Nhận diện “tự diễn biến” do bị kích động, lôi kéo
Tin tức - Ngày đăng : 08:22, 18/02/2019
Một trong những nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến” trong tổ chức Đảng được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Thế nên, để phòng, chống sự kích động, lôi kéo từ bên ngoài, nâng cao "sức đề kháng", để không bị cuốn vào vòng xoáy và "miễn dịch" trước “cơn bão” thông tin cùng những vi rút độc hại thì
1. Kích động, chia rẽ nội bộ bằng cách đưa ra thông tin gây nhiễu là việc không mới trong lịch sử xã hội loài người. Quản Trọng, nhà quân sự, tư tưởng thời Xuân Thu (685 trước Công nguyên) đã từng đưa ra chiến lược “không đánh mà thắng”, thông qua âm mưu “tấn công bằng mưu trí” hoặc “văn phạt” với biện pháp trung tâm là gây mâu thuẫn nội bộ vua tôi nước người hoặc tận dụng các mâu thuẫn vốn có trong nội bộ để đạt mưu đồ lật đổ.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1964-1973, nhất là từ khi đưa quân trực tiếp đến tác chiến tại miền Nam, Mỹ đã sử dụng rất nhiều chiêu bài, chiến dịch “chiến tranh tâm lý” ở các quy mô, tần suất khác nhau, trong đó có nội dung chiêu hồi, dựng chuyện hoặc lợi dụng những việc trong nội bộ của chính quyền miền Bắc, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhằm chia rẽ, làm nhụt tinh thần chiến đấu của bộ đội ngoài chiến trường và đặc biệt là chia rẽ cán bộ với nhân dân, tiến tới thủ tiêu phong trào đấu tranh cách mạng.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (tháng 4-1975), việc nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được các thế lực thù địch trong, ngoài nước thực hiện dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau, không chỉ thông qua con đường ngoại giao, từ thiện, viện trợ nhân đạo; thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình mà còn thông qua cả các loại hình văn hóa nghệ thuật, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và quốc phòng - an ninh.
Từ khi Việt Nam có kết nối internet, đặc biệt là từ khi mạng xã hội phát triển, vấn đề tung “thông tin xấu”, “thông tin đen” và cả “thông tin hồng” với mục đích dựng chuyện, bịa đặt, vu khống phẩm giá, uy tín cán bộ, chống phá Đảng và Nhà nước, dân tộc Việt Nam ngày càng được các đối tượng đẩy mạnh, tiến hành bài bản, có hệ thống, khiến nhiều người lầm tưởng là có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Ở các thời điểm nhạy cảm về chính trị của đất nước, những cơ quan ngôn luận thù địch, có định kiến xấu với Việt Nam liên tục đưa các bài viết, phân tích, phỏng vấn... khoét sâu mâu thuẫn trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và những tiêu cực xuống cấp về đạo đức cán bộ, nhằm lôi kéo người dân đấu tranh, tiến tới chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhiều đối tượng trong xã hội đã đọc, lầm tưởng và chia sẻ thông tin với tốc độ chóng mặt.
Thế nên, chẳng lạ gì khi cuối năm 2018, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và các cơ quan chức năng thông báo rộng rãi rằng, đã gỡ bỏ 19 trang thông tin điện tử giả danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, trang web tại địa chỉ http://www.quochoi.org đã mạo danh trang tin điện tử chính thức của Quốc hội với tên Đại biểu nhân dân.
Theo cơ quan chức năng của Quốc hội, các trang này đã đăng lại các tin, bài của các cơ quan báo chí chính thống trong nước về hoạt động của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và có chèn cả các tin từ mạng xã hội, những bài viết có những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, tạo cách hiểu không đúng về hoạt động của Quốc hội.
Trước đó, vào đầu năm 2017, dư luận xã hội từng được biết tới việc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và đến nay có hơn 1.000 clip đã bị xóa, cơ quan chức năng đã xử phạt 10 trường hợp.
