Tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tin tức - Ngày đăng : 10:26, 13/02/2019

Ngày 12/2, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; thường trực Huyện ủy Mang Yang và Kbang có chuyến tham quan, khảo sát các điểm, tuyến sinh thái của vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Nhiều tiềm năng phục vụ phát triển du lịch sinh thái

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong những địa điểm có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong đó có thể kể đến như: đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748 m là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku, đỉnh Đá trắng, thác 95, thác Nàng tiên… Bên cạnh đó, hệ sinh thái tự nhiên Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có các nguồn gen động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm của vùng cao nguyên với tổng số 1.022 loài thực vật, 556 loài động vật và 158 họ thực vật có mạch. Đây được xem là những giá trị cần được bảo tồn, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường cũng như phát triển du lịch sinh thái….

Xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện có 23 làng bản, với gần 99% cộng đồng người Banah sinh sống. Đồng bào Banah nơi đây vẫn còn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc từ thuở sơ khai như: Lễ hội đâm trâu, Bỏ mả, Mừng lúa mới, Lễ hội cồng chiêng... Đây là nét độc đáo và là một trong những tiềm năng quan trọng đối với việc phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa và du lịch Homestay của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện tại cũng như trong tương lai.

Tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Nhận thấy những tiềm năng sẵn có, hiện Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã xây dựng được 8 tuyến tour du lịch sinh thái để phục vụ du khách thưởng ngoạn, chinh phục các danh lam-thắng cảnh, khám phá hệ động thực vật phong phú của vườn. Cụ thể như tour tham quan Quần thể cây đa cổ thụ-đây là địa điểm mà du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cây đa cổ thụ to lớn có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi với những bộ rễ bạnh vè hùng vỹ trải dài ra 4 phía, là những cây linh thiêng của dân làng Banah (nó được biết đến như một loài thực vật đại diện cho Yang (Thần rừng)); hay tour du lịch khám phá đỉnh Đá trắng, thác 95, thác Kon Bông, thác H’Lân, Vườn thực vật…

Theo ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Mặc dù đây là một trong những địa điểm chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển ngành du lịch sinh thái, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, cho đơn vị,… thế nhưng, việc phát triển du lịch sinh thái của Vườn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì, cơ sở vật chất còn thiếu và đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ du lịch. Các cảnh quan du lịch đẹp vẫn chưa được đầu tư cho hoạt động du lịch; các tuyến, điểm tham quan còn chưa có tính liên kết và chưa đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cùng các dịch vụ du lịch ở các tuyến, điểm tham quan đó…

Tiềm năng du lịch sinh thái – tạo điều kiền cùng người dân chung tay phát triển

Nhân chuyến đi, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn đã tham quan, khảo sát thực tế tại một số điểm, tuyến du lịch của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh như: Đỉnh Đá trắng; Quần thể Cây đa cổ thụ; Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật; … Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp tốt với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong công tác bảo tồn, phát huy sự đa dạng sinh học và các loài động, thực vật quý hiếm ở đây.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Gia Lai góp phần khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh nói chung và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nói riêng…

Tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang và đoàn công tác có chuyến tham quan, khảo sát Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Tham quan Đỉnh đá trắng cách trụ sở hành chính của Vườn 6,4 km, nằm ở độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển, đứng trên này có thể nhìn ngắm toàn bộ quang cảnh rừng núi xung quanh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: Đây là điểm rất đẹp, có thể quan sát được cảnh quan kỳ vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và khu vực sinh sống của Voọc Chà vá chân xám-một loài động vật đặc hữu, quần thể lớn nhất của Việt Nam. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nên có biển hiệu giới thiệu để du khách khi đến đây có thể tự tìm hiểu; xây dựng hành lang trên đỉnh để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan...

Tham quan quần thể cây đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, đánh giá: Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho những đoàn du khách khi đến thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên, hoang dã của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Đoàn công tác chụp ảnh dưới gốc đa cổ thụ

Tiếp đó, đoàn đã đến tham quan Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn, Phát triển sinh vật. Qua nghe giới thiệu và đi khảo sát thực tế tại các điểm, tuyến du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhận định: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có những điều kiện rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái với hệ thống rừng nguyên sinh còn rất dày, nhiều cây gỗ lớn, nguồn nước dồi dào, nhiệt độ trong rừng mát mẻ, hệ động-thực vật phong phú… Đồng chí Dương Văn Trang cũng đề nghị đơn vị phải làm tốt công tác bảo tồn, phát huy sự đa dạng sinh học, các quần thể động, thực vật trong Vườn.

Kết thúc chuyến tham quan, khảo sát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, các sở, ngành, địa phương phối hợp với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tiếp tục quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông để hoàn thiện các tuyến, tour du lịch sinh thái đã sơ khai hình thành nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. Trong khai thác du lịch, chú trọng đến việc đào tạo, liên kết với dân cư bản địa đang sinh sống ở các vùng đệm để góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Qua đó, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và hệ sinh thái của Vườn. 

MỘNG THƯỜNG