Bài 2: Sôi nổi trong trạng thái bình thường mới
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:07, 19/03/2022
Không rầm rộ quảng bá cho các đợt biểu diễn mới, không có cảnh người xem, khách tham quan tới rạp, sân khấu hay các di tích chật kín…, việc phục hồi hoạt động biểu diễn của hoạt động văn hóa đang diễn ra với “trạng thái bình thường mới” theo đúng chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ và Bộ VHTT&DL.
Tận dụng cơ hội
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bảo tàng, di tích, nhà hát, sân khấu phải đóng cửa trong thời gian dài, gặp nhiều khó khăn, không có khách tham quan, không có nguồn thu từ vé và dịch vụ.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các đơn vị bảo tàng, di tích, sân khấu trên địa bàn Hà Nội đã tìm phương án để học hỏi lẫn nhau, làm ra các sản phẩm mới để hút khách đến.
Trong thời gian dịch bệnh, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, những người yêu thích lịch sử văn hóa của dân tộc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về tiềm năng, giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đó đề xuất những giải pháp để duy trì, phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tìm hướng đi phù hợp để Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể trở lại mạnh mẽ, đón khách trong giai đoạn bình thường mới.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Khu hồ Văn rộng 12.000m2 có hồ, đảo là nơi có nhiều tiềm năng để khai thác tổ chức các hoạt động và có thể kết nối với khu nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Trung tâm đang phục dựng Phương Đình tại gò Kim Châu thuộc quần thể di tích.
Bên cạnh đó, trung tâm có định hướng đề xuất với UBND TP Hà Nội và quận Đống Đa xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, có hệ sinh thái gồm rất nhiều hoạt động văn hóa. Với định hướng như thế, trung tâm xây dựng nhiều sản phẩm, hoạt động tổ chức tại hồ Văn, vườn Giám. Còn tại khu nội tự, trung tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm với hoạt động trưng bày Quốc Tử Giám, giới thiệu cho khách giá trị lịch sử, truyền thống đạo học ở di tích.
Thời tạm dừng hoạt động, các bảo tàng: Lịch sử Quốc gia, Lịch sử Quân sự, Mỹ thuật Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam… cũng xây dựng nhiều hoạt động sáng tạo. Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông công chúng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam An Thu Trà chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo bảo tàng xác định đối tượng khách tiềm năng là các nhóm nhỏ. Vì vậy, các bảo tàng, di tích đã xây dựng các sản phẩm phục vụ đối tượng này.
Theo đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã lấy lợi thế là không gian xanh tại bảo tàng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Làm nông dân bắt cá dưới suối nhân tạo, tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa truyền thống, hay chủ động đưa hoạt động đến trường học thay vì đợi các trường đưa học sinh tới.
Trở lại mạnh mẽ
Đầu năm 2022, nhiều di tích, danh thắng tại Thủ đô đã mở cửa, hoạt động bình thường trở lại (ngày 15/2), đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái, thực hành tín ngưỡng đầu xuân của người dân.
Trước đó, ngày 10/2, Hà Nội cho phép các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật được hoạt động trở lại. Những động thái này cho thấy quyết tâm của các cấp, ban, ngành trong việc nỗ lực khôi phục hoạt động văn hóa, du lịch trong tình hình mới; đồng thời cũng mang đến động lực, tinh thần hào hứng cho người dân trong dịp đầu năm.
Thực tế cho thấy, việc khôi phục các hoạt động sinh hoạt lúc này là đúng thời điểm và vô cùng cần thiết, đã thu hút sự tham gia của nhiều người dân, góp phần phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.
Từ trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều quận, huyện địa điểm đã tổ chức chợ hoa, hội chợ Tết, thu hút đông đảo người dân, như “Chợ hoa truyền thống và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng”; Hội chợ Xuân Nhâm Dần với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị xuân đất Việt”.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân, công chúng, các hoạt động của nhà hát, sân khấu như "lò xo bị nén" sẽ bật mạnh, bùng nổ. Cụ thể, khi được phép mở cửa, các đơn vị nghệ thuật lập tức công diễn phục vụ khán giả.
Tháng 3 này, các chiếu chèo của Nhà hát Chèo tiếp tục diễn ra tại 71 Kim Mã, Hà Nội. Cùng lúc, các nghệ sĩ cũng đang lên sàn tập vở “Cánh diều lạc gió”. Mặc dù nhiều nghệ sĩ bị F0, nhưng Nhà hát Múa rối Việt Nam không chịu ngồi đợi mà đã cố gắng gom diễn viên của các đoàn để tham gia Nhà hát Truyền hình với chương trình mới nhất “Du Xuân cùng 5K” (kịch bản: Minh Nhật, đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng).
Nhà hát cũng phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam khai trương lại Trung tâm biểu diễn Múa rối nước “Bông Sen”, giới thiệu chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đương đại kết hợp với múa rối nước truyền thống, mở màn cho chuỗi hoạt động thường nhật và mở cửa đón khách quốc tế.
Nhiều sản phẩm mới
Để kịp thời thích nghi, nhiều bảo tàng, di tích, nhà hát, sân khấu trên địa bàn Thủ đô bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục khó khăn, linh hoạt thay đổi phương thức tiếp cận công chúng cũng như có những sản phẩm văn hóa phù hợp để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách tham quan, du lịch.
Cụ thể, đối với các bảo tàng, di tích có thể kể tới như: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long đã cho ra mắt các tour du lịch về đêm; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ; Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu ứng dụng công nghệ 3D Mapping trình chiếu bằng công nghệ ánh sáng cho sản phẩm tour du lịch ban đêm.
Sân khấu Việt trong những ngày đầu năm cũng đang có những bước “khởi động” mạnh mẽ trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đơn cử, Nhà hát Tuổi trẻ mới đây đã chính thức khởi động dự án nhạc kịch mang tên “Sóng - Song The Musical”. Đây là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với câu chuyện dựa trên cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Chúng tôi đã chính thức bắt tay xây dựng vở nhạc kịch “Sóng” từ năm 2021. Vở diễn là tập hợp của một ê kíp sản xuất cùng chung chí hướng, từng bước vượt qua nhiều thử thách để bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ đó.
Với dự án nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh, ê kíp Nhà hát Tuổi trẻ ấp ủ sáng tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn “vị cộng đồng”, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời.
dự án, chương trình đã triển khai hay mới chỉ hình thành trong ý tưởng và kế hoạch của từng di tích, danh thắng, bảo tàng, đơn vị nghệ thuật cho thấy, năm 2022, diện mạo của văn hóa, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ có nhiều đột phá, nở rộ các tác phẩm có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo.