Thi sĩ Xuân Diệu hăng hái với mùa xuân
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:17, 15/03/2019
Nhà thơ Thế Lữ trong lời tựa cho tập “Thơ thơ” (1938) của Xuân Diệu đã viết: “Cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân”. Một nhận định hay ngang với Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” (1941): “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới”. Trước cách mạng, Xuân Diệu nổi tiếng trên văn đàn bởi hai tập thơ: “Thơ thơ” (1938) và “Gửi hương cho gió” (1945).
Xuân Diệu “hăng hái với mùa xuân”, hiểu là trong thơ ông mùa xuân ngự trị, mùa xuân bất diệt, mùa xuân thường trực, mùa xuân là nơi bày tỏ khát vọng sống và là nơi lưu giữ cái đẹp của trần thế. Thi sĩ viết nhiều bài thơ về mùa xuân: “Nụ cười xuân”, “Nguyên Đán”, “Xuân rụng”, “Xuân đầu”, “Xuân không mùa”. Đã đành. Nhưng trong nhiều bài thơ khác không trực tiếp về mùa xuân thì độc giả vẫn có thể cảm nhận được cái tinh thần “hăng hái với mùa xuân” của thi sĩ. Trong bài thơ “Vội vàng” thi sĩ Xuân Diệu viết: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần/ Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân/ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân đã già/ Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn”. Vội vàng sống, vội vàng hưởng thụ, vội vàng yêu. Thi sĩ Xuân Diệu là thế, lúc nào cũng cuống quýt, nói như bạn thơ Thế Lữ là “tham lam tình yêu”. Một thi sĩ bé nhỏ về thể xác nhưng tâm hồn thì rộng mở vô biên, ông hình dung mình đủ dư thừa cái sức vóc: “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của thời tươi/ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
Đúng là thi sĩ Xuân Diệu hăng hái với mùa xuân. Nhưng đôi khi cái ham muốn kỳ quặc muốn được cắn vào “xuân hồng” có nguôi ngoai. Ấy là khi tự dưng con người cảm thấy cô đơn lẻ loi. Lúc đó thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cũng có khi thi sĩ thay lời người khác mà thốt lên: “Mùa xuân khó chịu quá đi thôi/ Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi”. Thi sĩ là một người tinh tế. Tất nhiên. Nhưng lắng nghe được: “Những tiếng ân tình hoa bảo gió/ Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân” (“Với bàn tay ấy”) thì không phải ai cũng thẩm thấu hết được. Bất chợt lúc nào đó thi sĩ có cái cảm giác chống chếnh vì: “Mùa xuân tôi chưa hề có hoa tươi” (“Dối trá”). Mùa xuân trong tâm cảm của thi sĩ như một cô gái đẹp, thơm tho và quyến rũ. Nhưng mùa xuân cũng như cô gái đẹp ấy luôn chuyển động, thoắt ẩn thoắt hiện. Vì thế đôi khi khiến thi sĩ hẫng hụt: “Xuân bước vội nhưng mà hương chẳng mất/ Tôi với tay giam giữ ở trong nầy” (“Lời thơ vào tập Gửi Hương”). Với con người thời hiện đại mới có cái cảm thức đặc biệt về cái đêm cuối tuần – đêm thứ bảy. Xuân Diệu gọi đó là “đêm thứ nhất”. Vì sao? Vì có những chàng trai tưởng rằng trong lòng mình “sẵn kho xuân, quên cả túi không tiền” nên cứ háo hức chờ đợi những cuộc vui bất tận. Hóa ra thực tế không như thế. Nên tối về “Trên gác về trống lạnh cả lòng xuân” (“Đêm thứ nhất”).
Đúng là thi sĩ Xuân Diệu hăng hái với mùa xuân. Nhưng đôi khi cái ham muốn kỳ quặc muốn được cắn vào “xuân hồng” có nguôi ngoai. Ấy là khi tự dưng con người cảm thấy cô đơn lẻ loi. Lúc đó thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cũng có khi thi sĩ thay lời người khác mà thốt lên: “Mùa xuân khó chịu quá đi thôi/ Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi”. Thi sĩ là một người tinh tế. Tất nhiên. Nhưng lắng nghe được: “Những tiếng ân tình hoa bảo gió/ Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân” (“Với bàn tay ấy”) thì không phải ai cũng thẩm thấu hết được. Bất chợt lúc nào đó thi sĩ có cái cảm giác chống chếnh vì: “Mùa xuân tôi chưa hề có hoa tươi” (“Dối trá”). Mùa xuân trong tâm cảm của thi sĩ như một cô gái đẹp, thơm tho và quyến rũ. Nhưng mùa xuân cũng như cô gái đẹp ấy luôn chuyển động, thoắt ẩn thoắt hiện. Vì thế đôi khi khiến thi sĩ hẫng hụt: “Xuân bước vội nhưng mà hương chẳng mất/ Tôi với tay giam giữ ở trong nầy” (“Lời thơ vào tập Gửi Hương”). Với con người thời hiện đại mới có cái cảm thức đặc biệt về cái đêm cuối tuần – đêm thứ bảy. Xuân Diệu gọi đó là “đêm thứ nhất”. Vì sao? Vì có những chàng trai tưởng rằng trong lòng mình “sẵn kho xuân, quên cả túi không tiền” nên cứ háo hức chờ đợi những cuộc vui bất tận. Hóa ra thực tế không như thế. Nên tối về “Trên gác về trống lạnh cả lòng xuân” (“Đêm thứ nhất”).
