng chí Tô Hiệu luôn quyết liệt nhưng cũng rất khéo léo làm kẻ thù khiếp sợ và kính nể. Chẳng hạn tại cuộc vận động xây dựng trường học ở quê nhà là một việc khó nhất từ xưa nay chưa ai làm được vì nếu có trường học, Tô Hiệu sẽ tuyên truyền cách mạng và lực lượng trẻ sẽ mạnh lên. Nhưng Tô Hiệu đã kiên trì đấu tranh với lý lẽ đầy thuyết phục: tiền thì dân góp, trường và tài liệu học là của đốc học cung cấp, không ủng hộ dân không được. Đốc học Hưng Yên phải ngậm bồ hòn khen ngọt mà ngồi dự khánh thành trường.
Hoặc câu chuyện đồng chí Tô Hiệu tổ chức đào tạo cán bộ nhà tù của Sơn La cũng là một bài học kinh nghiệm về sự chặt chẽ, đoàn kết có tổ chức để cải thiện đời sống nhà tù mà làm binh lính cũng kính nể. Bọn cai ngục đã phải phát biểu: “Các ông là tù nhân mà tổ chức còn tốt hơn chúng tôi. Chúng tôi chỉ tranh giành miếng ăn của nhau chứ làm gì có chuyện thương yêu nhau”.
Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Dù biết mình sẽ phải hy sinh, đồng chí vẫn hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ nhà tù Sơn La. Trước khi đi xa, Tô Hiệu dặn lại các đồng chí của mình: “Ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.
Cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La.
Giờ đây, cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng vào thời gian cuối đời khi bị giam giữ tại nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại nhà tù Sơn La, mà còn là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cây đào Tô Hiệu trồng như một niềm tin vào ngày mai tươi đẹp. Mỗi độ xuân về, du khách trong và ngoài nước vẫn đến thăm vẫn chụp ảnh bên cây đào đơm hoa phơn phớt hồng tươi, tràn trề sự sống...