Gần đây, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng của Đảng, khi nhiều cán bộ cao cấp bị cơ quan pháp luật xử lý thì một số báo, trang điện tử trong nước đã viết bài chống tiêu cực, phân tích, bình luận với tần suất cao, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều nhà báo đã có những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội về hiện tượng “quan tham”, thậm chí còn có lời lẽ sẵn sàng “tuyên chiến”, đối chất với cán bộ tham nhũng tại tòa, làm giảm đáng kể niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Do thiếu hiểu biết, đặc biệt là thiếu nhạy cảm chính trị nên nhiều người đã quan tâm, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu tính chính xác trong môi trường ảo. Nhiều người đã bình luận, chia sẻ thông tin thể hiện suy nghĩ hẹp hòi, thiếu nhãn quan chính trị, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Không ít người trong các cơ quan, đơn vị đã mượn danh người khác, mượn danh cơ quan báo chí, lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin thiếu chứng lý, gây hiểu lầm, nghi ngờ và mất đoàn kết nội bộ, nhằm thỏa mãn nhu cầu riêng.
2. Internet, mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, ngoài tác dụng kết nối, cung cấp thông tin, giao lưu, giải trí, thương mại... thì nó còn là “giải pháp hữu hiệu” để nhiều cá nhân, tổ chức “hạ bệ đối thủ” khi lợi ích không được thỏa mãn. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm của không ít cán bộ, công chức, đảng viên từ nguồn mạng xã hội xuất phát từ nguyên nhân nội bộ không đoàn kết, lợi ích cá nhân chưa đạt.
Dưới góc độ tư tưởng chính trị, các nhà xã hội chỉ ra, tham gia internet, mạng xã hội thường có 3 nhóm đối tượng chính.
Nhóm 1 chiếm tỷ lệ nhỏ, là những người có trình độ nhận thức, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra; chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhóm 2 cũng chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng cố tình hiểu sai, bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng”, “bơm căng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng.
Nhóm 3 chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội, đa phần có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, hiếu kỳ, a dua... nên dễ bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến phản động của nhóm 2.
Như vậy, rõ ràng rằng, hoạt động của những tổ chức, cá nhân xếp vào nhóm 2 là rất nguy hiểm vì đã kích động và được sự “hậu thuẫn” của nhóm 3, nhóm chiếm tỷ lệ rất đông trong xã hội. Sự việc biểu tình, gây rối có tính chất bạo lực ở Bình Thuận vào trung tuần tháng 6-2018 để phản đối Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng là một ví dụ điển hình.
Để phòng, chống bị kích động và lôi kéo từ bên ngoài, nhất là từ internet và mạng xã hội nhằm vào tổ chức Đảng, Nhà nước và các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị xã hội, vấn đề cơ bản là mỗi cá nhân cần xác định và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích của mình với lợi ích tổ chức, quốc gia, dân tộc và đất nước để có những phát ngôn, hành vi phù hợp.
Theo đó, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích tổ chức, quốc gia, dân tộc và đất nước lên trên hết để xác định lời nói, hành vi đúng đắn, trên quan điểm không làm hại tới quốc thể và quốc dân, đồng bào.
Đối với cán bộ, đảng viên, vấn đề cốt lõi là cần nêu cao nhận thức và thể hiện trách nhiệm nêu gương trước cộng đồng xã hội trên cơ sở thực hiện triệt để các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về phát ngôn. Trọng tâm là cần hiểu rõ, nắm chắc Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, qua đó để xác định trách nhiệm với tập thể.
Mặt khác, dù ở cấp nào, cán bộ, đảng viên cũng phải gìn giữ, thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng; cần tuyên truyền rõ với người thân trong gia đình, quần chúng nhân dân hiểu, không a dua theo sự lôi kéo của các thế lực thù địch, không để cho những “thông tin đen”, “thông tin xấu” chỉ đạo và định hướng hành động.
Cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm của tập thể, cá nhân, để môi trường của tổ chức Đảng thực sự đoàn kết, môi trường xã hội trong nước cả thực tế và trên không gian mạng được lành mạnh, là nguồn lực to lớn góp phần xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.