Tận mục sở thị ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Hà Nam, nơi lưu giữ báu vật thiên thạch từ mặt trăng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:05, 19/02/2019
Chùa Tam Chúc sau khi xây xong sẽ có quần thể rộng lớn nhất thế giới, đặc biệt nơi này sẽ lưu giữ báu vật của nhân loại viên thiên thạch nặng 5,5kg và 1.200 bức tượng làm từ dung nham núi lửa.
Cách đây chưa lâu, một doanh nhân đã đấu giá và sở hữu thành công viên thiên thạch từ mặt trăng nặng 5,5kg mang tên "Mảnh ghép mặt trăng" trị giá trên 14 tỷ đồng. Sau đó, viên thiên thạch từ mặt trăng này được trịnh trọng mang viên thiên thạch về chùa Tam Chúc (Kim Bảng - Hà Nam) cất giữ và trưng bày.
Được biết, thiên thạch mặt trăng rơi từ không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017 và được đấu giá thành công vào 19/10/2018.
Khối thiên thạch "Mảnh ghép Mặt Trăng" được trưng bày tại Amherst, bang New Hampshire, Mỹ. Hiện khối thiên thạch này đang ngự tại chùa Tam Chúc. Ảnh: AP.
Sự góp mặt của báu vật trên đã góp phần làm nên sự độc đáo cho ngôi chùa ở Việt Nam. Đặc biệt, chùa Tam Chúc có quần thể rộng lớn lên đến 5.000 ha, xung quanh được bao bọc bởi hồ và núi rộng lớn. Ngoài viên thiên thạch quý hiếm, ngôi chùa sau khi xây dựng xong sẽ có 1.200 bức tượng Phật làm bằng dung nham núi lửa.
Quần thể chùa Tam Chúc với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạc, hậu thất tinh. Tương truyền rằng 6 quả núi giữa lòng hồ trước mặt chùa là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống. Hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về đêm.
Hiện tại, chùa Tam Chúc đã khai hội ngày 16/2 và thu hút hàng chục vạn người đến tham quan, vãn cảnh và lễ phật. Chùa đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và theo dự tính phải mất đến 30 năm sau (tức đến năm 2050) mới chính thức hoàn thiện để trở thành ngôi chùa có quần thể lớn nhất thế giới.
Chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao - huyện Kim Bảng - tỉnh Hà Nam) đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và mất đến 30 năm nữa mới xong. Sau khi hoàn thiện, chùa sẽ trở thành nơi có quần thể lớn nhất thế giới và cất giữ nhiều bảo vật của thế giới.
Chùa Ngọc nằm trong quần thể rộng lớn của chùa Tam Chúc, đứng từ đỉnh chùa Ngọc có thể quan sát được tất cả quần thể rộng lớn lên đến 5.000 ha.
Tất cả công trình đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổng thời gian dự tính lên đến 30 năm, con số khiến bất cứ ai cũng không khỏi ngạc nhiên.
Công trình đang gấp rút hoàn thiện phục Đại lễ Vesak 2019 (Lễ Phật đản 2019).
Trong ngày 16/2, ngôi chùa đã chính thức khai hội với sự tham gia của hàng vạn người. Tuy nhiên, để gấp rút chuẩn bị cho Đại lễ các công nhân vẫn miệt mài thi công để đảm bảo tiến độ.
Có nhiều hướng để du khách di chuyển lên chùa nhưng không ít người đã lựa chọn lối đường mòn khá hiểm trở.
Thậm chí trên những hạng mục thi công còn dang dở, du khách vẫn thích thú di chuyển, chụp ảnh.
Những khối đá khổng lồ, quả chuông đúc đồng vẫn nằm tại một bãi đất trống trong khuôn viên.
Những quả núi nằm giữa lòng hồ rộng lớn là nét đặc trưng của cảnh quan ngôi chùa này.
Bên kia hồ là bến du thuyền đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ người dân, như vậy nếu du khách muốn đặt chân đến chùa Tam Chúc sẽ có 2 lựa chọn gồm di chuyển bằng xe điện với mức phí 40.000 đồng/2 lượt hoặc bằng du thuyền.
Những cột đá hình búp sen khổng lồ được tập kết dưới chân chùa.
Cận cảnh đại công trường xây dựng chùa Tam Chúc.
Nằm trong khuôn viên rộng lớn, nơi có cảnh quan sông nước hữu tình, Tam Chúc hứa hẹn sẽ là điểm đến của hàng triệu người dân.
Một trong hàng nghìn bức tượng Phật được làm từ dung nham núi lửa quý hiếm.
Mộc Trà/Giadinh