KTS Lê Việt Hà: Cần sáng tạo để phát huy bản sắc kiến trúc Việt Nam

Kiến trúc - Ngày đăng : 18:42, 17/03/2022

Gìn giữ bản sắc văn hóa trong kiến trúc là một vấn đề cần được quan tâm và coi trọng, nhất là khi đất nước ta bước vào quá trình hội nhập và phát triển. Làm thế nào để sáng tác kiến trúc vẫn thể hiện yếu tố hiện đại mà không đánh mất bản sắc, đó cũng là trăn trở của nhiều nhiều người trong giới nghề. Để hiểu thêm về vấn đề này cùng phóng viên Tạp chí Người Hà Nội trò chuyện với kiến trúc sư Lê Việt Hà - Chủ tịch Ashui.com.
KTS Lê Việt Hà: Cần sáng tạo để phát huy bản sắc kiến trúc Việt Nam
KTS Lê Việt Hà

PV:Thưa kiến trúc sư Lê Việt Hà, theo ông bản sắc văn hóa trong kiến trúc là gì?

KTS Lê Việt Hà:
Kiến trúc là ngành nghệ thuật kết hợp khoa học về tổ chức không gian. Mỗi nền văn hóa, địa phương tồn tại qua một thời gian thường để lại những công trình kiến trúc có chung một phong cách riêng (hình thức) và giải pháp không gian, vật liệu (công năng) phù hợp nhất với mình thì trở thành bản sắc. 

PV
: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa trong kiến trúc đang được đặt ra như thế nào, thưa ông?

KTS Lê Việt Hà:
Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta vừa hòa nhập nhưng lại vừa cần giữ cho mình bản sắc hay những nét riêng để nhận diện, thậm chí để tồn tại, không chỉ trong lĩnh vực kiến trúc mà mọi lĩnh vực. Với kiến trúc, có bản sắc công trình sẽ trở nên gần gũi và phù hợp với người sử dụng, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững. 
Kiến trúc truyền thống Việt Nam thường sử dụng những vật liệu xây dựng địa phương rất gần gũi như tre, đất, đá,… ít có sự biến đổi từ đời này sang đời khác. Kết cấu dựa trên sự tính toán khoa học và kinh nghiệm sử dụng hợp lý những tính năng vật liệu và kích thước công trình. Phát huy được những yếu tố này, kiến trúc Việt Nam không chỉ bền vững mà còn có giá trị riêng của mình. 

PV:
Kiến trúc Việt Nam đang từng bước nỗ lực để vươn tầm quốc tế. Vậy theo ông, khai thác yếu tố văn hóa truyền thống trong thiết kế kiến trúc có ý nghĩa thế nào trong việc tạo dựng những sản phẩm kiến trúc mang đậm hồn cốt dân tộc?

KTS Lê Việt Hà:
Câu hỏi này vẫn thường xuyên được đặt ra hầu như ở các diễn đàn về kiến trúc Việt Nam nhiều năm nay. Tuy nhiên câu trả lời rõ ràng vẫn chưa có. Theo tôi, mỗi kiến trúc sư Việt Nam sinh sống và trưởng thành, tri thức và văn hóa bản địa “ngấm” vào mình ngày ngày, chỉ cần khai thác chính xác những gì là của mình, không sao chép hay bắt chước, đều sẽ tạo ra sản phẩm có bản sắc. Những công trình kiến trúc tốt trên thế giới đều được tạo ra như thế, những kiến trúc sư giỏi trên thế giới họ đều làm vậy. 
Tuy nhiên, trong chuyện này vấn đề đào tạo rất quan trọng. Chúng ta cần đổi mới rõ ràng hơn nữa về chất lượng, hướng đến việc sinh viên có thể chủ động cập nhật tri thức của mình thông qua những hệ thống thư viện liên kết với các ngành khác để có nguyên liệu sáng tác, phục vụ nhu cầu xã hội và cuộc sống. 

PV:
Kiến trúc đương đại đòi hỏi các kiến trúc sư sự đổi mới và sáng tạo nhưng cũng rất cần phải gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống. Để “đánh thức truyền thống” trong các công trình kiến trúc thì kiến trúc sư có một vai trò vô cùng quan trọng. Ông nghĩ sao về điều này?

