Hà Nội huy động hơn 1.760 tỷ đồng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:31, 15/03/2022

Dự kiến đến năm 2025, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất cây trồng chủ lực của Hà Nội đạt từ 15 - 98%. Các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với những vùng nguyên liệu tập trung.
Xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn bằng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất là một trong những mục tiêu Hà Nội đặt ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cơ giới hóa là giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nông nghiệp của Hà Nội theo hướng hàng hóa. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Cơ giới hóa là giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nông nghiệp của Hà Nội theo hướng hàng hóa. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp ổn định, chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo kịp yêu cầu thực tiễn. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 2,5 - 3%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025. 

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch lúa đạt lần lượt: 98%, 15%, 60% và 95%. Phát triển khoảng 46 tổ nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và sản xuất cây màu. 100% sản phẩm rau, quả chế biến có truy xuất nguồn gốc…

Cụ thể hóa mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, tổng kinh phí khái toán đầu tư cơ giới hóa dự kiến hơn 1.760 tỷ đồng.

Đối tượng và điều kiện áp dụng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nội dung và mức hỗ trợ: 100% phí quản lý, 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT…

Ngân sách TP sẽ hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ khuyến nông, vay vốn của ngân hàng thương mại. Các hợp đồng sẽ được UBND cấp huyện phê duyệt và UBND cấp xã xác nhận.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay đơn vị đang tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND TP điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời phân vùng sản xuất chuyên canh tập trung, làm cơ sở để phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương cụ thể hóa kế hoạch.

KTĐT