Nhưng nói về tinh thần “hăng hái với mùa xuân” trong thơ Xuân Diệu trước 1945 thì phải ngưng lại đọc những bài thơ tiêu biểu nhất của thi sĩ “Nụ cười xuân”, “Nguyên Đán”, “Xuân rụng”, “Xuân sầu” và “Xuân không mùa”. Tôi gọi đó là năm ngón tay (có “hoa tay”) trên một bàn tay cầm bút viết về mùa xuân. Mỗi bài thơ là một mầm xuân, sắc xuân, hương xuân, giọng xuân. Nhớ lại câu thơ mà có người bạo mồm bạo miệng gọi là khẩu khí phồn thực của Xuân Diệu khi thi sĩ ca lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. Với thi sĩ Xuân Diệu thì thiên nhiên cũng là một sinh thể, sinh linh. Hơn thế, mùa xuân tựa như một thiếu nữ trẻ trung, duyên dáng, và đầy gợi cảm. Hẳn vì thế mà thi sĩ nhìn thấy một “Nụ cười xuân”. Thể thơ bảy chữ khiến câu thơ cứ như chầm chậm đến: “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế!/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi”. Câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất làm sáng bừng lên cả không gian nhờ “những nụ cười tươi”. Thi sĩ nhìn thấy: “Mùa xuân chín ửng trên đôi má”. Hẳn là đôi má thiếu nữ trẻ đẹp. Và rồi chính người thiếu nữ ấy tượng trưng cho mùa xuân: “Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người/ Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi/ Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy/ Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười”. Ai bảo Thơ mới là “một tiếng thở dài”, ai bảo Thơ mới chỉ có nỗi buồn, sự cô liêu, ai bảo Thơ mới là tuyệt vọng sầu bi?! Cảm thức về thiên nhiên (trong đó có mùa xuân) đã tạo nên sự thanh khiết và nền nã của Thơ mới. Và độc giả cũng đã nhân đó mà tìm thấy cái nhã thú văn chương. Nếu “Nụ cười xuân” có cái rạng rỡ của niềm vui sống thì “Nguyên Đán” là một bài thơ tứ tuyệt, có thể nói là hàm súc nhất về mùa xuân. Cái cấu tứ của bài thơ nằm ở câu thơ thứ hai: “Trong tôi xuân đã đến lâu rồi” dẫu cho: “Xuân của đất trời nay mới đến”. Lại một lần nữa thi sĩ “chơi” thơ bảy chữ/ bốn câu. Nó tạo nên một khối thống nhất, đọc lên thấy ngân nga: “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi, xuân đã đến lâu rồi/ Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”.
Cảm thức về mùa xuân trong thơ Xuân Diệu trước năm 1945, có thể nói, kết tinh trong bài thơ “Xuân không mùa”. Cái cấu tứ: “Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng” trùng phùng với cấu tứ của bài thơ “Nguyên Đán”, như vừa nhắc ở trên. Xuân đến một cách tự nhiên như tuần hoàn của trời đất: “Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều”. Xuân không phải là một khách không mời mà đến. Xuân là một khách quen. Hơn thế là một khách nữ yêu kiều, đáng yêu. Xuân không chỉ bó hẹp trong ba tháng tính theo thời gian: “Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng/ Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ/ Chim trên cành há mỏ hót ra thơ/ Xuân là lúc gió về không định trước/ Đông đang lạnh, bỗng một hôm trở ngược/ Mây bay đi để hở một khung trời/ Thế là xuân. Trời chỉ ấm hơi hơi/ Như nắm được một bàn tay son trẻ/ Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé/ Giữa mùa hè khi nắng biếc sau mưa/ Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa/ Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng”. Cách điệp “thế là xuân” làm cho hơi thơ tự nhiên như hơi thở vậy. Nó tiêu biểu cho thơ của thi sĩ Xuân Diệu lúc nào cũng hồn nhiên nên dễ cảm thông và chia sẻ. Đôi khi quá phấn khích thi sĩ như phải kêu to lên mới hả lòng hả dạ: “Xuân ơi xuân, vĩnh viễn giữa lòng ta”. Thậm chí như là một đinh ninh: “Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng”.