KTS Lê Việt Hà:
Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, vì thế kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng muôn hình muôn vẻ từ hình thức, vật liệu, kết cấu… nhưng vẫn có những biểu hiện chung như sự giản dị, gắn liền với thiên nhiên, với con người. Ngày nay, cùng sự phát triển kinh tế và công nghệ mạnh mẽ, nhiều xu hướng kiến trúc đã xuất hiện trên thế giới và đang du nhập vào Việt Nam. Chúng ta cũng không cần chống lại, mà cũng khó chống, như đã nêu ở trên, để tồn tại các kiến trúc sư Việt Nam càng cần hiểu rõ trào lưu, vận dụng, sáng tạo để “đánh thức” chính mình, đó là giá trị riêng và sức mạnh quan trọng tạo nên những kiến trúc mới mà vẫn có bản sắc. 
Một yêu cầu bắt buộc mà chúng ta chưa làm tốt đó là hệ thống pháp luật liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ, quản lý kiến trúc đô thị để góp phần ngăn chặn, xử lý nạn sao chép, “nhại cổ” xuất hiện tràn lan trong một thời gian dài, khiến bộ mặt kiến trúc và đô thị Việt Nam đang rất lộn xộn, không thể hiện đúng các yếu tố văn hóa bản địa. Ví dụ như khi đi lên các vùng miền núi chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh không khác gì các đô thị ở đồng bằng với dãy nhà chia lô nhiều tầng, nổi bật như khu vực trung tâm Sa Pa... Có lẽ, chỉ khi luật pháp đầy đủ và thực hiện nghiêm minh thì môi trường hành nghề sáng tạo như kiến trúc mới trở nên lành mạnh và phát huy được đúng vai trò của mình. 

PV:Với Thủ đô Hà Nội, nhắc đến văn hóa kiến trúc không thể không nói tới di sản kiến trúc. Là người nhiều năm gắn bó với Thủ đô, từng 3 lần cùng các cộng sự nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, có lẽ ông cũng có những trăn trở về di sản kiến trúc của mảnh đất ngàn năm văn hiến? 

KTS Lê Việt Hà: Lần đầu nhận giải thưởng là năm 2009 với dự án phục dựng di sản kiến trúc Hà Nội bằng công nghệ đồ họa 3D do Ashui.com hợp tác với nhóm 3D Hà Nội thực hiện; lần thứ hai là năm 2011 với việc tổ chức cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” cùng nhiều đối tác khác; lần thứ ba là năm 2014 với dự án “Hanoi Fly - Hà Nội, những góc nhìn từ không trung” ứng dụng công nghệ flycam để khám phá vẻ đẹp từ trên cao của Hà Nội. Cả ba dự án này đều có mục đích chung là tôn vinh di sản kiến trúc và đô thị của Hà Nội. Với việc phục dựng di sản bằng công nghệ 3D, chúng tôi muốn tập hợp dữ liệu và gìn giữ các công trình kiến trúc bằng công nghệ và truyền thông; cuộc thi thiết kế Công viên Thống Nhất để “đánh thức” một di sản đô thị quan trọng của Hà Nội - “không gian xanh”; và những hình ảnh Hà Nội từ trên cao phần nào cho chúng ta thấy được những góc nhìn mới lạ và cũng rõ hơn về sự thay đổi nhanh chóng, có nhiều cái mới, cũng có nhiều thứ mất đi của Hà Nội; từ đó mỗi người sẽ thêm quan tâm, có những hành động và dành tình yêu cho mảnh đất này nhiều hơn. 
Thủ đô Hà Nội có nhiều di sản kiến trúc, để gìn giữ và phát huy các di sản đó chúng ta cần làm tốt việc thống kê, thu thập, lưu trữ dữ liệu về di sản; sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Thêm nữa, cũng nên cởi mở hơn về tư duy để di sản kiến trúc có thể “sống” tiếp chứ không bị kìm hãm. Đặc biệt, cần hướng đến việc tạo ra những di sản mới. 
KTS Lê Việt Hà: Cần sáng tạo để phát huy bản sắc kiến trúc Việt Nam
Phục dựng di sản kiến trúc Hà Nội bằng công nghệ đồ họa 3D

PV:
Diễn đàn Ashui.com kể từ khi thành lập đã có nhiều nỗ lực để kết nối các đối tượng trong hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng đô thị tại Việt Nam cũng như đóng góp tích cực vào các hoạt động hướng về cộng đồng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Với trọng trách “nhạc trưởng” của Ashui.com, chắc hẳn ông có những ấp ủ để tiếp tục lan tỏa thông điệp về bản sắc văn hóa trong kiến trúc?

KTS Lê Việt Hà:
Ashui.com kể từ khi thành lập đến nay cũng sắp tròn 22 năm rồi! Có lẽ mình nên rút về hậu trường để thế hệ mới tiếp nối công việc. “Tiếp nối” là một khía cạnh rất quan trọng với những câu chuyện “bản sắc” và “truyền thống”. Dường như chúng ta hay mặc định những vấn đề này cần phải được giữ gìn một cách tuyệt đối, hay trong một khuôn khổ cứng nhắc! Nhưng, sống là tiếp diễn và có sự nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Di sản cũng có đời sống, cũng cần tương tác với cuộc sống hiện tại và phát triển bền vững. Ashui.com vẫn sẽ cố gắng có những hoạt động để kết nối và khẳng định vai trò, trí tuệ của các kiến trúc sư Việt Nam; giới thiệu kiến trúc Việt Nam ra thế giới.

PV:
Trân trọng cảm ơn ông!
KTS Lê Việt Hà: Cần sáng tạo để phát huy bản sắc kiến trúc Việt Nam
"Hanoi Fly - Hà Nội, những góc nhìn từ không trung" - một dự án của Ashui.com

Thanh Bình