Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị tạm ngưng phiên tòa để yêu cầu bổ sung chứng cứ pháp lý và đưa Trung Nguyên Singapore vào giải quyết trong vụ án ly hôn.
Tin tức - Ngày đăng : 13:17, 03/03/2019
Yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu là căn cứ xác định số tiền theo phản tố là Tài sản chung của vợ chồng;
Yêu cầu các ngân hàng cung cấp số dư tại thời điểm hiện tại trong các tài khoản của bà Diệp Thảo mà ông Vũ yêu cầu.
Yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu chứng minh đã đóng góp nhiều hơn vào việc tạo lập: 90% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNI), 30% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC)
Bản gốc các tài liệu về đăng ký kinh doanh của ông Vũ năm 1996
Tài liệu về việc chuyển đổi từ Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên năm 2002.
Đề nghị Tòa xem xét để đưa Trung Nguyên Singapore vào giải quyết phân chia trong vụ án này.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa án
1.Quan điểm của Kiểm sát viên đánh giá công sức khởi nghiệp không đúng pháp luật
Tại phiên xét xử ngày 25/1/2019, Kiểm sát viên cho rằng “Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh.” Phía bà Diệp Thảo cho biết đây là quan điểm không đúng pháp luật. Khi ly hôn, theo quy định của pháp luật, tài sản mà hai vợ chồng chia là “khối tài sản chung”, mà theo Điều 105 Bộ luật dân sự qui định“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.Dựa trên những diễn biến ở các phiên tòa:
Thứ nhất, bà Diệp Thảo đã nhiều lần khẳng định tại phiên tòa việc góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp, bà đưa bằng tiền mặt trực tiếp cho ông Vũ.
Đơn của Luật sư bà Thảo
Mặt khác, ông Vũ đã trình bày tại tòa là ông cùng bốn người bạn khởi nghiệp vào năm 1996 với số vốn chỉ 2 triệu đồng. Giấy phép đăng ký kinh doanh do UBND TP.Buôn Ma Thuột cấp ngày 15/8/1996 và thời hạn kinh doanh là ngày 31/12/1996 (chỉ 4 tháng). Lại thêm thất bại ở Long Xuyên vào năm 1997 mà ông Vũ từng nhiều lần nhắc đến trên truyền thông và tại tòa đã khiến việc khởi nghiệp mất trắng và ông phải bắt đầu lại từ đầu.
Như vậy, khi nhắc đến “tài sản chung” thì phải nói đến pháp nhân được thành lập đầu tiên trong thời kỳ hôn nhân là Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên được thành lập vào tháng 7/1999. Tại Hợp tác xã này, bà Diệp Thảo là Trưởng chi nhánh TP.Hồ Chí Minh – một thị trường lớn nhất của Việt Nam và số vốn cấp cho chi nhành này gần gấp đôi số vốn đăng ký của Hợp tác xã (Số vốn cấp cho chi nhánh TP.Hồ Chí Minh là 250 triệu đồng, trong khi vốn đăng ký cho Hợp tác xã là 140,5 triệu đồng). Sự phát triển của chi nhánh TP.Hồ Chí Minh là nền tảng cho việc thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên và các công ty trực thuộc sau này.
Thứ hai, căn cứ Điểm b khoản 2 Điều 59 Luật HNGĐ quy định: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.” Trong trường hợp này, tài sản chung chính là cổ phần và vốn góp: 90% cổ phần tại TNI, 30% tại TNG, 15% cổ phần tại Trung Nguyên IC, 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising, 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê và 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.
Theo bà Diệp Thảo, việc đánh giá công sức khởi nghiệp không đúng pháp luật đã khiến dư luận hiểu sai bản chất của vấn đề pháp lý mấu chốt này.
Đối với công ty TNI, vợ chồng Trung Nguyên đứng tên 90% cổ phần tại công ty này, ông Đặng Mơ và bà Ước đứng tên 10% còn lại. Công ty này được thành lập năm 2009 bằng tài sản có được trong kinh doanh của vợ chồng. Như vậy, ông Vũ không có cơ sở để cho rằng ông có đóng góp nhiều hơn đối với 90% cổ phần này.
Tương tự đối với các công ty khác trong Tập đoàn Trung Nguyên, cổ phần và phần vốn góp đều được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và bằng tài sản có được trong kinh doanh của vợ chồng. Trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân, ông Vũ không có tài sản riêng cũng như không được tặng cho riêng…
“Tiêu chí” ông Vũ là linh hồn của Trung Nguyên là điều rất chung chung, không có ý nghĩa về mặt pháp lý, cũng như không phải là công sức tạo lập tài sản chung. 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập trong thời kỳ hôn nhân, và được hai vợ chồng phân vai quản lý, điều hành từ những ngày đầu.
Như vậy, công sức đóng góp của hai vợ chồng đối với Trung Nguyên là ngang nhau. Cả hai đều có đóng góp như nhau trong việc tạo lập, duy trì và phát triển số cổ phần và phần vốn góp tại các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại tòa án
2.Các chứng cứ mà phía ông Vũ cung cấp không có cơ sở hợp pháp
Tại các phiên xét xử, phía ông Vũ đưa ra các tài liệu chứng cứ phô-tô: Giấy phép kinh doanh của ông Vũ năm 1996, tài liệu chuyển đổi từ Hợp tác xã thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử yêu cầu phía ông Vũ cung cấp các bản gốc để đối chiếu thì phía ông Vũ chưa thực hiện được.
Điều này đã dấy lên sự nghi ngờ giả mạo về các tài liệu chứng cứ này. Bởi vì, theo các luật sư thì pháp luật Việt Nam từ năm 1990 đến nay không có văn bản pháp luật nào quy định việc chuyển đổi từ Hợp tác xã thành Công ty. Như vậy, công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên là thành lập mới hoàn toàn, chứ không phải được chuyển đổi từ Hợp tác xã mà phía ông Vũ đã nêu tại tòa.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết việc bà yêu cầu chia đôi số tài sản chung của vợ chồng theo tỉ lệ 50-50 và đề nghị chia bằng hiện vật là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Khi quy đổi ra tổng giá trị của các cổ phần, phần vốn góp thành tiền thì cách phân chia này đang là ông Vũ được nhiều hơn bà khoảng 100 tỷ đồng và bà không có yêu cầu ông Vũ trả lại phần chênh lệch này.
Các tài sản mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu được chia như sau:
- Nhà đất toạ lạc tại Tú Xương, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
- 161.160.000 cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên phát hành, chiếm 51% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết.
- 37.500.000 cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành, chiếm 15% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết.
- 1.500.000 cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết do Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên phát hành, chiếm 7,5% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết.
- Đối với các Công ty còn lại, bà Diệp Thảo đề nghị để lại toàn bộ cho ông Vũ.