Xuân về nơi ngọn nguồn sông Đà

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:18, 05/03/2019

Nhằm hướng Phong Thổ - Mường Tè chúng tôi háo hức đi. Mùa này nước sông, nước suối đã vắt trong thong thả chảy xuôi. Đã thấy thấp thoáng trên nương những nụ đào he hé, những bông đỗ quyên tươi màu hồng thắm. Xuân đang tới với miền biên viễn phía Tây của Tổ quốc.
Xuân đang về nơi ngọn nguồn sông Đà
Phong cảnh xã Mù Cả nơi đầu nguồn sông Đà. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Mới tới Chăn Nưa, xe dừng lại khi bên đường là những cô bé người H’Mông váy hoa sặc sỡ, dường như các em đang có gì vui nên túm tụm nói cười hồn nhiên. Sự hồn nhiên ấy đã khiến chúng tôi phải nổi máu nghề nghiệp, mở cửa xe để hòa vào câu chuyện cùng các em và tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh. Các bé gái người H’Mông mới đầu còn bẽn lẽn nhưng được khích lệ nên cũng vui vẻ “tạo dáng”. Hỏi ra mới biết bữa nay các em được nghỉ học nên rủ nhau lên nương gùi chuối. Nhìn những đôi mắt tròn vo chúng tôi lại thấy các em đang tỏ ra phấn khích vì đã giúp cha mẹ một phần thu nhập. 

Qua cầu Nậm Bum xe nhập vào quốc lộ 4H, con đường nối huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu sang huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên giờ đã trải thảm bê tông nhựa, do vậy việc đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều cho dù vẫn còn những vòng cua làm người và xe nghiêng ngả, cho dù còn cảm thấy mù xa bởi những vệt sương giăng mờ hom núi. 
Chả mấy chốc đã xa xa núi non Mù Cả mờ ảo dưới dải sương giăng ngang đỉnh núi.
***
Xuân đang về nơi ngọn nguồn sông Đà
Cột mốc 18 (2) nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện có 9 bản với 2190 nhân khẩu. Trong đó người dân tộc Hà Nhì chiếm tới 98%. Từ lâu mối quan hệ giữa đồn biên phòng 315 với bà con đã trở nên thân thuộc. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với bà con người Hà Nhì, người La Hủ, người Mông nơi đây có một phần nhờ tinh thần tận tụy của cán bộ chiến sĩ biên phòng. Những buổi “đi bản” bao giờ cũng để lại nhiều cảm tình và nhiều giá trị thiết thực. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 80%, cao nhất tỉnh đã chứng minh điều đó.

Xuân đang về nơi ngọn nguồn sông Đà
Một buổi “đi bản” của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 315. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn

Thiếu tá Lý Già Ly, chính trị viên phó đồn biên phòng Mù Cả, là người đã giới thiệu với chúng tôi về đặc điểm, về tình hình của xã. Ồ thì ra Lý Già Ly lại chính là người con của xã Mù Cả này. Chàng trai Hà Nhì nhập ngũ vào bộ đội ngày trước đâu có ngờ rằng lại được trở về ngay chính quê hương mình công tác. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Lý Già Ly được phân công về tỉnh Lai Châu rồi được bổ nhiệm làm chính trị viên phó đồn Mù Cả. Tôi vui miệng hỏi: “Ở đồn suốt thế này vợ của Lý Già Ly có nói gì không?”. Thiếu tá Trần Văn San, chính trị viên đồn nói góp: “Vợ Ly làm cán bộ mà anh. Cô ấy hiện là phó chủ tịch hội phụ nữ xã”. Nghe anh San nói vậy Lý Già Ly cười tủm tỉm rồi nói lảng sang chuyện khác. Lý Già Ly cho biết: “Nghe theo lời bộ đội biên phòng. Bà con đã phấn đấu xây dựng xã Mù Cả thành một xã mạnh có tiếng. Đời sống kinh tế nâng lên đã góp phần xây dựng bản làng khang trang sạch đẹp. Cũng từ đó việc học tập, công tác và lao động sản xuất được thường xuyên hơn và nhiều hơn. Bà con không phá rừng nữa bởi bà con đã hiểu bảo vệ rừng là bảo vệ cho nguồn nước thủy điện”. Rồi Lý Già Ly cho biết thêm, thủy điện Pắc Ma của xã chính là “bậc thứ nhất” trong hệ thống thủy điện sông Đà bởi nó ở vị trí đầu nguồn của dòng sông nổi tiếng này.
***
Cuộc gặp gỡ sáng nay hay nói như cách nói của lính biên phòng là “đi bản” của chúng tôi với bà con bản Xi Nế diễn ra “vượt cả ngoài kế hoạch”. Đó là một bản người Hà Nhì với hơn 380 nhân khẩu. Một bản có 87 hộ những năm gần đây đã có bước thay đổi lớn. Ngoài trồng ngô, lúa, lạc, đỗ ra bà con Xi Nế còn tích cực chăn nuôi trâu bò dê. Nét nổi bật ở bản là toàn bộ gia súc gia cầm đều được nuôi nhốt. Xa lắm rồi hình ảnh gia súc gia cầm lục sục dưới gầm sàn, léo nhéo bên trái nhà. Việc nuôi nhốt gia súc gia cầm nghe giới thiệu công lớn thuộc về “anh em ba mười lăm”. Nghe lời bộ đôi biên phòng, làm theo bộ đội biên phòng cũng phản ảnh chân thực nhất về mối quan hệ quân dân, phản ảnh chân thực nhất nhiệm vụ “một đội quân công tác” mà cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 315 đã thực hiện. 

Đúng như trung tá Phạm Văn Hóa, đồn trưởng đồn biên phòng 315, đã nói “con gái Hà Nhì xinh thôi rồi”, sáng nay cô chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Xi Nế có cái tên rất đẹp là Lý Cà Sứ cùng với cô Lý Lò Xó, vợ của cán bộ đồn biên phòng Pa Ủ là thiếu úy Lý Lò Xá, chẳng ai bảo ai vậy mà cùng đem bộ váy áo Hà Nhì mới tinh ra mặc. Váy áo của phụ nữ Hà Nhì có hai màu đỏ và đen làm chủ đạo bên cạnh đó là nét hoa văn được thêu tỉ mỉ và đặc biệt là những quả bông màu đỏ được đính vào khăn quấn trên đầu buông xuống ngực hay rủ xuống trán như tôn thêm nước da trắng hồng. Hai cô đều ít nói, chỉ đáp lại câu hỏi bằng nụ cười tỏa nắng. 

Lý Cà Sứ là cán bộ phụ nữ của bản nên được “giao” trả lời phỏng vấn, cô cắn cắn vành môi mỗi khi nghĩ câu định nói tiếp theo. Nhìn động tác ấy phóng viên Trung Hiếu ghé tai Lý Cà Sứ nói nhỏ. Cô cán bộ phụ nữ bản lấy tay che miệng, đôi gò má ửng hồng, cặp mắt long lanh đầu hơi cúi cúi vẻ xấu hổ. Giây sau Lý Cà Sứ ngẩng lên cười thật thà, cô nói: “Không cho nhà báo hôn đâu”. Trung Hiếu được lời bèn hỏi lại “Vì sao không cho?”. Lý Cà Sứ hồn nhiên: “Chỉ cho bộ đội biên phòng hôn thôi. Bộ đội biên phòng ở lại với dân thì cho hôn chứ nhà báo xong việc là về Hà Nội nên không cho hôn”. Ái chà. Tôi cười an ủi phóng viên Trung Hiếu: “Thế mới hiểu tấm lòng của bà con với bộ đội biên phòng. Các cô nói vậy là có lý lắm Hiếu à”.

Cuộc gặp mặt sáng nay giữa chúng tôi với bà con bản Xi Nế quanh quẩn thế nào lại nói về chuyện Tết. Tết của người Hà Nhì thế nào nhỉ? Có vui có nhiều bánh trái như Tết của người Kinh không nhỉ? Câu hỏi của chúng tôi nhanh chóng được Lý Cà Sứ “bật mí”. Cô cho biết: “Ngày Tết phụ nữ thường dậy từ sáng sớm giã gạo nếp thành bột mịn để làm bánh trôi dâng lên gia tiên. Đợi mọi người ăn bánh trôi xong, các nhà mổ lợn cúng tổ tiên. Buổi chiều giã bánh dầy. Loại gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm.  Ôi ôi nhiều thứ lắm”. Lý Cà Sứ cười lộ hai hàm răng trắng muốt.

Trưởng bản Lý Tiến Dũng bổ sung thêm, anh nói: “Tết này bà con ăn Tết nhờ có rừng đấy”. Một câu nói khiến tôi phải hỏi lại: “Sao lại ăn Tết nhờ có rừng?”. Trưởng bản Lý Tiến Dũng thật thà: “Vì rừng đã mang đến cho đồng bào gạo, mang đến cho đồng bào nhà mới”. Thiếu tá Lý Già Ly nhỏ nhẹ nói thêm: “Chắc các nhà báo phải trở lại với Mù Cả lần nữa rồi. Các anh biết đấy rừng ở đây đã được giao cho đồng bào, đồng bào được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ chăm sóc rừng do thủy điện Lai Châu chi trả nên rừng mới xanh mới ấm. Nên ai dại gì mà đi phá rừng cho khổ. Có rừng là có tất cả mà”. 

Thế đấy, ý thức về bảo vệ rừng giờ đây không chỉ là khẩu hiệu nữa, nó đã thành hành động thiết thực, thành ý nghĩa thiết thực. Ở nơi con sông Đà chảy vào đất Việt này màu xanh của rừng đã làm ấm lên lòng dân, ấm lên tình quân dân thủy chung trong sáng.

Tạm biệt Mù Cả. Chỉ tiếc do thời gian ngắn nên chúng tôi chưa tới được cột mốc số 18, đấy chính là “nơi con sông Đà chảy vào đất Việt” như lời giới thiệu của Trung tá Phạm Văn Hóa. Nhưng những gì mà chúng tôi đã thấy, đã nghe được thì ở nơi ngọn nguồn con sông Đà huyền thoại này có rất nhiều những cảm tình chân thật. 

Dưới ánh nắng hiếm hoi của một buổi sáng đông đang chuyển sang xuân nơi biên viễn cả cánh rừng phía trước mặt bỗng bừng lên màu xanh rất xanh. 

Nguyễn Trọng Văn