Di tích, danh thắng Hà Nội bắt đầu sôi động trở lại

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:50, 14/03/2022

Một tháng từ khi được mở cửa trở lại, lượng khách đến các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đã dần tăng, cho thấy những tín hiệu khởi sắc sau thời gian dài “đóng băng”.

Đông khách vào dịp cuối tuần

Một tháng kể từ khi Hà Nội cho phép các di tích, danh thắng mở cửa trở lại, tại các điểm đến như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Hoả Lò, đền Ngọc Sơn…  lượng khách tham quan ngày càng đông đảo.

Đặc biệt vào dịp cuối tuần, lượng khách đến vui chơi, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tăng lên đáng kể. Khác với sự vắng lắng, im lìm khi còn đóng cửa, nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội ghi nhận không khí tươi vui, phấn khởi.

Du khách đến đền Ngọc Sơn trong ngày cuối tuần.
Du khách đến đền Ngọc Sơn trong ngày cuối tuần.

Dịp cuối tuần vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT, tại đền Ngọc Sơn, từ phía cổng, khách tham quan đã có ý thức chủ động trong xếp hàng giãn cách khi mua vé, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn, đeo khẩu trang.

Điểm khác biệt so với trước đây là du khách thường đi theo nhóm nhỏ từ 2-3 người hoặc theo quy mô gia đình. Tại phòng trưng bày tiêu bản rùa Hồ Gươm – nơi thường tập trung nhiều người, du khách đều có ý thức tự giác trong việc giữ khoảng cách, hạn chế đứng xem lâu. Phía trước các gian thờ, người dân đều chiêm bái nhanh để hạn chế tiếp xúc, đứng gần với người lạ. Khác với trước đây, khuôn viên bên ngoài khu vực thờ tự lại là nơi có nhiều người hơn cả, mọi người dừng chân vãn cảnh di tích, cảm nhận không khí hồ Gươm trong lành.

Học sinh, sinh viên đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày cuối tuần.
Học sinh, sinh viên đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày cuối tuần.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lượng khách đến phần lớn là các em nhỏ, học sinh, sinh viên. Mặc dù một số hoạt động dịch vụ phía bên trong di tích còn chưa hoạt động, nhưng du khách đều trải nghiệm di tích theo cách riêng biệt. Đó có thể là những nhóm nhỏ những em học sinh trong chiếc áo đồng phục mùa đông đến tham quan, dâng hương, tưởng nhớ thầy Chu Văn An; một số bạn sinh viên đến chụp ảnh áo dài bên những bức tường rêu phong của di tích. Theo Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, vào những ngày cuối tuần, di tích đón khoảng 300 – 400 khách.

Sẵn sàng đón khách quốc tế

Theo ông Trần Trung Bắc – Phòng Hành chính, tổng hợp – Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò: “Một tháng từ khi được mở cửa đón khách, số lượng người đến với di tích ngày càng tăng. Tuy không thể so sánh với thời điểm trước khi có dịch, song đây vẫn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi của các hoạt động của di tích Hoả Lò nói riêng và danh thắng trên địa bàn Thủ đô nói chung”.

Đại diện Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò cũng cho biết, thông tin từ ngày 15/3 được mở cửa đón khách quốc tế là tín hiệu đáng mừng. Để chuẩn bị đón khách, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã có kênh thuyết minh tự động với 7 ngôn ngữ. Khi du khách tham quan tại các địa điểm trên sẽ được cấp chiếc máy thuyết minh kèm theo bản chỉ dẫn các di tích, hiện vật trên từng mã số. Du khách muốn tìm hiểu lịch sử về hiện vật hay di tích nào thì bấm vào mã số, máy sẽ tự động thuyết minh. Thiết bị này được nối vào tai nghe tạo thuận lợi du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người, mảnh đất, hiện vật… và những câu chuyện liên quan.

Chị Nguyễn Thu Hương (Bắc Ninh) chia sẻ: "Di tích Nhà tù Hỏa Lò có nhiều chương trình tham quan ấn tượng. Trong đó, tôi có biết tới tour đêm “Đêm lửa thiêng” mang đến cho người tham dự nhiều cảm xúc. Chính vì vậy, khi biết di tích được mở cửa trở lại, tôi đã đến tham quan và đạt vé cho người thân, bạn bè cùng trải nghiệm”.

Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến: Vào dịp cuối tuần, Trung tâm đón từ 100 – 200 khách tham quan. Trung tâm triển khai chương trình “Check in tặng quà”, khuyến khích du khách chụp ảnh, quét mã QR để nhận quà tặng đầu năm mới của khu di sản”.

Ngoài các hoạt động kể trên, khảo sát thực tế tại các di tích cho thấy, các khu vực đón tiếp, nhà trưng bày, các điểm tham quan… được tổng vệ sinh, khử khuẩn và tổ chức phân luồng giãn cách, bảo đảm môi trường sạch, đẹp, an toàn.

Bên cạnh công tác chuẩn bị, một số cán bộ di tích cũng bày tỏ tâm tư về chính sách về kiểm soát y tế yêu cầu khách nhập cảnh phải ở lại nơi lưu trú 72 giờ và mong muốn sớm có phương án giải quyết hợp lý để thu hút khách quốc tế.

KTĐT